Tài xế đồng loạt yêu cầu trả lại 100 đồng tiền thừa, BOT Cai Lậy lại tiếp tục phải xả trạm

GD&TĐ - Vào 9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thu phí trở lại sau 3 tháng tạm dừng. Mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng ngay từ ngày đầu trở lại hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn xảy ra những sự cố ngoài ý muốn 

Tài xế đồng loạt yêu cầu trả lại 100 đồng tiền thừa, BOT Cai Lậy lại tiếp tục phải xả trạm

Trong đợt thu phí trở lại này, các tài xế chủ yếu ""tung chiêu"" dùng tiền mệnh giá 500.000 đồng và tiền lẻ để trả phí khiến giao thông qua khu vực ùn tắc. Thậm chí, đến khoảng 16h, trong lúc chờ nhân viên kiểm đếm tiền, một số tài xế đứng lên xe nhảy múa, hát hò, bấm còi inh ỏi khiến giao thông tại trạm hỗn loạn, giao thông gần như tê liệt.

Cảnh sát cơ động đảm bảo an ninh trật tự tại BOT Cai Lậy.

Khoảng 16h30, tình trạng kẹt xe tại trạm diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trạm buộc phải tiếp tục xả cho xe qua lại, tuy nhiên một số xe vẫn không chịu qua trạm. Lực lượng CSCĐ được điều động giữ trật tự tại trạm.

Đến 17h, lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ 2 người được cho là gây rối đưa về trụ sở làm việc.

Tài xế Trịnh Hồng Phương (người bị CSCĐ bắt lên trụ sở làm việc) cho biết: "Trước khi trả phí, tôi hỏi nhân viên thu tiền có tiền thối không, cô nhân viên nói là có. Khi tôi trả tiền xong thì cô ấy thối thiếu của tôi 100 đồng, tôi đứng đợi để lấy tiền thì CSGT đến nói chuyện với tôi.

Tài xế Trịnh Hồng Phương bị CSCĐ huyện Cai Lậy áp giải ra khỏi khu vực trạm BOT Cai Lậy.

Lúc này, CSGT yêu cầu tôi xuất trình bằng lái và giấy tờ xe. Khi tôi đưa thì mấy anh cảnh sát cầm đi luôn. Tôi đứng mãi không thấy mấy anh trả, nên tiếp tục đứng chờ. Sau có một vài người nói tôi chạy xe đi, tôi không chịu chạy vì giữ bằng lái của tôi sao tôi dám chạy. Sau đó họ đòi cẩu xe tôi, tôi không chịu. Thế rồi bất ngờ mấy anh CSCĐ ập đến bắt tôi, chở về đồn".

22h ngày 30/11, tài xế Trịnh Hồng Phương (SN 1967, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), người bị CSCĐ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) áp giải lên trụ sở làm việc, khẳng định đang chờ luật sư riêng đến giải quyết vụ việc.

"Hiện tôi vẫn đang làm việc tại trụ sở Công an huyện Cai Lậy. Một số vấn đề vô lý được nêu ra nên tôi đang chờ luật sư riêng đến giải quyết", tài xế Trịnh Hồng Phương cho biết.

Theo tài xế Phương, tại trụ sở, công an Cai Lậy lập biên bản xử phạt hành chính anh về lỗi điều khiển xe ô tô dừng trái quy định gây ác tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông tại BOT Cai Lậy vào chiều 30/11.

Tuy nhiên, tài xế Phương không đồng ý ký vào biên bản và nêu ý kiến: "Tôi không vi phạm hai lỗi trên. Tôi chỉ dừng xe qua trạm nhưng nhân viên không thối tiền lại".

Ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, sau hơn 3 tháng xả trạm, trong lần thu phí trở lại này, trạm đã đầu tư 2 khu vực cho xe trả phí bằng tiền lẻ và 1 khu vực riêng cho phóng viên báo chí để việc tác nghiệp được thuận tiện hơn.

"Chúng tôi đã đầu tư 2 khu vực cho những xe trả phí bằng tiền lẻ đậu, những xe này không được đậu tại làn thu phí mà sẽ được lực lượng chức năng mời vào bãi này giải quyết. Diện tích khu vực này khoảng 800m2 với sức chứa 20 - 25 xe/bãi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư thêm 1 khu vực riêng để phóng viên tác nghiệp thuận tiện.Tại khu vực này, chúng tôi đã trang bị bàn làm việc để phóng viên đưa tin, tiếp xúc với đại diện trạm khi có thắc mắc cần giải đáp", ông Hiệp thông tin.

Được biết, đến 23h30 ngày 30/11, hai tài xế Trịnh Hồng Phương (Bình Dương) và Nguyễn Minh Trung (Sóc Trăng) – là những tài xế bị công an huyện Cai Lậy bắt giữ đều đã được trả tự do.

Tài xế đồng loạt yêu cầu trả lại 100 đồng tiền thừa, BOT Cai Lậy lại tiếp tục xả trạm lúc rạng sáng

Vào khoảng 1h30 ngày 1/12, hàng loạt tài xế chạy theo hướng từ TP.HCM đi Cần Thơ đồng loạt đưa 24.500 đồng và 3 tờ 200 đồng cho nhân viên trạm thu phí Cai Lậy. Trong khi đó, mức phí qua trạm là 25.000 đồng.

Sau đó, nhóm tài xế này kiên quyết bắt nhân viên phải trả lại cho họ 100 đồng tiền thừa, nếu không sẽ không đi. Ở phía sau, nhiều phương tiện bấm còi inh ỏi. Không khí ở đây trở nên hỗn loạn, căng thẳng.

Việc này khiến giao thông hướng từ TP.HCM về Cần Thơ bị ùn tắc kéo dài hàng km, trong khi hướng lưu thông ngược lại vẫn thông thoáng bình thường.

Không có tờ 100 đồng để trả cho tài xế, nhân viên tại trạm buộc phải đóng cửa các cabin thu phí từ TP.HCM về Cần Thơ, chỉ còn bảo vệ ở lại trạm.

Đến khoảng 2h30 ngày 1/12, trạm thu phí Cai Lậy chính thức xả trạm cả 2 chiều. Đến 8h ngày 1/12, BOT Cai Lậy vẫn đang xả trạm và chưa thu phí trở lại.

Tài xế đòi trả lại 100 đồng tiền thừa.

Tài xế đòi trả lại 100 đồng tiền thừa.

Theo thông báo số 293/TB-NHNN ngày 28/9/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2013 đồng tiền cotton loại 10.000 đồng và 20.000 đồng hết giá trị lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, trong số mệnh giá tiền giấy cotton còn lưu hành, thì 100 đồng (phát hành 2/5/1992) là tờ có mệnh giá thấp nhất vẫn còn giá trị trong hệ thống tiền tệ Việt Nam hiện nay.

Mặt trước tờ tiền giấy 100 đồng còn lưu hành
Mặt trước tờ tiền giấy 100 đồng còn lưu hành

Theo thông tin từ NHNN Việt Nam cho biết: "NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đơn vị tiền tệ là “đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là "VND". Tiền giấy và tiền kim loại do NHNN Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Video: Tài xế không chịu lái xe qua trạm BOT Cai Lậy vì đòi trả lại đúng 100đồng tiền thừa

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng. Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.

Sau hai tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở quốc lộ 1.

Các tài xế cho rằng, việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn tuyến đường tránh không hợp lý. Một số người khác thì cho rằng, phí thu tại trạm BOT này quá cao. Thậm chí, nhiều người còn mang heo quay ra “cúng trạm” và đập heo đất để lấy tiền trả phí.Để tránh tắc đường, trạm BOT đã phải 4 lần xả trạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ