Tâm sự xúc động của nữ sinh Ngoại thương về ‘điểm cộng ưu tiên’

Trong cuộc tranh luận về điểm ưu tiên xét tuyển đại học vừa qua, Vũ Thị Thanh Hằng đã dũng cảm nói lên tiếng nói của mình.

Vũ Thị Thanh Hằng (áo hồng) cho rằng điểm cộng ưu tiên như vậy là hợp lý.
Vũ Thị Thanh Hằng (áo hồng) cho rằng điểm cộng ưu tiên như vậy là hợp lý.
Sinh ra và lớn lên tại Phúc Thành (Kinh Môn, Hải Dương), sau khi trở thành sinh viên, Vũ Thị Thanh Hằng (Lớp Anh 13, khoa Kinh tế - K52, Đại học Ngoại Thương) đã nhận thức được sự thiệt thòi của mình so với các bạn học sinh, sinh viên thành phố. Đó cũng chính là động lực để bạn dám nói lên chính kiến của mình khi tất cả mọi thí sinh đang bức xúc về điểm cộng ưu tiên.

Khi đọc được những dòng trạng thái đầy bức xúc của các bạn thí sinh thành phố về vấn đề điểm cộng ưu tiên. Thanh Hằng đã dũng cảm phản biện và cho rằng quy định về điểm cộng ưu tiên của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn hợp lý. Lý do nữ sinh Ngoại thương nêu ra như sau:

“Thứ nhất, việc trượt hay đỗ, điểm thấp hơn những người cùng nộp vào trường mà các bạn đổ lỗi cho điểm cộng thì rõ ràng nên xem lại bản thân xem đã cố gắng học hành hết sức hay chưa.

Đặc biệt là một số bạn vẫn hay vỗ ngực tự hào: "Mình học ít mà vẫn được điểm nọ điểm kia" giờ điểm lại xếp sau người khác và đang có hành động "nói càn" vì người ta được cộng nhiều điểm hơn thì càng cần phải xem lại.

Thứ hai, việc được cộng điểm theo vùng miền rõ ràng là vô cùng đúng đắn. Đặc biệt là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới..., những nơi mà trình độ học vấn còn rất thấp.

Điểm cộng hay còn gọi là điểm khuyến khích theo đúng nghĩa là một trong những cách mà Bộ GD&ĐT sử dụng để khuyến khích, thúc đẩy con em đi học mang chữ về quê hương, tạo điều kiện công bằng cho những người "thiếu thốn" được bình đẳng với những người "đầy đủ" trên phương diện học tập và vật chất ở những nơi khác...”

Để minh chứng cho những gì mình nói, Thanh Hằng lấy câu chuyện của chính bản thân mình làm ví dụ. Đây cũng chính là dòng tâm sự của nhiều học sinh, sinh viên sinh ra tại những vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và điều kiện học tập thiếu thốn.

“Bản thân mình trước kia thi đại học cũng được xét vào dạng miền núi tức là được cộng 1.5 điểm. Lúc đầu mình cũng nghĩ có lẽ được cộng hơi nhiều so với những khó khăn ở khu vực mình sống và đang trải qua.

Nhưng khi lên đại học rồi mình mới cảm nhận được thật sự vốn kiến thức của mình so với các bạn ở thành phố hoặc trường chuyên (về xuất phát điểm) là quá thấp.

Ngày xưa, mỗi khi mình muốn mua một bộ sách nâng cao hay thì phải nhờ đến thầy cô (nếu thầy cô rảnh) lên thành phố (TP) mua giúp, còn không thì phải làm phiền bố mất cả một ngày đưa lên TP vào hiệu sách lựa chọn. Vì mấy cuốn sách thường rất mắc tiền nên mấy tiệm sách ở quê không bao giờ bán.

Ngày xưa mình rất muốn học Tiếng Anh, muốn rèn luyện khả năng phát âm nhưng khu vực xung quanh không có giáo viên giảng dạy chuyên sâu nên chỉ còn cách là lên TP đi đi, về về học. Và tất nhiên điều kiện thời gian không cho phép nên mình cũng chả bao giờ đi học được như vậy.

Vốn Tiếng Anh chủ yếu có được dựa vào tự học trên mạng, trong sách và nhờ các thầy cô trên trường. Kết quả là lúc nào nó cũng lẹt đẹt lẹt đẹt. Mình còn có mạng dùng chứ như các bạn mình thì còn chẳng có.

Ngày xưa mình rất muốn tham gia mấy hoạt động xã hội, muốn apply học bổng nọ học bổng kia nhưng mà ở quê thì làm gì có. Tiếng Anh tầm thường thì ai chấp nhận đơn? Kỹ năng mềm/cứng tương đối yếu kém vì va chạm gần như bằng 0.

Ngày xưa mình thi vào THPT, chỉ đâm đầu vào lớp chọn (tức là Toán – Lý - Hóa ) vì trường làng đâu có khái niệm lớp khối D. Vì Tiếng Anh đâu có tốt. Văn đâu có hồn. Thậm chí sau đó lớp khối D của mình còn trở thành lớp đầu tiên từ trước đến giờ. Ôn thi cho tụi mình thầy cô cũng lo lắm vì sợ không chuyên nên dễ trượt.

Ngày xưa đi photo tài liệu toàn phải đi xa vì cả mấy xã mới có mộtcái máy. Giá cả thì cũng “không phải dạng vừa”. Mình là người có điều kiện sống tốt hơn nhiều bạn khác cùng lớp vậy mà cũng cảm thấy thiếu thốn lắm rồi.

Thiết nghĩ, 1.5 điểm để bù đắp cho những khó khăn mà những "học sinh trường làng" như mình thì chẳng có gì quá đáng. Thậm chí mình sẵn sàng đánh đổi 2 điểm trong tổng điểm thi ĐH của mình nếu mình được học hành Tiếng Anh đàng hoàng như các bạn TP/chuyên.

Còn việc được cộng điểm ưu tiên dành cho con thương binh, bệnh binh, người có công với Cách mạng, người hay đoạt giải thưởng nọ kia thì không có bất kỳ thứ gì cần bàn cãi khi mà có "hy sinh" thì phải có "đáp đền".

Mình chỉ muốn hỏi mấy bạn thắc mắc về điểm cộng: Bây giờ nếu cho các bạn về quê/miền núi/nông thôn/dân tộc sinh sống hoặc có ba mẹ bệnh tật vì tham gia chiến tranh và đổi lại các bạn được cộng nhiều điểm thì các bạn có chấp nhận không?”.

Thanh Hằng còn muốn nhắn nhủ với những bạn thí sinh xét tuyển ĐH và CĐ năm 2015, cũng như nhiều bạn học sinh, sinh viên khác rằng: “Chúng ta cần tìm hiểu kỹ mọi thứ trước khi đánh giá một vấn đề. Việc cộng điểm cho thí sinh Bộ GD&ĐT đã đưa ra rất nhiều năm nay rồi, và cũng điều chỉnh để cho phù hợp nhiều lần rồi.

Tất nhiên đã được đông đảo học sinh, phụ huynh nhiều năm qua đồng ý nên chắc chắn không thể có việc ưu tiên quá lớn cho một cá nhân nào đó như vậy. 

Các bạn nên tìm hiểu kỹ thay vì nghe các thông tin phiến diện, truyền miệng từ bạn bè mà không có cơ sở để dẫn đến những suy nghĩ sai lầm”.

Theo tiin.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ