Tấm kính “rạn nứt” trên Cầu kính Rồng Mây là "hiệu ứng thực tế"?

GD&TĐ - Đại diện Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây cho biết, tấm kính “rạn nứt” xôn xao dư luận là "hiệu ứng thực tế có chủ đích". Thế nhưng, ngay sau khi có ý kiến của đoàn kiểm tra, đơn vị này đã thay mới tấm kính.

Hình ảnh Cầu kính Rồng Mây. Ảnh: laichau.gov.vn.
Hình ảnh Cầu kính Rồng Mây. Ảnh: laichau.gov.vn.

Liên quan đến những “lùm xùm” về tấm kính “rạn nứt” trên Cầu kính Rồng Mây thời gian qua, ngày 16/2, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huân, Tổng giám đốc Khu du lịch.

Ông Huân cho biết: Đây là chủ đích của công ty muốn giới thiệu đến du khách và là hiệu ứng tạo cảm giác mạnh ngay từ đầu công ty tạo ra. Đồng thời khẳng định đây là tấm kính đặc biệt, kể cả có nứt hay như nào thì du khách vẫn an toàn.

“Chẳng qua là bình thường bên Công ty có nhân viên đứng đó giới thiệu cho khách. Mình cũng có dán cả biển ở đấy là vị trí cảm nhận cảm giác kính vỡ mà. Nhưng hôm đấy nhân viên hướng dẫn chưa chi tiết nên du khách chưa hiểu mới đưa lên như thế”, ông Huân nói.

Cũng tại cuộc trao đổi này, ông Huân khẳng định, tấm kính “rạn nứt” nằm trong thiết kế tổng thể đã được Bộ Xây dựng thẩm định ngay từ đầu, cùng với hàng trăm hạng mục khác.

“Hôm vừa rồi các sở ban ngành lên kiểm tra, đối chiếu thì trong hồ sơ thiết kế cũng có đầy đủ các hạng mục như thế. Chỉ có mỗi cái là thôi thì bây giờ di chuyển nó vào bên trong và thay thế tấm kính bình thường vào chỗ đó thôi… Chủ đầu tư tự đề xuất như vậy và các bên thống nhất như thế thôi chứ không phải bắt buộc di dời”, ông Huân cho hay.

Hình ảnh tấm kính "rạn nứt" được cắt từ video.
Hình ảnh tấm kính "rạn nứt" được cắt từ video.

Trước thắc mắc của phóng viên về việc nếu không có vấn đề gì, không yêu cầu bắt buộc thay thế thì tại sao phải di dời, ông Huân lý: “Thôi nhưng mà bây giờ mạng xã hội có nhiều ý kiến như vậy thì mình di chuyển nó vào khu vực chân cầu, để tạo cảm giác vừa phải thôi, chứ như này cảm giác mạnh quá”.

Trong một diễn biến khác, thông tin trên một số tờ báo trước đó (có trích dẫn phỏng vấn lãnh đạo ngành Văn hóa và Xây dựng địa phương), qua đối chiếu thì tấm kính “rạn nứt” không nằm trong hồ sơ thiết kế. Đồng thời, ngành chức năng yêu cầu chủ đầu tư thay thế tấm kính, thời hạn là 10 ngày (tính từ 12/2).

Liên quan đến thời gian để thay thế, mặc dù cho biết đây là tấm kính nhỏ, chưa đầy 1m2, độc lập, không ảnh hưởng đến hệ thống công trình. Đơn vị cũng luôn có sẵn, tất cả hệ thống kính đều có kính dự phòng. Tuy nhiên dự kiến đến ngày 20/2 này đơn vị mới triển khai thay thế.

“Bây giờ mình đang cho kỹ thuật cùng với bên giám sát tác giả, vì cái này liên quan đến đơn vị thiết kế, tư vấn thì họ phải giám sát nên là họ đang lên kế hoạch lên cùng mình để phối hợp di chuyển ”, ông Huân lý giải.

Cầu kính Rồng Mây là một phần của Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, nằm tại vị trí Cổng Trời, thuộc đỉnh đèo Ô Quy Hồ, địa phận huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Cây cầu kính này có độ dài 60m và độ cao lên tới 2.200m so với mực nước biển. Toàn bộ cầu kính Rồng Mây được làm bằng kính trong suốt, 3 lớp. Đây được xem là cây cầu kính cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Thời gian qua, một đoạn video ghi lại hình ảnh trải nghiệm cây cầu đặc biệt này của một cặp vợ chồng du khách đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao. Trong đó, khi đang quay quang cảnh tuyệt đẹp tại Cầu kính cao nhất Việt Nam, ống kính cũng ghi nhận hình ảnh tấm kính dưới chân với “chằng chịt” vết rạn nứt. Nam du khách còn đưa tay kiểm tra và sau đó cặp vợ chồng này hoảng hốt ra về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...