Tái sinh động vật tuyệt chủng?

GD&TĐ -Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, hơn bốn tỷ loài đã tiến hóa và 99% trong số này đã không còn trên Trái đất.

Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai gần hổ Tasmania và voi ma mút sẽ tái xuất.
Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai gần hổ Tasmania và voi ma mút sẽ tái xuất.

Hiện nay, các nhà khoa học có thể ngăn chặn một phần sự tuyệt chủng này, bằng cách sử dụng DNA cổ và phương pháp sinh sản nhân tạo để tái sinh các loài động vật đã biến mất. Trước mắt là hổ Tasmania và voi ma mút (mammoth).

Dự án đầy triển vọng

GS Pask nói với CBS News: “Chúng tôi đang sử dụng các công nghệ kỹ thuật DNA mới nhất để tạo ra tế bào gốc của thú có túi, cùng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Một đội ngũ các nhà khoa học đang làm việc để giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện, với mục đích phục hồi và đưa các loài này về môi trường hoang dã, nơi chúng đóng những vai trò hoàn toàn thiết yếu trong hệ sinh thái. Hy vọng trong tương lai gần, các bạn sẽ được nhìn thấy chúng ở vùng đất bụi rậm Tasmania một lần nữa”.

Khi người châu Âu lần đầu tiên định cư ở Australia vào những năm 1800, có khoảng 5.000 cá thể Thylacine sinh sống trên đảo Tasmania. Được biết nhiều hơn với tên gọi hổ Tasmania, quần thể động vật này nhanh chóng giảm đi do môi trường sống bị tàn phá, dịch bệnh và bị săn bắt quá mức.

Hơn 2.000 năm trước, loài động vật có kích thước giống chó sói này đã được tìm thấy ở các khu vực như Papua New Guinea và Australia, nhưng cuối cùng chúng chỉ còn có ở Tasmania.

Những người định cư đã gặp nhiều phiền toái với chúng vì chúng xâm nhập trang trại giết hại gia súc của họ. Tình hình căng thẳng đến mức vào năm 1830, chính phủ đã ra mức thưởng cho người dân giết hổ và biện pháp này tỏ ra khá thành công.

Do bị săn lùng ráo riết, bầy hổ Tasmania dần dần thưa thớt và chính thức tuyệt chủng vào ngày 7/9/1963, khi Benjamin, cá thể cuối cùng, chết tại Vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania.

Cho đến nay, gần một thế kỷ sau khi hổ Tasmania tuyệt chủng, các nhà khoa học có ý định tái sinh loài động vật này trong một dự án đầy triển vọng. Nghiên cứu hiện được hướng dẫn bởi GS Andrew Pask, thuộc Đại học Melbourne, lãnh đạo Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp Thylacine.

Quá trình này rất phức tạp, liên quan đến việc tái tạo hoàn chỉnh bộ gen của hổ Tasmania, rồi đem so sánh với bộ gen của chuột túi nhỏ Dunnart, họ hàng gần nhất của chúng. Theo CNN, sự khác biệt về kích thước của hai loài động vật (loài Thylacine cao từ 51 - 69 cm, loài Dunnart đuôi mập chỉ dài từ 60 - 90 mm) không phải là vấn đề.

Điều này là do “tất cả các loài thú có túi đều sinh ra những con non nhỏ xíu, đôi khi nhỏ như một hạt gạo”. Dunnart có thể làm mẹ thay thế cho một động vật trưởng thành lớn hơn nhiều như Thylacine, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Một khi tìm thấy sự khác biệt, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi bộ gen của Dunnart cho giống với bộ gen của hổ Tasmania về cơ bản. Dunnart sau đó sẽ được sử dụng như loài thay thế, giúp đưa tổ tiên của chúng trở lại cuộc sống. GS Pask cho biết, hổ Tasmania là ứng viên sáng giá cho quá trình hồi sinh các loài tuyệt chủng.

Cá thể chết tương đối gần đây, có sẵn các mẫu DNA còn tốt và các phần thuộc môi trường sống tự nhiên của chúng vẫn tồn tại. Nhiều quy trình khoa học khác được sử dụng để đảm bảo một phôi thai hình thành hoàn chỉnh được đặt vào cơ thể thay thế thành công, và phát triển trong 42 ngày.

Hổ Tasmania trong vườn thú Hobart ở Tasmania, Australia năm 1933.

Hổ Tasmania trong vườn thú Hobart ở Tasmania, Australia năm 1933.

Voi ma mút sẽ tái sinh?

Không chỉ hổ Tasmania có cơ hội tái sinh, mà cả voi ma mút lông mềm cũng có khả năng trở lại cuộc sống. Các nhà khoa học tham gia dự án hổ Tasmania đã phối hợp với Công ty Công nghệ sinh học Colossal do một giáo sư thuộc Đại học Harvard thành lập, sử dụng công nghệ tương tự để thử và mang voi ma mút trở lại cuộc sống ở vùng Bắc cực. Nhóm nghiên cứu đã nhận được 15 triệu USD tài trợ cho dự án của này.

Do loài voi ma mút tuyệt chủng cách đây đã lâu, các nhà khoa học không có ý định tái sinh hoàn chỉnh loài này, mà chỉ tạo ra một loài động vật tương tự, bằng cách chỉnh sửa DNA của voi ma mút thành bộ gen của voi châu Á, họ hàng gần của chúng.

Sau đó, họ sẽ ra một phôi thai mang DNA đã được sửa đổi để có thể phát triển ở “con vật thay thế”, voi châu Phi, hoặc tử cung nhân tạo. Kết quả sẽ cho ra không phải là voi ma mút, mà là một “voi Artic” thích nghi với vùng lạnh giá với đôi tai nhỏ, tóc xù, trán hình vòm và ngà cong.

Voi ma mút lông mềm.

Voi ma mút lông mềm.

Cả việc tái tạo voi ma mút lông mềm và hổ Tasmania đều đang được thực hiện như những nỗ lực nhằm giúp đỡ các hệ sinh thái trong khu vực và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Mỗi loài động vật đều thực hiện các chức năng quan trọng trong hệ sinh thái của chúng. Thylacine có thể giúp khôi phục sự cân bằng cho các khu rừng còn lại của Tasmania bằng cách loại bỏ những động vật ốm yếu, giảm số lượng động vật ăn cỏ đang dư thừa.

Những con voi ma mút lông mềm được sử dụng để nạo vét các lớp tuyết, cho phép không khí lạnh đến đất và duy trì lớp băng vĩnh cửu. Sự biến mất của voi ma mút khiến tuyết tích tụ và làm ấm lớp băng vĩnh cửu phóng thích khí nhà kính. Một số nhà khoa học hy vọng những con voi ma mút tái xuất có thể đảo ngược xu hướng đó.

Như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể gặp lại hổ Tasmania và voi ma mút?

Nhà khoa học Ben Lamm, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Colossal, cho biết: “Mục tiêu đầy tham vọng của chúng tôi là có những con voi ma mút đầu tiên trong vòng 5 - 6 năm tới, nhưng chưa thể công bố mốc thời gian cho loài Thylacine, mặc dù thời gian mang thai của thú có túi được tính bằng tuần so với 22 tháng của voi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, Thylacine có thể là một trong những động vật đầu tiên được tái sinh”.

Theo Thevintagenews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ