Tái tạo siêu sóng thần

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nghiên cứu đã tái tạo lại trận sóng thần ở Vịnh Lituya bằng cách sử dụng một bể thí nghiệm chuyên dụng tỷ lệ 1:675 mô phỏng hình dạng của vịnh.

Nhiều trận sóng thần lớn có thể đã xảy ra trong lịch sử.
Nhiều trận sóng thần lớn có thể đã xảy ra trong lịch sử.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, độ cao tối đa của ngọn sóng khiến nó cao hơn bất kỳ đỉnh sóng nào được ghi nhận trên Trái đất.

Yếu tố tạo ra con sóng “khổng lồ”

Vào tháng 7/1958, một trận động đất 8,3 độ richter tại đứt gãy Queen Charlotte-Fairweather đã làm rung chuyển bờ biển phía Nam của Alaska. Sự kiện này đã gây ra một vụ lở đất lớn tại Vịnh Lituya gần đó. Sau đó, thảm hoạ tiếp tục gây ra một cơn sóng thần kinh hoàng xé toạc vùng nước và khiến 5 người thiệt mạng.

Những con sóng khổng lồ san bằng cây cối trên các sườn dốc bao quanh vịnh. Những ngọn sóng có độ cao tối đa là 1.719 feet (524 mét) so với mực nước biển. Đây là mức cao hơn cả Tòa nhà Empire State của New York (cao 1.454 feet, tương đương 443 m).

Ông Hermann Fritz - Giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Viện Công nghệ Georgia, người chuyên về sóng thần và bão, chia sẻ: “Đây là con sóng lớn nhất từng được ghi lại và chứng kiến bởi mọi người”.

Ông Fritz nói thêm, có khả năng đã có những đợt sóng lớn hơn trong lịch sử Trái đất. Fritz là tác giả chính của một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 trên tạp chí Pure and Applied Geophysics.

Nghiên cứu đã tái tạo lại trận sóng thần ở Vịnh Lituya bằng cách sử dụng một bể thí nghiệm chuyên dụng tỷ lệ 1:675 mô phỏng hình dạng của vịnh. Nhóm nghiên cứu phát hiện, độ cao tối đa của ngọn sóng có thể san bằng cây cao khoảng 150m. Con số này khiến nó cao hơn bất kỳ đỉnh sóng nào được ghi nhận trên Trái đất.

Các nhà nghiên cứu ước tính, với sóng thần đạt đến độ cao này, trận lở đất gây ra nó có thể đã đổ khoảng 1,1 tỷ feet khối (30 triệu mét khối) đá xuống Vịnh Lituya. Tuy nhiên, theo ông Fritz, trong khi quy mô cực lớn của vụ lở đất đã tạo lực để gây ra một làn sóng lớn như vậy, thì hình dạng của vịnh mới là lý do thực sự khiến con sóng có độ cao “khổng lồ”.

Lituya là một vịnh hẹp ở ven biển dài với các sườn dốc được tạo ra bởi một sông băng cổ đại. Vịnh dài khoảng 9 dặm (14,5 km) và rộng khoảng 3,2 km ở điểm rộng nhất. Nó có độ sâu tối đa là 220 m và được kết nối với Vịnh Alaska bằng một khe hở rộng 984 foot (300 m). Trận lở đất gây ra sóng thần năm 1958 xảy ra tại Gilbert Inlet, ở cuối vịnh hẹp xa nhất so với đại dương.

Trong một trận sóng thần do lở đất điển hình tạo ra, sóng sẽ tỏa ra theo hình quạt. Tuy nhiên, hình dạng hẹp và độ dốc lớn của Vịnh Lituya, cũng như điểm xuất phát, đồng nghĩa với việc toàn bộ sức mạnh của sóng đã được chuyển theo một hướng.

Ngoài ra, do không có nơi nào khác để nước chảy, sóng đã bị đẩy lên các sườn núi xung quanh. Theo ông Fritz, đó là lý do ngọn sóng có độ cao như vậy. Vào năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Natural Hazards and Earth System Sciences đã mô phỏng trực quan về sóng bằng các mô hình máy tính.

Ông Fritz cho biết, loại sóng cực mạnh này được gọi là “megatsunami”. Đây là một thuật ngữ ban đầu được các phương tiện truyền thông đặt ra để chỉ những con sóng cực lớn, xuất hiện do lở đất hoặc núi lửa.

Hình dạng hẹp và độ dốc lớn của Vịnh Lituya khiến sóng cao hơn.

Hình dạng hẹp và độ dốc lớn của Vịnh Lituya khiến sóng cao hơn.

Sóng thần ở Vịnh Lituya

Vào ngày 29/10/2020, vận động viên lướt sóng người Bồ Đào Nha Antonio Laureano đã phá kỷ lục về con sóng cao nhất từng lướt. Cụ thể, anh đã thành công cưỡi con sóng cao 101,4 foot (30,9 m) tại Nazaré - một thị trấn ở phía Tây Bồ Đào Nha. Những con sóng lớn đến nỗi có thể được nhìn thấy từ không gian. Con sóng đã được chụp ảnh bởi Landsat 8 - một vệ tinh do NASA và Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ điều hành. Tuy nhiên, kỷ lục này không được Liên đoàn Lướt sóng Thế giới (WSL) chính thức công nhận. Bởi, thời điểm đó, không quan chức nào của WSL có mặt để xác nhận độ cao của con sóng.

Ông Fritz cho biết, sóng thần do lở đất tạo ra hiếm hơn nhiều so với sóng thần kiến tạo. Trong đó, sóng thần kiến tạo xảy ra do sự gián đoạn của đáy biển, với sự di chuyển của các mảng kiến tạo (chẳng hạn như trận sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản) và chiếm hơn 90% tổng số trận sóng thần.

Theo chuyên gia này, sóng thần do lở đất tạo ra có thời gian tồn tại ngắn hơn nhiều so với sóng thần kiến tạo. “Sóng thần do lở đất tạo ra có thể rất lớn ở gần nguồn, nhưng biến mất nhanh chóng. Mặt khác, sóng thần kiến tạo bắt đầu như những con sóng nhỏ chỉ cao vài feet. Chúng di chuyển với khoảng cách rất lớn và tăng độ cao khi đến bờ biển”, ông Fritz lưu ý.

Trong trận sóng thần ở Vịnh Lituya, sóng đã giảm xuống độ cao dưới 328 feet (100 m) vào thời điểm nó chạm đến khe hở hẹp của vịnh và không tỏa ra xa hơn nữa vào Vịnh Alaska. Trận sóng thần năm 1958 không phải là thảm hoạ đầu tiên xảy ra ở Vịnh Lituya.

Trước đây, các nhà địa chất từng phát hiện bằng chứng về các trận sóng thần nhỏ hơn xảy ra ở khu vực này vào các năm 1853, 1854 và 1936. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội đồng Chính sách Địa chấn các Bang miền Tây (WSSPC), tất cả bằng chứng về những thảm hoạ này đã bị cuốn trôi bởi trận siêu sóng thần lớn hơn nhiều.

Theo WSSPC, một số ít người đã sống sót sau trận sóng thần, khi họ đang ở trên thuyền trong vịnh, vào thời điểm sạt lở đất xảy ra. Những người này đã sống sót bằng cách chèo thuyền ra ngoài hoặc chạy trốn qua cửa vịnh.

Sau khi sóng tan, phải mất ba tuần để địa điểm này được coi là đủ an toàn. Khi đó, các nhà nghiên cứu mới có thể tiến hành khảo sát. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã mô tả, có hàng triệu cây bật gốc trôi nổi trong vịnh.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).