Tấm thiệp cho mèo con

GD&TĐ - Sữa là một chú mèo con và là món quà sinh nhật mẹ tặng cho Bông khi cô bé 9 tuổi.

Tấm thiệp cho mèo con

Cái tên của Sữa là do Bông đặt vì vẻ ngoài của mèo con giống hệt một chú bò sữa với những mảng màu đen trắng, phối một cách hoàn hảo trên cái thân hình nhỏ nhắn và cẳng chân mảnh khảnh. Sữa có khuôn mặt tròn trắng, cánh mũi hồng hơi hếch, bộ lông mềm mượt mà và cặp mắt to màu đồng xinh xẻo.

Sữa khi ấy chắc chỉ chừng ba lạng, rất bé bỏng gầy gò. Có lẽ vì mẹ đẻ của Sữa sinh cùng một lúc tới mấy bé mèo con nên chẳng thể đủ sữa cho các con bú. Chủ cũ của Sữa cũng không đủ sức nuôi một lúc sáu chú mèo.

Chính vì thế, họ đã đăng thông báo cho mèo trên Facebook và cô giáo của Bông đã xin Sữa cho học trò cưng của mình khi nghe mẹ Bông tâm sự rằng con bé luôn ao ước có một chú mèo.

Ngày Sữa được mang về, không chỉ Bông mà mấy đứa nhỏ, em họ của Bông Cát Bi, Cát Boi, Cà Chua cùng các bạn hàng xóm có mặt đều sững sờ vì bất ngờ và thích thú. Một lát sau chúng lập tức vây quanh Sữa.

Đứa rụt rè, rón rén, đứa mạnh dạn, sấn sổ xông vào. Đứa nào cũng muốn được sờ nắn, vuốt ve bộ lông mềm mịn của Sữa. Bông thì mắt sáng rỡ, hai cánh mũi phập phồng, hãnh diện vô cùng. Bông lấy sữa cho Sữa uống, bế Sữa trên tay, vuốt ve, dỗ dành khi Sữa sợ, cứ đòi tụt xuống.

Bông nhìn ngắm Sữa không chán mắt rồi luôn miệng thán phục: “Trời ơi, con nhà ai mà xinh quá! Quả thực là rất cute phomai que! Yêu quá!”. Rồi Bông hào hứng tuyên bố: “Hôm nay là ngày vui nhất trong đời con!”. Bông cũng không quên ôm mẹ, hôn lấy hôn để vì “món quà tuyệt vời” này.

Bông làm quá tới mức mẹ thấy ngượng. Bởi vì thực tình nếu không được cho thì mẹ sẽ chẳng dám nghĩ tới việc bỏ tiền ra mua pet (thú cưng) cho Bông. Vì trước đó mẹ đã tìm hiểu và biết một bé mèo Anh xinh xẻo có giá lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô la.

Tiền đâu mà mẹ mua chứ. May cho mẹ là Bông không hề phân biệt mèo ta, mèo tây. Bông yêu Sữa đến mức khi bị một bác đùa: “Hôm nào Bông đi vắng, bác sẽ ném Sữa vào nồi lẩu rau má”, cô bé đã khóc sưng cả mắt.

Cả tuần sau đó, đi đâu Bông cũng ôm theo Sữa vì sợ có ai bắt cóc hoặc làm thịt, mặc cho mẹ giải thích đi giải thích lại là mấy kẻ trộm mèo sẽ chỉ bắt mèo to chứ chúng chẳng dại mà bắt mèo con, nuôi tốn kém lắm, ăn thì chẳng bõ dính răng.

Mà đúng là nuôi mèo cũng khá tốn kém. Trước mẹ nghĩ đơn giản. Ngày xưa, ở quê, dù nghèo mà nhà ai cũng nuôi được một hai con mèo thì lo gì. Thế nhưng ngày đón Sữa về, mẹ vào các trang thú cưng để hỏi kinh nghiệm mới biết đúng là phải khá giả mới nên nuôi mèo.

Tốn phết! Trước hết là tiền mua đồ ăn. Xưa, nhà nông trồng khoai, trồng lúa, chuột nhiều, nói là nuôi mèo nhưng thức ăn của mèo là chuột, thi thoảng lắm mới cho nó miếng cơm, chứ cá, thịt đâu ra mà nuôi. Bây giờ mèo không ăn cơm mà ăn hạt. Mỗi tuần hai bịch hơn trăm ngàn.

Ngoài ra còn xúc xích, pate, cá, sữa, mẹ cũng phải mua thường xuyên. Thứ tốn kém tiếp theo là đồ vệ sinh cho mèo, chủ yếu là tiền cát. Ngoài quê đất rộng, nhà nhỏ cũng có bếp, vườn, nhà vệ sinh riêng. Mèo đái, ị góc vườn, gốc cây, đâu mà chẳng được.

Nhưng nhà thành phố, mà lại nhà chung cư như nhà Bông thì đương nhiên phải mua cát. Cát đậu nành gần trăm ngàn một túi, chỉ đủ cho Sữa dùng trong khoảng một tuần. Đó là chưa kể chậu đi vệ sinh cũng phải thay mấy lần theo kích thước to dần của Sữa.

Thêm nữa là tiền đồ chơi, thuốc trị bệnh và hơn tất cả là công sức của người nuôi. Rất nhiều nhà phải thuê người giúp việc nhưng bản thân lại biến mình thành Sen cho thú cưng. Khi thì cho ăn, khi thì tắm, chải lông, dọn dẹp, vuốt ve, bế ẵm, chăm sóc lúc mèo ốm yếu, rụng lông, khó ở, dọn dẹp những thứ mèo bày ra, vất vả chả khác gì nuôi con mọn.

Cũng may, Sữa là một bé mèo sạch sẽ và háu ăn. Sữa ăn được nhiều thứ từ cơm nhá, các loại hạt cho đến cá thịt. Tuy nhiên vì Bông học cách nuôi mèo từ chị Quỳnh, chị họ Bông, người từng có kinh nghiệm hai năm nuôi mèo, là phải hạn chế cho Sữa ăn các thức ăn mặn của người vì sẽ khiến mèo dễ bị bệnh thận, thứ nữa là sẽ khiến phân mèo nặng mùi, cho nên thức ăn của Sữa chủ yếu vẫn là đồ mua.

Một may mắn nữa, Sữa là một cô bé sạch sẽ, chưa bao giờ ị hay tè ra ngoài chậu cát cả. Có một chuyện mẹ nhớ mãi, đó là có lần hai mẹ con cho Sữa đi chơi. Trên đường đi, mẹ lại rẽ vào nhà một chị bạn ở xa nên buổi đi chơi kéo dài thêm hai tiếng.

Hôm đó, Sữa kêu suốt dọc đường. Lúc đầu mẹ nghĩ Sữa kêu là do sợ xe cộ như mấy lần di chuyển trước đó nhưng khi đã đi chậm lại và đến nhà chị bạn, được ra khỏi balo rồi mà Sữa vẫn cứ kêu hoảng hốt và chạy khắp nhà thì mẹ hiểu ra.

Chắc chắn là Sữa kêu vì muốn “giải quyết nỗi buồn”. Lúc đi, do không nghĩ sẽ đi lâu đến thế nên mẹ và chị Bông đã không cho Sữa đi vệ sinh. Bây giờ nhìn Sữa hoảng hốt, vừa kêu vừa chạy khắp các ngóc ngách trong nhà để tìm chậu cát mà thương.

Sau cùng, chủ nhà đành lấy một chiếc khăn lau nhà cũ làm chỗ cho Sữa ị. Mẹ không thể nào quên được ánh mắt của Sữa lúc ấy. Nó giống hệt ánh mắt của một em bé biết mình mắc lỗi. Rút kinh nghiệm những lần sau, mỗi lần cho Sữa đi đâu, mẹ và Bông đều phải cho Sữa đi vệ sinh trước hoặc không được ngồi ở đâu quá lâu.

Nói chung có Sữa cũng như có thêm một đứa con nhỏ, tốn kém, vất vả nhưng đời sống tinh thần cũng được nâng lên mấy bậc, đủ mọi sắc thái, từ yêu thương, vui vẻ khi Sữa nũng nịu, ngoan ngoãn, bực bội khi Sữa nghịch ngợm, phá phách. Ngoài ra, con vật cũng như con người, càng nuôi lâu càng gắn bó. Nhớ mấy hôm đầu, thấy Bông cứ ôm rịt lấy con mèo, ông ngoại la, bà ngoại bảo;

- Con mèo thì cũng là đồ chơi cho bọn trẻ. Chơi vài bữa là nó chán ấy mà chứ đi suốt ngày như mẹ con mày thì nuôi kiểu gì?

- Thì khi con đi công tác, cháu đi học, con sẽ gửi Sữa lên ông bà.

- Gớm tôi chẳng rỗi hơi. Nó cứ quấn lấy chân, chưa kể còn leo lên giường nằm.

Bẩn lắm!

Thế mà thời gian sau ông, bà ngoại lại luôn miệng nhắc:

- Hai mẹ con mày đi lâu thế thì ai cho con mèo nó ăn. Sao không mang nó lên đây. Thôi về, về ngay! Mang cho nó mấy miếng thịt, kẻo không nó chết đói!

Tết sắp đến nơi rồi, mọi người đang lo dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón Tết. Ông đã mua đôi chậu cúc để hai bên cổng. Cậu Phong cũng mang biếu ông bà một cây quýt sum suê để ở góc nhà. Bông giúp ông buộc lại những cành quýt trĩu trịt những quả đã hươm hươm vàng, bật ra câu:

- Đẹp thế này chắc Sữa thích lắm đây!

Ông trừng mắt:

- Tết là ông không cho con mèo của cháu lên đây đâu nhá!

- Sao lại thế hả ông? Con đã hẹn với Bi, Boi, Cà là sẽ đưa Sữa đi ngắm pháo bông mà.

- À, tại vì cháu không biết đấy thôi, người ta bảo: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Đấy chó nó sủa “gâu gâu” là “giầu giầu” còn mèo nó kêu “ngheo ngheo” nghĩa là “nghèo nghèo”. Mồng Một Tết mà kêu “nghèo nghèo” thì nhà ông dông cả năm.

Nghe ông giải thích, Bông buồn suốt mấy ngày. Tối ngày 26 Tết, Bông ngồi hí hoáy tới khuya. Mẹ biết Bông lại làm thiệp tặng mọi người như những dịp lễ tết trước đây nên cũng kệ Bông sáng tạo.

Sáng mẹ liếc mắt qua thì thấy ngoài thiệp cho mẹ, ông bà và cậu mợ còn có tấm thiệp vẽ mèo Sữa. Trong tấm thiệp ngoài những chữ: “Gửi Sữa!”, chỉ thấy kín mít những dòng chữ: “Meo mèo méo meo mèo meo… miu mìu míu miu mìu miu… iu ìu íu iu ìu iu...”. Viền xung quanh là rất nhiều trái tim bay chấp chới.

Mẹ hỏi Bông:

- Gì thế con?

- Thì Sữa không được lên nhà ông bà nên con vẽ thiệp tặng Sữa cho Sữa khỏi buồn nhưng Sữa đâu có đọc được tiếng người nên con phải viết bằng tiếng của Sữa.

Mẹ tính trêu: Kể cả Bông có viết bằng tiếng gì thì Sữa cũng chẳng đọc được nhưng thấy tội nghiệp nên đành nén cười, hỏi:

- Thế dịch ra ngôn ngữ người thì những câu này có nghĩa là gì?

- Thì con chúc Sữa sang năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, hay ăn chóng lớn, không phá đồ, không cào bậy. Nói, Sữa chịu khó ở nhà vài hôm, qua Tết con lại đưa Sữa lên nhà ông bà chơi. Yêu Sữa nhiều!

Mẹ chụp lại tấm thiệp và up lên nhóm Zalo gia đình kể cho mọi người. Ai cũng kêu: “Cute quá! Yêu thế!”.

Trong bữa tiệc tất niên, bà bảo ông:

- Sao ông không cho cháu nó mang Sữa lên cho chị em nhà nó chơi. Mấy đứa nhỏ đứa nào cũng thích chơi với mèo.

- Bà không biết là mồng Một Tết mà nó kêu ngheo ngheo thì nghèo cả năm à!

- Ối giời ôi, sao ông mê tín vô lý thế! Ngày xưa, Tết nào mà mèo nhà ông Nghi, ông Nghị chẳng chạy qua nhà. Tết năm nay lại là Tết con mèo đấy.

Ông còn lưỡng lự thì bà đã thêm:

- Với lại, ông không nghe cháu ông nó nói à, con mèo nhà nó không kêu “ngheo ngheo” mà nó kêu “miu miu” là “iu iu” ấy! Nhà mình bây giờ cũng có cần tiền nữa đâu mà phải “giàu giàu”, chỉ cần “yêu yêu” là đủ rồi.

Bông thích chí reo vang:

- Hoan hô! Bà tuyệt vời! Vậy là tối nay con với Bi, Boi, Cà có thể dẫn Sữa đi xem bắn pháo bông rồi về nhà ông bà chúc Tết được rồi.

Cả nhà cùng cười. Đâu đây, những thanh âm rộn rã báo hiệu năm mới đang về!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.