Tâm lý coi thường có thể… giết người bệnh sốt xuất huyết

GD&TĐ - Nhiều bệnh nhân khi bị sốt chỉ nghĩ mình mắc Covid-19 hay cúm mà không nghĩ đến sốt xuất huyết, tới khi bệnh nặng dễ gặp nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Số mắc có xu hướng tăng

Tuần qua, TP Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (47), Hoàng Mai (31), Bắc Từ Liêm (29), Thanh Trì (16), Phú Xuyên (15), Thường Tín (14), Cầu Giấy (13), Hà Đông (12), Hoài Đức (12), Nam Từ Liêm (10), Đan Phượng (10).

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Trong đó, đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, tiếp đến là Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2); còn lại Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức, mỗi địa phương có 1 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 27 ổ dịch, trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương - quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (9).

CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Xét nghiệm phát hiện sớm

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 20 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo.

Thời gian này, nhiều người khi bị sốt chỉ nghĩ mình mắc Covid-19 hay cúm mà không nghĩ đến sốt xuất huyết.

Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc này, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, họ mới đến bệnh viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan. Nhiều người quan niệm, phải có xuất huyết dưới da thì mới là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, tình trạng xuất huyết xảy ra thì bệnh nhân đã mắc bệnh 3 - 4 ngày, lúc đó bệnh đã trở nặng”.

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng một vài giờ.

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L.

“Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (nữ giới), hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”, PGS Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag, để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có vaccine, nên việc phòng sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy. Người dân không được chủ quan, lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường, khi có những bất thường về sức khỏe cần tới cơ sở y tế điều trị.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhận định, sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Từ đó, để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo, hiện vaccine phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

“Ngày 15/7, Bộ Y tế cảnh báo El Nino có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản trong thời gian tới.

Các địa phương tăng cường diệt loăng quăng, duy trì một tuần một lần tại các khu vực có nguy cơ cao.

Tổ chức tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Người dân được khuyến cáo diệt muỗi, ngủ màn, chống muỗi đốt. Khi mắc bệnh, không tự điều trị tại nhà mà đến bệnh viện kịp thời”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ