Tâm tình con gái

GD&TĐ - Hôm nay là ngày thật ý nghĩa với con. Ngày đầu đến trường nhận lớp, con đã là nữ sinh trung học phổ thông, con lớn rồi. Con hào hứng chờ ngày nhập trường.

Tâm tình con gái

Ngôi trường cấp ba thật khang trang, sân trường rộng với nền gạch đỏ rực sáng dưới nắng thu vàng. Từng tốp học sinh tung tăng vui cười, chắc cũng như con, sau một kì thi căng thẳng, và mấy tháng hè, nay được gặp lại bạn bè trên ngôi trường mới với niềm tự hào và niềm vui chiến thắng.

Theo sơ đồ con đã tìm được đến phòng học lớp mình. Một phòng học rộng rãi, sáng sủa, bàn ghế mới ngay ngắn, bàn ghế cao hơn ở lớp cấp hai trước của con.

Đã có nhiều bạn trong phòng, dù những chiếc khẩu trang (phòng dịch Covid-19) che khuôn mặt nhưng những ánh mắt lấp lánh niềm hân hoan và con vẫn nhận ra những ánh mắt thân quen của các bạn học cũ. Con vui lắm vì vẫn được cùng lớp với cái Vân, cái Hà - nhóm bạn thân từ cấp một.

Chúng con ríu rít chào nhau… Con bị thu hút bởi chiếc bảng lớp học. Một dòng chữ lớn với nét chữ mềm mại rất đẹp “Chào mừng các tân học sinh lớp 10C8” được trang trí màu, điểm thêm những bông hoa viền và hình vẽ cô giáo đang dang tay đón các học sinh. Con thấy được yêu thương, trân trọng.

Lớp con 45 học sinh đã tập trung đủ trong phòng và đang háo hức chờ cô chủ nhiệm xuất hiện. Rồi cô bước vào lớp. Cô nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng. Đôi mắt cô luôn cười thân thiện, dù không thấy rõ khuôn mặt cô, cũng bởi chiếc khẩu trang - con bỗng bực con Covid quá, nhưng con đoán cô cũng tầm tuổi mẹ.

Giọng nói cô dịu dàng nhưng dứt khoát, toát lên vẻ uy nghiêm, vì thế mà phòng học đang nhốn nháo, rầm rào tiếng nói cười nghe giọng cô bỗng tập trung, nghiêm túc… Chúng con được xếp chỗ ngồi, xếp tổ, bầu cán bộ lớp, con được bầu làm lớp trưởng đó mẹ. Chúng con được đo đồng phục nhà trường...

Trở về con háo hức được kể với mẹ buổi tựu trường thú vị. Buổi trưa mẹ đi làm về, con vồn vã ra đón mẹ. Mẹ sà xuống ôm cu Tũn “Ôi cún con của mẹ!”. Mẹ quay sang con, đã tắt nụ cười trên môi, “Không đi dọn cơm ăn mau còn đứng đó!”. Niềm hân hoan và những điều ấp ủ trong con tan biến. Con trở về với nhiệm vụ chị cả của mình. Con réo cái Thảo, cái Thơm đứa trải chiếu, đứa bê mâm…”.

“Chị em chúng mày ở nhà làm gì mà từ sáng đến giờ chưa dọn chuồng gà?”. Con biết mẹ đang quở trách con, vì đó là nhiệm vụ của con, cái Thảo, cái Thơm chưa làm được. Lẽ ra con nên giải thích, sáng nay con đi nhận lớp - mẹ cũng biết, về con chỉ còn kịp nấu cơm, cho em Tũn ăn. Nhưng con lại thủng thẳng “Chiều con dọn” trong sự tấm tức.

“Chiều thì lũ gà chết hết vì sặc phân à, con gái lớn bằng ấy mà chỉ ăn hại”. Mẹ bực tức, cầm rễ ra quét dọn, để bốn chị em ngồi quanh mâm cơm buồn tiu nghỉu. Con thì lòng đầy ân hận, tủi thân.

Mâm cơm nguội ngơ. Mẹ ăn vội, trước khi buông bát bế em đi nghỉ, vì chiều còn đi làm sớm, mẹ quay sang con: “Hôm nay nhận lớp cô giáo thông báo đóng góp bao nhiêu?”. Ơ, thì ra mẹ vẫn nhớ.

Thấy được sự quan tâm của mẹ con hào hứng trở lại, “Cô chưa thông báo đóng góp gì mẹ ạ. Chỉ đo đồng phục, con đăng ký bộ đồng phục mùa hè và một áo đồng phục mùa đông”, đang hứng khởi con tiếp, “có đứa đăng ký hai bộ đồng phục mùa hè cơ mẹ”.

“Bì sao được với nhà chúng nó, mày không thấy mẹ mày làm bật mặt nuôi bốn đứa mày à? Mà sao không hỏi ý kiến mẹ đã tự tiện đặt? Cái áo đông năm ngoái còn mới may làm gì nữa, hôm nào bảo cô giáo là thôi!”.

Con chưng hửng. Áo năm ngoái. Năm nay con lớn rồi mà, con học cấp ba rồi đấy. Các bạn con đỗ vào lớp 10 được thưởng đủ thứ, đứa được điện thoại mới, đứa laptop, đứa xe đạp điện… Con đâu dám bì. Con biết nhà mình nghèo.

Bố mẹ làm lụng vất vả. Nhất là mẹ. Mẹ làm công ty, có đợt tăng ca đến chín, mười giờ đêm mới về. Mẹ còn kiêm nghề nông với năm sào ruộng và cả vườn rau. Chủ nhật được nghỉ thì mẹ tối mặt tối mũi với ruộng vườn.

Từ sau sinh thêm em Tũn mẹ gầy xọp. Dì Tươi thương mẹ, “chị cứ tham thế đổ bệnh ra đấy”. “Không làm thì lấy gì đổ vào bốn cái tàu há mồm của dì kia?”. “Ai bảo chị đẻ lắm còn kêu, cố con trai xem mai kia hòng được gì, lũ quý tử thiên hạ nghiện ngập đầy ra đấy”. “Dì cứ ác miệng, anh rể nghe thấy dì còn chỗ mà đến không? Không thòi được thằng con trai chị dì sống yên chắc. Mà còn cái thân dì đấy”.

Con cũng hiểu phần nào nỗi khổ tâm của mẹ. Con nhớ, trước khi sinh em Tũn bố mẹ thường hay dằn dỗi nhau. “Nhục! Đời thằng Thực này so súi vì lũ vịt giời. Hết trứng cô cũng phải đẻ bằng được cho tôi thằng cúng cơm”.

“Đẻ lắm lấy gì mà nuôi. Con trai hay con gái tôi nặn được chắc. Mà có ra được con trai hay cái phúc nhà anh chỉ một bề”. “Cô có đẻ được không hay để tôi đi gửi?”... Có buổi bố đi ăn đám về, mặt đỏ phừng phừng, miệng nôn ọe. Ba chị em con líu ríu đứa lấy thau, đưa lấy khăn, đứa rót nước. Bố gạt phăng đổ cả thau nước vào người con, miệng làu bàu “Lũ vịt giời, ăn hại. Làm bố chúng mày phải chịu nhục. Biến hết đi!”.

Mẹ ủ ê, mệt mỏi vì bố hay bỏ bê công việc chỉ tối hôm cờ bạc, rượu chè, một mình mẹ quán xuyến bao việc. Con không hiểu sao con trai lại quan trọng thế? Chị em con đều học giỏi, ngoan ngoãn mà không làm cho bố mẹ hài lòng.

Em Tũn ra đời trong niềm hoan hỉ của cả nhà, cả họ nữa. Con cũng vui lắm vì có thêm em. Thật may, bố không như trước nữa. Ngày ngày bố đi làm ngoài phố từ sớm đến khuya mà vẫn tươi tỉnh, “vì cậu ấm này sất”. Song cái thiếu thốn càng hiện hữu trong nhà mình hơn.

Bữa cơm chỉ có đĩa rau luộc, bát mắm, mấy miếng đậu, mẹ có thêm mấy miếng thịt nạc rang mặn ăn để có sữa cho em Tũn, cái Thơm cứ loi choi đôi đũa. Bởi mẹ nghỉ làm, tất cả chỉ trông chờ vào công thợ xây hàng ngày của bố. Chúng con thì còn bé.

Con thương bố mẹ lắm, con biết vì đông con nên bố mẹ vất vả hơn. Nhưng con không muốn bớt em nào, con rất vui vì có nhiều em, nhất là có thêm em Tũn. Bố mẹ hòa hợp vui vẻ hơn. Em Tũn kháu khỉnh. Bốn chị em con luôn ríu rít. Con chỉ mong nghỉ hè để làm thời vụ có tiền phụ giúp bố mẹ.

Nhiều lúc con đã nghĩ đến việc nghỉ học. Con đã làm được nhiều việc để đỡ đần mẹ. Con nghỉ sẽ bớt nhiều khoản chi phí để dành cho các em. Nhưng đến lớp, đến trường ý định đó của con lại tan biến, chỉ còn lại niềm vui bạn bè, niềm say mê thi đua học tập. Con muốn được đi học, như hôm nay đến trường mới niềm mong ước đó của con càng rạo rực hơn. Và con muốn được kể với mẹ…

Song giờ đây, ngồi sắp xếp lại sách vở chuẩn bị cho năm học mới lòng con sao trống rỗng. Những ước muốn nhạt nhòa, mông lung như màn sương cuối ngày.

“Sao hôm nay đã lĩnh tiền rồi?” - tiếng mẹ đầy vẻ lo lắng, dù cố ghìm giọng nhưng đêm tối im ắng và căn nhà chẳng có phòng riêng, vẫn lọt vào tai con.

“Ngoài phố bùng dịch, tình hình này thất nghiệp dài”. “Vậy thì lấy đâu ra trang trải đầu năm học cho chúng nó?”. Những hơi thở nặng nhọc trong đêm. Bố dằn từng tiếng, cố ghìm giọng “Con gái học làm gì nhiều, rồi lại neck đi lấy chồng”.

“Thì cũng phải cho chúng học hết cấp ba chứ, không thiên hạ người ta cười cho à?”, “Bằng cấp ba, hay bằng cấp hai vào công ty cũng như nhau. Cả mấy đứa đại học kia ra trường lại lao đầu vào công ty, như nhau cả”. Tai con như có gió ù ù.

Những buổi đến trường của con không con niềm hân hoan, con lo lắng cho “số phận” học sinh của mình. Con xin cô không may đồng phục, không đăng ký học ca chiều. Hết giờ cô gọi con ở lại. Cô nhìn con trìu mến, cô hỏi con lý do. Con chỉ lí nhí mấy lời chống chế. Con đã thấy trong ánh mắt cô ánh buồn thương thông cảm.

Chiều ấy mẹ về sớm, gương mặt phờ phạc âu lo. Cái Thơm, cái Thảo, thằng Đạt thì rối rít vui mừng. Bố vừa đi chăm lúa về. Mẹ ào ạt ca thán:

- Đận này thì khốn, công ty xuất hiện ca F1, đóng cửa rồi.

Không khí nhà mình nặng nề quá. Mâm cơm với rau mắm, cá khô là quen thuộc. Con thì không sao, chỉ thương ba em cứ phụng phịu “con muốn ăn thịt cơ!”. “Rồi cơm còn không có mà ăn, thịt đâu ra!” - Bố quát. Tiếng đôi co giữa bố mẹ lại trở về hàng đêm.

Con hiểu, cũng chỉ vì túng quẫn. Con thấy căm tức con Covid, chẳng thấy hình hài mà sao chúng ghê gớm quá. Con ước gì có phép thần quét sạch chúng đi để bố mẹ được đi làm bình thường, con vẫn được đến trường.

Con đã quyết tâm… nghỉ học. Con không nói với bố mẹ. Con đã khóc suốt đêm bởi quyết định đó. Con buồn lắm, xa trường lớp, bạn bè, sách vở. Ước mơ trở thành cô giáo đã khép lại trong con. Con thấy tương lai mờ mịt. Bỗng ý nghĩ mình sao vô dụng, là con gái chỉ là gánh nặng cho bố mẹ len lỏi vào tâm trí con khiến con nghĩ đến việc ra đi. Con đi bố mẹ sẽ đỡ vất vả, nhà mình vẫn còn em Thảo, em Thơm và em Tũn, bố mẹ chỉ cần em Tũn.

- Cô thấy mấy buổi nay em học không tập trung, sức khỏe của em sao không?

- cô ân cần.

Con chỉ lắc đầu:

- Em không sao.

- Có chuyện gì hãy nói với cô, biết đâu cô có thể giúp em. Cô muốn được như người bạn của các em nữa.

Lời cô dịu dàng, yêu thương quá! Con òa khóc.

- Em phải nghỉ học. Con gái học cũng không để làm gì, cô ạ… mà bố mẹ em đang thất nghiệp vì Covid.

- Cô hiểu hoàn cảnh của em - cô vỗ về con. Cô sẽ đề xuất lên nhà trường để em được hỗ trợ học tập. Dịch bệnh Covid khốc liệt quá. Em thấy đấy, không chỉ gia đình em, mà còn bao gia đình khác quê mình, khắp nước mình và cả toàn thế giới đều đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Trong hoàn cảnh này cần phải vững tâm, kiên cường cùng gia đình và cộng đồng chống lại dịch bệnh. Cô tin dịch bệnh sẽ qua, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Giọng cô trầm lắng:

- Cô cũng là con gái, cũng đã có thời là học sinh với nhiều ước mơ, hoài bão. Ngày ấy làng quê còn nghèo khó hơn bây giờ. Nhà cô cũng đông anh chị em, bố mẹ thuần nông. Cô không có xe, đi bộ bốn năm cây số đến trường.

Chiều về đi làm ruộng cùng bố mẹ, hay đi câu cáy, mò cua, bắt ốc… Khi ấy, cô chỉ luôn nghĩ con đường thoát nghèo khổ chỉ có cố gắng học tập. Là con gái cũng phải tự chủ, không thể cứ bám theo quan niệm cũ “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Muốn thế mình cũng phải có công ăn việc làm.

Tương lai của các em rất rộng mở, các em có tuổi trẻ, tuổi trẻ sẽ là phép màu để các em thực hiện ước mơ. Em có nghĩ đến điều mình muốn trở thành một cô gái như thế nào không? - nhất định phải trở thành một cô gái mà chính mình yêu thích em nhé!...

Những lời cô nói cứ vang vọng trong con. Con suy nghĩ về điều “mình muốn trở thành một cô gái như thế nào?… nhất định phải trở thành một cô gái mà chính mình yêu thích”. Con thấy lòng nhẹ nhõm, tâm hồn phơi phới, con như vừa bước ra khỏi màn đêm u tối. Trời thu trong xanh soi gương trên dòng kênh trong, nắng vàng trải trên thảm lúa đồng xanh mơn mởn đang thì con gái.

Tiếng chim ríu rít reo ca. Con như đi giữa một dạ khúc đồng quê êm ả. “Cuộc sống là một món quà… Tuổi trẻ là phép màu…”. Con yêu cuộc sống và yêu bố mẹ, người đã mang đến cho con món quà quý giá nhất!

Mẹ ơi! Con sẽ kể mẹ nghe! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.