Theo báo cáo mới nhất từ Chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên Hợp Quốc, chi phí tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraine do xung đột với Nga đã tăng lên mức 411 tỷ USD.
Báo cáo công bố ngày 23/3 cho biết, chỉ riêng trong năm nay, Ukraine sẽ cần 14 tỷ USD để đổ vào các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và được ưu tiên nhất.
Mức chi phí ước tính này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ cần 11 tỷ USD nguồn tài trợ từ bên ngoài trong năm 2022 vì đây là phần vượt quá các khoản đã được phân bổ cho các nhiệm vụ này trong ngân sách hàng năm.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal thông báo chi tiết hơn rằng cơ sở năng lượng, nhà ở, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế và hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo đang là 5 ưu tiên của Ukraine tập trung tái thiết trong năm nay.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết chi phí tái thiết và phục hồi ước tính trị giá 411 tỷ USD nói trên chưa bao gồm “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”. Ông đang ám chỉ 4 vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga sáp nhập trong năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý, gồm vùng Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk.
So với những đánh giá chi phí tái thiết Ukraine được công bố hồi tháng 9/2022 là 349 tỷ USD, mức chi phí mới cập nhật nói trên đã tăng thêm 60 tỷ USD.
Các số liệu cũng chỉ ra rằng phần lớn thiệt hại đối với Ukraine trong chiến tranh xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, nổ ra từ cuối tháng 2/2022.
Con số 411 tỷ USD này cũng được xác định là “mức tối thiểu” do chi phí tái thiết có khả năng vẫn sẽ gia tăng hơn nữa chừng nào chiến sự không hạ nhiệt.
Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách châu Âu và Trung Á Anna Bjerde, quá trình tái thiết Ukraine có khả năng sẽ “mất vài năm”, trong khi thời điểm bắt đầu tiến hành tái thiết thực sự vẫn chưa được đưa ra vì giao tranh vẫn diễn ra ác liệt hiện nay.
Thậm chí hồi tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn từng đưa ra ước tính nước ông sẽ cần hơn 1.000 tỷ USD để tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Con số khổng lồ này hoàn toàn vượt quá khả năng của nền kinh tế Ukraine vốn bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua. Do đó, Kiev đang tìm mọi cách như lên kế hoạch huy động các quốc gia phương Tây tham gia tái thiết bằng cách trao cho những nước này cơ chế bảo trợ đặc biệt đối với một số khu vực và thành phố.
Ukraine dự kiến cho phép các chính phủ và công ty đa quốc gia tham gia xây dựng lại một khu vực, thành phố, khu vực kinh tế hoặc doanh nghiệp nhất định của mình.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố hiện đã có một số quốc gia, bao gồm Pháp, Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản và Australia thể hiện sự quan tâm với kế hoạch tái thiết trên.
Cho dù nguồn kinh phí cho phục hồi đến từ đâu thì với quy mô thiệt hại do cuộc xung đột chưa có hồi kết hiện nay gây ra, quá trình tái thiết được dự đoán sẽ là một phần trong lịch sử của đất nước Ukraine trong nhiều năm sắp tới.