Chuyển đổi cây trồng
Gia đình ông A Bron (thôn Đăk Yo, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum) có 5ha đất cằn. Ông trồng mì để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, nhưng đất đai bạc màu nên năng suất chẳng được bao nhiêu. Cuộc sống của gia đình cũng trở nên đói nghèo, thiếu trước, hụt sau.
Không muốn cuộc sống quẩn quanh với nghèo đói, ông A Bron đi tìm tòi, học hỏi khắp nơi về kinh nghiệm sản xuất, trồng cây gì và nuôi con gì để phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tại địa phương.
Ông A Bron đến những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở vùng để học tập kinh nghiệm. Ông ghi nhớ và ghi chép lại những kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tế tại vườn, rẫy của mình. Sau một thời gian tích lũy kiến thức, nhận thấy việc cải tạo đất khá quan trọng và cần thiết nên ông vay mượn tiền để biến đất cằn trở nên tươi tốt hơn.
Qua học hỏi, tìm hiểu ông A Bron thấy diện tích đất của gia đình phù hợp trồng cà phê nên ông chuyển đổi cây trồng. Với những khu vực đất trũng ông tận dụng đào ao để tích nước tưới cho cao su, cà phê.
Năm 2009 khi ông chuyển đổi diện tích cây trồng người dân quanh làng ai nấy đều ngạc nhiên. Một số người khuyên ngăn ông không nên “đánh liều” vì không nghĩ cây cà phê phù hợp với đất đai nơi này. Mọi người lo lắng khi ông chuyển đổi sẽ thất bại dẫn đến thua lỗ.
Gia đình cũng ngăn cản nên trước mắt ông A Bron chỉ trồng thử nghiệm trên 5 sào đất. Thay vì những cây mì cằn cỗi, cà phê tươi tốt, xanh mơn mởn được mọc lên. Ông áp dụng những kiến thức đã học để chăm sóc cà phê. Gần 3 năm sau cây bắt đầu cho thu bói đợt đầu tiên.
Nhận thấy việc trồng và chăm sóc không quá khó khăn nên ông chuyển đổi thêm 2,5ha đất trồng mì sang trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình.
“Thời điểm đó thấy gia đình thử nghiệm hiệu quả nên nhiều hộ dân khác cũng trồng theo. Tôi rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã học tập được để mọi người cùng nhau thoát nghèo, nâng cao đời sống. Có như vậy kinh tế địa phương mới ngày càng phát triển”, ông A Bron nói.
Sẻ chia để làm giàu
Ông A Bron không ngừng học tập, trau đồi kiến thức và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. |
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cà phê, khi địa phương mở lớp tập huấn về cải tạo vườn tạp, giới thiệu cây cao su ông A Bron đi học tập để có thêm kinh nghiệm. Nhận thấy cây có thể phát triển kinh tế bền vững, ông A Bron đầu tư mua giống về trồng trên diện tích đất 2ha.
Thời gian đầu khó khăn ở đâu ông tiếp tục trau dồi kiến thức, ứng dụng vào vườn của gia đình. Đến nay, trải qua hàng chục năm chăm sóc cây cao su của gia đình phát triển tốt, cho năng suất ổn định.
Mỗi năm ông A Bron thu nhập hơn 300 triệu đồng nhờ 2ha cao su, 3ha cà phê. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình ông tốt hơn, có của ăn của để.
“Mặc dù kinh tế ổn định, nhưng mình không ngừng học hỏi để áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Năm 2023 mình đầu tư thêm 100 gốc sầu riêng để trồng xen canh với cà phê. Đồng thời, mình cũng lắp đặt thêm hệ thống tưới tự động để thuận lợi khi chăm sóc, đỡ tốn nhiều công, lại tiết kiệm chi phí”, ông A Bron tâm sự.
Cuộc sống đã ổn định, ông A Bron không quên chia sẻ, hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo tại địa phương về kiến thức, kinh nghiệm trồng và chăm sóc.
Ông A Bron hướng dẫn bà con cách ghép cải tạo cà phê già cỗi năng suất thấp bằng các giống mới cho chất lượng cao. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm hay về trồng trọt, các loại giống cây trồng hiệu quả để người dân giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Nhờ vậy đời sống của người dân trong làng từng bước đi lên, ông A Bron vui mừng vì có thể góp chút công sức của bản thân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông A Đứu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hơ Moong cho biết, ông A Bron là người rất nhiệt tình tham gia các phong trào của hội, địa phương. Ông A Bron cũng rất chăm chỉ, chịu khó học tập để áp dụng những kiến thức hay, bổ ích vào trồng trọt nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.
Không những vậy, ông rất tích cực hỗ trợ người dân các kĩ thuật trồng trọt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương. Ông A Bron là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp nhau giảm nghèo bền vững ở địa phương.