Tấm bằng thạc sĩ mới đây được nhà trường trực tiếp trao cho gia đình thầy Thắng như một sự khẳng định, công nhận nỗ lực nghiên cứu, học tập của học viên trong suốt 2 năm.
Dù đã qua đời, nhưng luận văn thạc sĩ của thầy Thắng vẫn để lại ý nghĩa, giá trị về mặt khoa học và thực tiễn giảng dạy trong trường phổ thông.
Nghẹn ngào nhận tấm bằng thạc sĩ đến muộn
Gần 3 tháng sau khi thầy Nguyễn Tiến Thắng đột ngột qua đời, đoàn công tác Trường ĐH Vinh đến nhà, trân trọng trao tấm bằng thạc sĩ khoa học cho gia đình thầy tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tấm bằng đến đúng hẹn với trình tự xét công nhận thạc sĩ thông thường, như những học viên khác của khóa cao học 25, nhưng lại muộn với một đời người.
Nhận bằng thạc sĩ của chồng, chị Võ Thị Hồng Hoa (vợ thầy Thắng) bật khóc nghẹn ngào, chỉ biết nhìn về phía di ảnh không nói thành lời. Cho đến giờ, nỗi đau vẫn còn quá mới, quá xót xa tiếc nuối bởi sự ra đi đột ngột của người chồng.
Bố mẹ thầy Thắng cũng nức nở, tay run run chạm vào tấm bằng mới tinh đặt ngay ngắn trên bàn thờ. “Ngày mô con cũng đi dạy, rồi về miệt mài học đến tận khuya. Con chăm chỉ và cố gắng lắm rồi, giờ về mà nhận bằng thạc sĩ đi con. Có các thầy cô giáo, các đồng nghiệp ở trường con đến thăm con đây này”, bà Nguyễn Thị Ngọ - mẹ thầy Thắng gọi.
Thầy Nguyễn Tiến Thắng nguyên là giáo viên dạy Toán, Trường THPT Thanh Chương 1 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Thầy trúng tuyển và theo học thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán. Sau 2 năm, học viên Thắng hoàn thành chương trình học tập và nghiên cứu về đề tài “Rèn luyện một số yếu tố của tư duy toán học cho học sinh THPT thông qua dạy học chủ đề quan hệ vuông góc trong hình học không gian” do TS Nguyễn Văn Thuận hướng dẫn. Nhưng sắp đến thời gian bảo vệ luận văn, học viên Nguyễn Tiến Thắng đột ngột qua đời.
Trong khi đó, luận văn của thầy Thắng chuẩn bị đã hoàn tất, đầy đủ theo quy định và được chuyển đến các thành viên trong hội đồng. Vì vậy, Trường ĐH Vinh quyết định tổ chức lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ “từ xa” cho học viên Nguyễn Tiến Thắng. Luận văn của học viên Nguyễn Tiến Thắng đã được hội đồng chấm luận văn thông qua. Học viên Nguyễn Tiến Thắng được Trường ĐH Vinh cấp bằng Thạc sĩ khoa học giáo dục.
Đoàn công tác Trường ĐH Vinh trao bằng thạc sĩ cho gia đình thầy Nguyễn Tiến Thắng |
Nỗi lo người ở lại
Thầy Nguyễn Tiến Thắng là giáo viên được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò kính trọng, yêu quý. “Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy còn quan tâm sát sao đến học sinh từ học lực đến hoàn cảnh gia đình. Bản thân thầy Thắng cũng là một tấm gương tự học, không ngừng cố gắng trau dồi, nâng cao năng lực bản thân. Vì vậy, sự ra đi của thầy để lại nỗi tiếc thương to lớn đối với đồng nghiệp và học sinh Trường THPT Thanh Chương 1” - thầy Nguyễn Triều Tiên – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trong gia đình, những năm qua thầy Thắng là trụ cột cho vợ con và bố mẹ già. Vợ chồng thầy Thắng có 2 con, con trai đầu học lớp 9 và con gái đang học lớp 1. Chị Võ Thị Hồng Hoa - vợ thầy Thắng nguyên là giáo viên tiểu học hợp đồng nhưng đã nghỉ dạy từ năm 2015 nên hiện chưa có công việc ổn định. Chồng đột ngột qua đời, gia đình chị cũng mất đi chỗ dựa cả về tinh thần lẫn kinh tế.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Hoa kể: Trước đó chị tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học và được UBND huyện Thanh Chương nhận vào dạy hợp đồng từ năm 2002. Đến năm 2005, chị bị cắt hợp đồng huyện, chuyển qua hợp đồng trường, dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương. Mức lương dù không lớn, không được tăng lương và hưởng các chế độ như giáo viên trong biên chế, chị vẫn luôn cố gắng vì được đứng lớp dạy học. Đồng thời chờ đợi, hi vọng đến ngày có định biên, những giáo viên hợp đồng như chị sẽ có cơ hội được tuyển dụng chính thức.
Nhưng cách đây 4 năm, trường dừng hợp đồng giáo viên nên chị đành phải nghỉ dạy cho đến giờ. Sau khi chồng mất, chị làm phụ bếp cho một trường học trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Chúng tôi cũng nắm rõ và rất chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh gia đình cô Võ Thị Hồng Hoa, đặc biệt là sau khi thầy Nguyễn Tiến Thắng - chồng cô Hoa đột ngột qua đời. Nguyện vọng của cô Hoa mong muốn được tuyển dụng vào giảng dạy đúng chuyên môn, năng lực là chính đáng.
Tuy nhiên, trong điều kiện tinh giản biên chế, suốt gần 20 năm qua huyện không có định biên ngành Giáo dục, nên về cơ chế chính sách rất khó để sắp xếp vị trí việc làm cho cô Hoa. Dù vậy, trước hoàn cảnh gia đình cô Hoa, huyện cũng đã làm tờ trình gửi Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và UBND tỉnh Nghệ An xin cơ chế tuyển dụng cho trường hợp cá biệt, đặc thù”.