Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào và cấp uỷ, chính quyền các địa phương, gửi thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Đồng thời, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của lực lượng vũ trang, các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân địa phương trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ.
Xác định nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão lũ còn nhiều việc phải làm trong những ngày tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cần vào cuộc một cách quyết liệt, khẩn trương để hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
“Yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ cử ngay các đoàn công tác đến các địa phương để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão lụt một cách nhanh nhất.
Yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động kiểm tra, đôn đốc, nếu bộ, ngành nào không thực hiện sẽ bị kỷ luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bão, lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương, Bộ NN&PTNT nhanh chóng tổng hợp nhu cầu, đề xuất Chính phủ phê duyệt để tổ chức cấp phát cho người dân.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính khẩn trương xuất cấp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ LĐTB&XH tiếp tục rà soát, báo cáo Thủ tướng xử lý cụ thể đối với nhu cầu hỗ trợ bổ sung của các địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong quá trình khắc phục hậu quả bão lụt; đồng thời phải tổ chức lực lượng để tìm kiếm người mất tích càng sớm càng tốt.
Các địa phương, các lực lượng rà soát các khu vực còn nguy hiểm, cảnh báo cho người dân; hướng dẫn người dân bảo đảm an toàn trong quá trình sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, tuyệt đối không để tai nạn đáng tiếc xảy ra; Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn đê điều.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt nhóm nhiệm vụ hỗ trợ sớm ổn định đời sống cho người dân.
Trước mắt, chính quyền cơ sở cần tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với các hộ có người bị chết và mất tích, bị mất nhà cửa, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách bảo đảm không người dân nào bị đói, phải dùng nước không hợp vệ sinh, bị ốm đau mà không có thuốc điều trị do mưa bão.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ Công an chi viện thêm lực lượng cho các địa phương giúp dân sửa chữa dựng lại nhà cửa bị sập đổ, hư hại, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương các hóa chất cần thiết, hướng dẫn việc xử lý nguồn nước; Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các cơ quan liên quan trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai, không để dịch bệnh bùng phát; các địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, kiểm soát dịch bệnh trên người và gia súc.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời xuống các tổ chức tín dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục toàn bộ hệ thống điện, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa; điều hành nguồn hàng, cung cấp về các khu vực có biểu hiện tăng giá để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá trục lợi, trong đó phối hợp với Bộ Xây dựng để kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đầy đủ đến người dân, tránh tung tin không chính xác gây tình trạng hoang mang trong nhân dân; kiểm tra các đài cơ sở về việc đưa tin, thông tin đến người dân về tình hình thiên tai và hoạt động khắc phục hậu quả.
Bộ GTVT chủ động trích các nguồn kinh phí của Bộ để khắc phục ngay các sự cố giao thông, khôi phục giao thông trên các tuyến huyết mạch đặc biệt là quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc Nam; tổ chức trục vớt tàu, thuyền bị chìm trên biển.
Bộ TN&MT chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo sớm để các bộ, ngành, địa phương và người dân chủ động ứng phó.
Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cân đối nguồn vốn trong đó có nguồn vốn ODA cho việc tái thiết sau thiên tai; hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ ứng phó khẩn cấp của các tổ chức quốc tế bảo đảm nhanh chóng, kịp thời.