Tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục

GD&TĐ - Theo Hiệp hội Công nghệ Giáo dục Quốc tế (ISTE), khi những tiến bộ trong công nghệ thúc đẩy toàn cầu hóa và chuyển đổi kỹ thuật số, GV có thể giúp HS có kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp tương lai.

Giáo viên có thể khơi dậy sự tò mò ở trẻ nhờ công nghệ. Ảnh minh hoạ
Giáo viên có thể khơi dậy sự tò mò ở trẻ nhờ công nghệ. Ảnh minh hoạ

Công nghệ quan trọng như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của giáo dục trực tuyến. Bằng cách tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy hiện có, giáo viên có thể khai thác việc học trực tuyến như một công cụ giáo dục hiệu quả. Việc sử dụng hiệu quả các công cụ học tập kỹ thuật số trong lớp có thể tăng cường sự tham gia của học sinh. Từ đó, giúp giáo viên cải thiện kế hoạch bài giảng. Đồng thời, tạo điều kiện cá nhân hoá việc học. Phương pháp này cũng giúp học sinh xây dựng các kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21.

Lớp học ảo, video, thực tế tăng cường (AR), robot và công cụ công nghệ khác khiến lớp học sinh động hơn. Đồng thời, tạo môi trường học tập hòa nhập hơn. Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác và ham học hỏi, cũng như cho phép giáo viên thu thập dữ liệu về kết quả hoạt động của học sinh.

Thách thức từ công nghệ giáo dục

Báo cáo của BuiltIn cho biết, 92% giáo viên hiểu tác động của công nghệ trong giáo dục. Theo Project Tomorrow, 59% học sinh trung học cơ sở nói rằng, các công cụ giáo dục kỹ thuật số đã giúp họ xem điểm và kết quả kiểm tra. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những công cụ này đã trở nên phổ biến đến mức thị trường công nghệ giáo dục dự kiến mở rộng lên 342 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, công nghệ giáo dục có những thách thức, đặc biệt là khi triển khai và sử dụng. Theo Project Tomorrow, mặc dù ngày càng quan tâm đến việc sử dụng AR, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới nổi khác, nhưng chưa đến 10% trường học có những công cụ này trong lớp. Các mối quan tâm khác bao gồm thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều, hiệu quả của giáo viên sử dụng công nghệ và lo lắng về sự công bằng công nghệ.

Các nhà giáo dục cần có khả năng phát triển và cân nhắc nội dung trực tuyến, đặc biệt là khuyến khích học sinh xem xét một chủ đề từ nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, hành động khẩn cấp được thực hiện trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ này không cung cấp đủ thời gian cho điều đó. Không phải khu học chánh nào cũng có nguồn lực để cung cấp máy tính xách tay cho học sinh. Thậm chí, nhiều gia đình có kết nối Internet không ổn định. Ngoài ra, không ít học sinh trở nên tụt hậu khi học trực tuyến do nhiều yếu tố, bao gồm cả nguồn hỗ trợ. 

Học sinh có thể tiếp thu kiến thức theo nhịp độ riêng. Ảnh minh hoạ
Học sinh có thể tiếp thu kiến thức theo nhịp độ riêng. Ảnh minh hoạ 

Lợi ích của công nghệ

Để giảm thiểu thách thức, nhà trường có thể giúp giáo viên sở hữu năng lực cần thiết. Nhờ đó, nâng cao khả năng học tập cho học sinh thông qua công nghệ. Ngoài ra, công nghệ trong lớp học sẽ giúp công việc của giáo viên dễ dàng hơn mà không mất nhiều thời gian.

Công nghệ cung cấp cho sinh viên thông tin dễ tiếp cận, học tập nhanh chóng và cơ hội thú vị để thực hành kiến thức. Đồng thời, cho phép học sinh khám phá các môn học mới và hiểu sâu hơn về khái niệm khó, đặc biệt là trong ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Thông qua việc sử dụng công nghệ trong và ngoài lớp, học sinh có thể đạt được các kỹ năng kỹ thuật cần thiết cho nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, trẻ em học hiệu quả hơn với sự chỉ dẫn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo, công nghệ có thể giúp học sinh nhỏ tuổi học hỏi và tiếp thu kiến thức thông qua vui chơi. Song, bằng chứng cho thấy, việc học hiệu quả hơn thông qua sự hướng dẫn của người lớn.

Dưới đây là những ví dụ về tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục và lợi ích mang lại cho học sinh và giáo viên:

Tăng cường hợp tác và giao tiếp

Công nghệ giáo dục có thể thúc đẩy sự hợp tác. Không chỉ giáo viên có thể tương tác với học sinh trong giờ học mà học sinh cũng có thể giao tiếp với nhau. Thông qua các bài học trực tuyến và trò chơi, học sinh có thể làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề. Trong các hoạt động phối hợp, học sinh có thể chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng, cũng như hỗ trợ nhau.

Đồng thời, công nghệ cho phép tương tác trực tiếp với giáo viên. Học sinh có thể đặt các câu hỏi liên quan đến lớp học và tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp các chủ đề khó hiểu. Học sinh có thể tải bài tập đã hoàn thành lên hệ thống. Sau đó, giáo viên có thể truy cập và kiểm tra bài tập của người học.

Cơ hội học tập được cá nhân hóa

Công nghệ cho phép truy cập 24/7 vào các tài nguyên giáo dục. Các lớp học có thể diễn ra hoàn toàn trực tuyến thông qua việc sử dụng máy tính xách tay hoặc thiết bị di động. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ để điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp với từng học sinh là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Giáo viên có thể tạo bài học dựa trên sở thích và thế mạnh của học sinh.

Trong khi đó, trẻ có thể học theo tốc độ riêng. Khi cần xem lại tài liệu trên lớp để hiểu rõ hơn về các khái niệm cơ bản, học sinh có thể truy cập video trong giáo án. Dữ liệu được tạo ra thông qua các hoạt động trực tuyến này cho phép giáo viên nhận biết học sinh nào đang gặp khó khăn. Từ đó, cung cấp sự hỗ trợ.

Thúc đẩy tò mò bởi nội dung hấp dẫn

Thông qua nội dung hấp dẫn, giáo viên có thể khơi dậy và thúc đẩy sự tò mò ở trẻ. Các nghiên cứu cho biết, tính tò mò có mối liên hệ với sự thành công trong học tập. Sự tò mò giúp học sinh hiểu rõ hơn về các khái niệm toán học và đọc hiểu. Giáo viên có thể tạo nội dung hấp dẫn thông qua việc sử dụng AR, video hoặc podcast. 

Nâng cao năng suất và hiệu quả của giáo viên

Giáo viên có thể tận dụng công nghệ để đạt mức năng suất mới, triển khai các công cụ kỹ thuật số hữu ích để mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ và tương tác của sinh viên. Công nghệ cũng cho phép giáo viên cải tiến phương pháp giảng dạy.

Theo Soeonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ