Tài xế xe Phi Long nghỉ việc vì khoán quá cao

GD&TĐ - Sáng 7/6, 12 tài xế của hãng xe Phi Long chạy tuyến cố định  Huế - Đà Nẵng đã đồng loạt nghỉ việc nhằm phản đối nhiều chế độ, chính sách mà theo họ là bất hợp lý trong quá trình hoạt động vận tải hành khách. 

Tài xế xe Phi Long tuyến định nghỉ việc tại bến xe phía Nam TP Huế sáng 7/6
Tài xế xe Phi Long tuyến định nghỉ việc tại bến xe phía Nam TP Huế sáng 7/6

Lái xe Đặng Quang Vũ cho biết: Trung bình mỗi tháng lái xe chỉ chạy 20 đến 22 phiên. “Quá trình chạy xe, lái xe phải tiêu tốn thêm nhiều chi phí phát sinh dọc đường nên với mức khoán cao từ công ty đưa ra như vậy là không phù hợp với tình hình vận tải thực tế”.

Anh Vũ còn cho hay tất cả lái xe không muốn đình công mà chỉ ngừng hoạt động một thời gian đợi giải quyết thỏa đáng rồi sẽ đi làm trở lại.

Trước đây công ty giao mức khoán cho mỗi đầu xe chạy tuyến Huế - Đà Nẵng từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, nhưng hiện mức khoán được tăng lên đến 16,2 - 18,2 triệu đồng/tháng.

Mức khoán này quá cao, trong khi xe của công ty đã cũ, lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng không ngừng tăng lên nên số tiền mỗi đầu xe thu được không đủ nộp khoán cho công ty.  

Các lái xe chạy tuyến cố định Huế - Đà Nẵng đã đã viết đơn tập thể đề nghị lãnh đạo công ty giảm mức khoán nhưng phía công ty không đồng ý mà đưa ra phương án tăng giá cước nên khiến lái xe bức xúc và dẫn đến việc nghỉ việc đồng loạt. 

"Mỗi tháng tài xế thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng mà xe hư phải bỏ tiền túi ra để tự sửa chữa thì lấy tiền mô (đâu) đủ mà nuôi vợ con" - Anh Vũ bức xúc

Ông Nguyễn Tuất - Trưởng phòng Tổng hợp Công ty CP Xe khách tỉnh Thừa Thiên - Huế chửi bới, thách thức rồi cầm điện thoại ghi hình các phóng viên khi đến tác nghiệp tại hiện trường
Ông Nguyễn Tuất  - Trưởng phòng Tổng hợp Công ty CP Xe khách tỉnh Thừa Thiên - Huế chửi bới, thách thức rồi cầm điện thoại ghi hình các phóng viên khi đến tác nghiệp tại hiện trường 
 

Sau khi ghi nhận thông tin, nhiều phóng viên đã đến trụ sở Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên - Huế (đơn vị quản lý chung) 
đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty để tìm hiểu rõ sự việc.

Tuy nhiên, tại đây các đồng nghiệp bị nhiều người của công ty đuổi ra ngoài và buông lời xúc phạm. Cụ thể ông Nguyễn Tuất vừa dùng điện thoại quay phim phóng viên tác nghiệp vừa chỉ tay vào mặt phóng viên và nói: "Bọn bay là đồ không có đạo đức, đồ ăn cướp".

Khi các phóng viên phản ứng lại lời xúc phạm của ông Tuất thì ông này tuyên bố: "Tao nói tụi bay là đồ ăn cướp đó, ai làm chi được tao?".

Không dừng lại ở đây, khi một đồng nghiệp nữ ở báo Thừa Thiên - Huế giải thích về Luật Báo chí thì bị ông Tuất thẳng thừng tuyên bố: "Mặt đã xấu còn già mồm. Đẹp người ta mới tiếp, xấu thì không tiếp".

Ông Phạm Trung Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế (đơn vị quản lý chung) cho biết: Để đảm bảo cho việc trung chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng diễn ra theo đúng lịch trình, lãnh đạo Công ty đã phải huy động nhiều xe khách của các hãng xe khác nhau vào cuộc sau khi nhận được thông tin tài xế xe Phi Long đồng loạt ngừng hoạt động.

“Trước đây, lái xe của hãng này cũng đã phản đối do chế độ khoán và các chi phí khác không hợp lý. Chúng tôi có nhắc nhở nhưng đến nay sự việc lại tái diễn” - Ông Đức nói.

Ông Đức còn cho hay có thể do phải chịu sức ép từ những hãng xe cùng tuyến nhưng chất lượng dịch vụ cho hành khách tốt hơn nên các tài xế mới nghỉ việc để đòi quyền lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các đảng viên trẻ Trường THPT Thành Sen tuyên thệ dưới lá cờ Đảng.

Tuổi 18 vào Đảng: Tự hào và khát vọng cống hiến

GD&TĐ - Nhiều học sinh Hà Tĩnh được kết nạp Đảng ở tuổi 18 là minh chứng cho hiệu quả giáo dục lý tưởng sống trong trường học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là ở vùng khó khăn.