Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 2022), 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương được tổ chức tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An).
Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart; lãnh đạo một số địa phương và các vị khách quốc tế; lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi lễ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương |
Một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, là con của ông Hồ Phi Diễn, thuộc dòng dõi họ Hồ Phi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao.
Quê hương ở làng Quỳnh xứ Nghệ, sinh ra ở thành Thăng Long – những vùng đất địa linh nhân kiệt đã góp phần làm nên cá tính đặc sắc và tài năng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, nữ thi sĩ nổi tiếng và tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX và là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. |
Bà để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập “Lưu Hương ký” (với 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng khoảng 100 bài thơ khác theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt.
Thơ Hồ Xuân Hương vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho phía Việt Nam. |
Những tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, nhà thơ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới. Ngày 23/11/2021, UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Tại buổi lễ, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Nghị quyết vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương, và nhấn mạnh, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của châu Á. Điều đặc biệt là trong lúc sinh thời, bà đã thể hiện tư tưởng vượt qua thời đại, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ những ngày đầu. Đây chính là điểm nhấn trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ 18, 19. Vì vậy, bà chính là người đã theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ, khẳng định nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người đã theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO. |
Văn hóa Việt Nam hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua nghị quyết và cùng tổ chức tôn vinh Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hòa chung dòng chảy văn hóa nhân loại.
Tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước cho rằng, đó cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai. Chúng ta tôn vinh nữ sỹ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với người phụ nữ thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, cũng như những vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ.
Sau lễ vinh danh là Chương trình nghệ thuật nhạc kịch "Ví đây đổi phận làm trai được" tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An). |
Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho Văn hóa thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới. Chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm, sáng tác văn hóa-nghệ thuật, thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Chương trình nghệ thuật có trên 15 tiết mục thơ, nhạc do 60 nhà thơ, những người sáng tác các tác phẩm viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương tham gia biểu diễn. |
Ngay sau những phát biểu quan trọng là Chương trình Nghệ thuật nhạc kịch “Ví đây đổi phận làm trai được” - điểm nhấn trong Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Chương trình nghệ thuật với 5 trường đoạn gồm: Những năm tháng đầu đời; Ba chìm bảy nổi; Nỗi đau nhân thế; Thơ đối thoại với … thơ và Những người tình trong thơ.
Trước đó, chiều 3/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn; tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.