Cô chủ nhiệm như người mẹ ở trường

Cô chủ nhiệm như người mẹ ở trường

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trăn trở với nghề

Tốt nghiệp đại học năm 2002, cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy về công tác tại một ngôi trường thuộc huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông. Năm 2008, cô xin chuyển về Trường THCS Phan Chu Trinh và được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Bằng đam mê mãnh liệt với công việc, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, cô đã vượt mọi khó khăn, không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là công tác chủ nhiệm.

Cô Thúy chia sẻ: “Công tác chủ nhiệm là một công việc thường được coi là khó và khổ, đòi hỏi người GV phải thực sự có lòng yêu nghề và yêu trẻ, coi học trò như con em của mình. Tôi luôn trăn trở là làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề sao cho vừa xây dựng lòng tin, sự tôn trọng của HS mà không tạo khoảng cách với các em. Từ suy nghĩ ấy, hàng ngày tôi dành thời gian suy ngẫm về các vấn đề của học trò, về cách ứng xử với HS, xử lý khi các em mắc lỗi. Và để giải quyết ổn thỏa, tôi luôn ý thức học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết xã hội, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè, đồng nghiệp”.

Theo cô Thúy, giao tiếp với HS là một nghệ thuật, mà nghệ thuật đó đòi hỏi phải học tập trong sách vở, trong cuộc sống, ở những người có nhiều kinh nghiệm, ở các cuốn sách báo nghiên cứu về tâm sinh lý HS THCS. Trong quá trình làm công tác chủ nhiệm, cô đã vận dụng hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HS trong công tác chủ nhiệm như: Tổ chức tốt các buổi sinh hoạt 15 phút và buổi sinh hoạt cuối tuần; Phương pháp nghiên cứu tình huống; Phương pháp trò chơi.

Với niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi để có phương pháp nâng cao hiệu quả trong công tác chủ nhiệm, cô đã có nhiều sáng kiến đã được triển khai như: Giáo viên chủ nhiệm lớp thân thiện; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện học sinh lớp 6A năm học 2017 - 2018 Trường THCS Phan Chu Trinh.

Cô chủ nhiệm như người mẹ ở trường ảnh 1
Cô Nguyễn Ngọc Thúy nhận giải cá nhân Xuất sắc trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THCS năm học 2019 - 2020.

Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi

Năm học 2018 - 2019, tất cả HS trong lớp của cô Thúy chủ nhiệm đều chăm ngoan, ý thức học tập, rèn luyện tốt; không có HS bỏ học, nghỉ học giữa chừng, tham gia đầy đủ các phong trào, cuộc thi do các cấp tổ chức. Ngoài ra, cô Thúy còn tích cực tham gia các cuộc thi về công tác chủ nhiệm để nâng cao trình độ và đã đạt giải Nhì trong Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi năm học 2014 - 2015 và 2016 - 2017; cô được đặc cách Công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, trong năm học 2019 - 2020, cô đã tham dự Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THCS tỉnh Đắk Lắk và giành giải Xuất sắc.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Ngọc Thúy cho biết: Để làm tốt công tác chủ nhiệm thì người GV cần đặt mình vào hoàn cảnh của HS để hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả những ước mơ của các em, phát hiện kịp thời những diễn biến, những thay đổi trong học tập và trong cuộc sống, những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, đến nhận thức tư tưởng đạo đức của các em. Luôn động viên khen ngợi các em khi các em có sự tiến bộ dù rất nhỏ, để các em cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn, vui cùng những thành tích nhỏ bé, chia sẻ những thất bại của các em. GV chủ nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng, là người gần gũi, quan tâm các em như người mẹ, người cha thứ hai ở trường.

Người GV cũng cần chủ động phát hiện những bất thường và kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn HS gặp phải, đưa các em ra khỏi trạng thái bi quan, căng thẳng. Với HS, cô luôn công bằng, bình tĩnh, kiền trì và mềm mỏng.

Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS tỉnh Đắk Lắk là một hoạt động chuyên môn có quy mô lớn của ngành GD-ĐT nhằm lựa chọn và tôn vinh các giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi trong các trường THCS, tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp, cách tổ chức lớp học, giáo dục đạo đức học sinh; góp phần đánh giá thực trạng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.