Tại các địa bàn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), nhiều trường học bị bùn vùi lấp khá dày nên công việc khắc phục hết sức khó khăn.
Các lực lượng địa phương đã cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học đã nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm sớm triển khai hoạt động dạy học trở lại bình thường.
Ăn, ngủ tại trường, căng mình dọn lũ
Nằm ở trung tâm thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nhưng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu bị ngập khá sâu. Từ ngày 8/11, sau khi nước lũ đã để lại lớp bùn non khá dày khiến công tác dọn dẹp của đội ngũ cán bộ, giáo viên hết sức vất vả. Theo thầy Đỗ Xuân Thưởng – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu khi nước lũ bắt đầu rút, cán bộ, giáo viên đã có mặt tại tại trường khẩn trương thực hiện khắc phục hậu quả mưa lũ.
Mỗi người một tay chung sức dọn bùn, vệ sinh phòng lớp học, sân trường. Khối lượng công việc khá lớn nên toàn bộ giáo viên cũng tổ chức ăn uống tạm bợ, tranh thủ thời gian dọn dẹp, khắc phục.
Thầy Đỗ Xuân Thưởng chia sẻ: Mặc dù khối lượng bùn đất sau những ngày mưa lũ để lại trong trường là rất lớn, nhưng với quyết tâm sớm đưa học sinh đi hoc trở lại nhất, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã cật lực dọp dẹp.
Cùng với sự giúp sức của lực lượng trường Quân chính – Quân khu 5 nên công tác tổng dọn vệ sinh, khắc phục đã cơ bản hoàn thành. “Mặc dù hiện nay lượng bùn đất còn ở trong khuôn viên, sân bãi của trường còn rất lớn, tuy nhiên để hoạt động dạy học được theo kịp chương trình, nên bắt đầu từ chiều hôm nay giáo viên, học sinh có thể triển khai hoạt động dạy học trở lại bình thường”, thầy Thưởng cho biết.
So với các trường học trên địa bàn huyện Đại Lộc, thì các trường học trên địa bàn xã Đại Hòa, Đại An, Đại Đồng…hậu quả của mưa lũ để lại rất nặng nề, chính vì vậy công tác khắc phục hậu quả là hết sức vất vả.
Lãnh đạo các trường học nơi đây cho biết: Đến sáng ngày 8/11, nước lũ mới bắt đầu rút dần, công tác khắc phục, dọn dẹp bùn đất, vệ sinh cũng được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, với lượng bùn đất để lại sau lũ quá lớn, nên dù đã nỗ lực hết mình nhưng đến nay học sinh vẫn chưa thể trở lại trường lớp học tập bình thường.
Cô Hồ Thị Kim Luyến – Hiệu trưởng Trường TH Lê Thị Xuyến (xã Đại An, huyện Đại Lộc): Từ ngày hôm qua khi nước bắt đầu rút dần, cán bộ, giáo viên và người dân địa phương đã ra sức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp và trong ngày hôm nay, có thêm hơn 30 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 – Quân khu 5 giúp sức, thì đến nay, khối lượng bùn đất được di chuyển ra khỏi trường đã cơ bản.
Với quyết tâm triển khai dạy học vào sáng mai nên tất cả đều cật lực làm việc một cách khẩn trương. Cán bộ, giáo viên cùng các chiến sĩ đều tổ chức ăn trưa tạm bợ ngay tại trường học để tranh thủ thời gian làm việc. “Năm nào đến mừa mưa thì trường đều bị ngập lũ, tuy nhiên, không có lũ năm nào lại lớn như năm nay. Mặc dù không gây thiệt hại về trang thiết bị dạy học nhưng lũ đã cuốn trôi, làm đổ gãy hơn 200m tường rào. Học sinh nhà trường cũng chịu ảnh hưởng, thiệt hại cũng không hề nhỏ mỗi khi có lũ”, cô Luyến bày tỏ.
Dồn sức sớm đón học sinh đến trường
Cùng với đội ngũ giáo viên, lực lượng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã khẩn trương giúp trường học khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Trong hai ngày qua, đội ngũ thầy cô giáo Trường TH Nguyễn Công Sáu (xã Đại Hòa) khẩn trương vệ sinh trường lớp, với tinh thần nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Công Sáu (xã Đại Hòa), Trường TH Nguyễn Công Sau (xã Đại Hòa) là một trong những trường bị ngập khá sâu trong đợt mưa lũ vừa qua.
Khi nước lũ bắt đầu rút, các thầy cô giáo cũng tất bật dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, phòng lớp học, khuôn viên trường học để sớm đón học sinh đến lớp trở lại. Tuy nhiên, do lượng bùn đất còn quá lớn nên đến ngày mai chưa thể triển khai dạy học.
“Mặc dù công việc nhà cửa còn bề bộn sau lũ, nhưng nhiều giáo viên trong trường đã có mặt ở trường để khắc phục hậu quả mưa bão để lại. Nước vừa rút dần, chúng tôi đã nhanh chóng dọn dẹp lại trường lớp sạch sẽ để học sinh có thể trở lại học tập bình thường sớm nhất.
Hiện nay, ngoài đội ngũ thầy cô giáo, thì cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân khu 5 cũng đã kịp thời đến giúp sức nhà trường khắc phục hậu quả mưa lũ. Mong rằng với sự giúp sức đó, thầy trò nhà trường sẽ sớm triển khai lại hoạt động dạy học”, cô Thu cho hay.
Thầy Huỳnh Ngọc Ánh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đai Lộc cho biết: Trong hai ngày nay, để giúp các trường học nhanh chóng ổn định nề nếp dạy học, lực lượng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng đã chung sức cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ngành y tế địa phương cũng khẩn trường thực hiện công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh có thể phát sinh trong dân cư, trường học.
“Với tinh thần trường học khắc phục hậu quả thiệt hại đến đâu thì khẩn trương ổn định nề nếp, tiếp tục triển khai công tác dạy học. Ngành GD&ĐT địa phương cũng đã tham mưu chính quyền địa phương và đề ra nhiều phương án nhằm tìm giải pháp hỗ trợ các trường nhanh chóng hậu quả do bão gây ra.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện các phương án khắc phục thiệt hại, nhanh chóng triển khai dạy học theo đúng chương trình, thời gian. Bởi vậy, ngay sau khi lũ rút, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn chạy đua với thời gian, “căng mình” khắc phục thiệt hại.
Hiện tại, công tác khắc phục đang rất khẩn trương, tuy nhiên, muộn nhất là đến đầu tuần sau các hoạt động của các trường học sẽ bắt đầu trở lại bình thường”, thầy Ánh cho hay.
“Hiện nay, mọi công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại còn rất bừa bộn, sự thiệt hại chưa thể thống kê được, tuy nhiên, với quyết tâm sớm triển khai lại hoạt động dạy học, các trường học trên địa bàn đang rất nỗ lực chuẩn bị điều kiện trường lớp một cách chu đáo nhất để đảm bảo công tác dạy học.
Qua công tác nắm bắt tình hình thiệt hại của các trường học trong đợt lũ vừa qua, đã cho thấy hậu quả của mưa lũ để lại là rất lớn.
Chính vì vậy, công tác khắc phục hậu không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai; ngành GD&ĐT và các trường học trên địa bàn rất mong sự tâm, chia sẻ từ cộng đồng xã hội, nhằm tạo điều kiện sớm ổn định lại trường lớp tổ chức dạy học".