Tầm nhìn và chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2018: Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2018: Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế

Kế hoạch tổng thể mang tầm chiến lược phát triển giáo dục ĐH

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục đại học, tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cần tạo ra một khuôn khổ pháp lý theo cách tiếp cận là kế thừa những cái tốt, phù hợp với Việt Nam, nhưng phải tiếp cận với quốc tế. Giáo dục đại học phải hướng đến chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Bộ trưởng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học có rất nhiều việc phải làm. Có việc phải làm ngay, giải quyết những vấn đề trước mắt; có việc phải khắc phục vấn đề do lịch sử để lại; nhưng cũng phải tạo thời lượng đủ lớn để nghĩ về phía trước. Khi chúng ta có kế hoạch tổng thể mang tầm chiến lược về phát triển giáo dục đại học, thì những vấn đề đang vướng sẽ giảm đi rất nhiều.

Bộ trưởng chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó có chuyên gia của Ngân hàng thế giới đến từ nhiều nước xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035. Ba chủ đề của hội thảo về năng lực hệ thống giáo dục đại học; tài chính đại học; quản lý nhà nước và quản trị đại học cũng bám rất chắc vào 3 trụ cột của Chiến lược trên.

Tự chủ không có nghĩa là cắt ngân sách

Nhấn mạnh quản lý nhà nước phải thay đổi, xu hướng bỏ chế độ chủ quản là tất yếu, Bô trưởng cho rằng, muốn bỏ chế độ chủ quản, Hội đồng trường phải mạnh, đăc biệt là trường công lập. Hội đồng trường phải là thiết chế quyết định những vấn đề lớn chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ lớn của nhà trường; trong đó có vấn đề về học thuật, mở ngành, quy mô, tài chính và giám sát…   

Lưu ý tự chủ không có nghĩa là cắt ngân sách nhà nước mà ngân sách sẽ cấp theo theo hướng chuyển từ cấp phát sang giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, Bộ trưởng làm rõ: Với những nguồn nhân lực mà Chính phủ cần, Chính phủ sẽ tính toán định mức và đặt hàng, đặc biệt ngành khoa học xã hội, khoa học cơ bản, nghệ thuật… Còn nhân lực khác theo phân khúc thị trường, doanh nghiệp cần, trường đại học cần tính đến phân khúc đó… Tóm lại, ai dùng người đó trả tiền. Riêng nhà nước, cấp tiền không phải cấp theo đề án, dự án mà cấp theo kết quả đầu ra, theo định hướng đầu tư của Chính phủ.

Tới đây, Bộ GD&ĐT chỉ đạo rất mạnh, thành viên chủ Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường phải xứng đáng theo yêu cầu, không phải là cơ cấu... Chúng ta cũng phải rất quan tâm đến trách nhiệm giải trình. Bởi khi trách nhiệm giải trình chưa thực sự minh bạch thì tự chủ không thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề tài chính và đầu tư, theo Bộ trưởng, về tài chính đại học, chúng ta mới bàn nhiều về thu học phí sinh viên. Dù điều này cũng quan trọng, nhưng để phát triển một đại học bền vững, tự chủ được bền vững thì chúng ta không quá đi sâu về học phí, còn rất nhiều các dịch vụ khác.

Thậm chí trường tư, bình đẳng được thể hiện thông qua đấu thầu, trường tư tốt, đấu thầu được các dự án nghiên cứu tốt, dùng tiền ngân sách. Như vậy, khu vực công, tư cạnh tranh về chất lượng. Chúng ta không nên phân biệt quá trường công tư về mặt sở hữu, nhưng khi nói về chất lượng thì có cạnh tranh.

Vấn đề thứ 3 Bộ trưởng nhắc tới là cung cầu nhân lực, thực chất là quan hệ đại học với doanh nghiệp. Đây là nền tảng không chỉ tạo ra nguồn thu tài chính mà còn nâng cao năng lực nghiên cứu.

Bộ trưởng cho rằng, ở một chừng mực nào đó, các doanh nghiệp như là bệnh viện của trường y, là phòng thí nghiệm của trường đại học. Sinh viên phải được thực tập, thực tế trong quy trình. Điều này không mới với nhiều nước, với Việt Nam cũng không phải mới hoàn toàn, tuy nhiên chưa nhiều.

Nhấn mạnh phải đi từ tầm nhìn và chiến lược tổng thể, những nội dung trên phải được pháp điển hóa bằng sửa Luật Giáo dục, Bộ trưởng tin tưởng, với “Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, trong giai đoạn 2020-2030, giáo dục đại học Việt Nam sẽ dần đi vào nền nếp theo cách tiếp cận hệ thống và hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.