Tầm nhìn văn hóa

GD&TĐ - Một bộ phim truyền hình hot như “Về nhà đi con” và vụ một phụ nữ gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất, trước mặt con gái, liệu có liên quan?

Ảnh internet
Ảnh internet

Chiều qua lan rất nhanh trên mạng xã hội và cũng được đăng trên báo chính thống là video một phụ nữ chửi bới thậm tệ nhân viên quầy thủ tục và nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Kỳ lạ là, theo báo chí đăng tải, chị ta là một nữ cán bộ công an ở Hà Nội. Thay vì cư xử như một người có hiểu biết về pháp luật thì lại hành xử như côn đồ. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là cảnh đó lại diễn ra ngay trước mặt con gái của chị ta. Đứa bé chắc chỉ tầm 5 - 6 tuổi, có lẽ trong tâm trạng hoang mang cứ đi đi lại lại, chứng kiến toàn bộ màn gây rối và sỉ nhục người khác của bà mẹ. Không biết hàng ngày, và sau vụ này, chị ta sẽ dạy con ra sao.

Sự việc bỗng làm tôi nhớ đến lễ trao tặng bằng khen của Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho đoàn làm phim “Về nhà đi con” hôm trước đó. Liên tưởng có vẻ hơi xa, nhưng trong lễ trao tặng đó, Bộ trưởng khen loạt phim truyền hình này hấp dẫn về giá trị nghệ thuật, và nhất là nó mang tư tưởng nhân văn, những ý tưởng tốt đẹp về gia đình. “Gia đình là tế bào xã hội. Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Muốn giải quyết, ta phải đi từ gia đình”. Bộ trưởng nói hoàn toàn đúng, chỉ có điều ông nói ra điều đó hơi muộn.

Trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 tháng 10 năm ngoái, có phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thiện. Khi đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp hạn chế sự xuống cấp đạo đức xã hội, Bộ trưởng đáp rằng đây là vấn đề khó, quan trọng, lâu dài, toàn xã hội phải vào cuộc và... đạo đức lối sống “có cái gốc là ở kinh tế”. Lập tức một đại biểu khác vặn lại: Tiền có mua được đạo đức, văn hóa? Nền tảng đạo đức phải từ gia đình, thầy cô. Song Bộ trưởng Thiện vẫn lý giải đó là trách nhiệm chung và sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ lĩnh vực kinh tế.

Giá như lý giải của đại biểu Quốc hội trên chính là lý giải của Bộ trưởng VH-TT&DL. Giá ông có cái nhìn sắc nét, giải pháp cụ thể hơn trước bức xúc về đạo đức xã hôi, chứ không phải nhiều câu trả lời dài dòng, nhiều giải pháp chung chung - như chính “chấm điểm” chất vấn của Chủ tịch Quốc hội sau đó.

Tôi để ý thấy trong các kỳ họp Quốc hội, ít có những chất vấn về sự suy thoái văn hóa này, mà đa số đại biểu tập trung vào những vấn đề kinh tế - xã hội nóng hơn, thậm chí chạy theo dư luận. Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng văn hóa là gốc của mọi ứng xử, hành vi, tư tưởng trong xã hội, văn hóa quyết định cách người ta làm kinh tế chứ không phải kinh tế là gốc của văn hóa. Là người chịu trách nhiệm về văn hóa, Bộ trưởng phải là người chủ động đề cập một cách tiếp cận từ gốc như vậy, chứ không chỉ đề cập các vấn đề của dư luận, như cách ông đã nêu trước Quốc hội chuyện một cô người mẫu ăn mặc hở hang tại một liên hoan phim ở nước ngoài, hay là chỉ khen thưởng đơn lẻ một bộ phim truyền hình được công chúng chú ý như vừa qua.

Tầm nhìn của tư lệnh ngành phải rộng lớn hơn, bao quát hơn, sâu sắc hơn những gì chúng ta đang thấy. Và biết đâu như vậy, những người làm bố, làm mẹ sẽ thấm thía rằng, chính ứng xử của mình mới là cách giáo dục con cái tốt nhất, chứ không phải là cách đổ lỗi cho nhà trường và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.