Tại sao người dân vẫn ít tham gia giám sát ngân sách?

Nhóm cộng đồng giám sát ngân sách tại thực địa ở Hòa Bình
Nhóm cộng đồng giám sát ngân sách tại thực địa ở Hòa Bình

Ông Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) thông tin (tại Toạ đàm vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát ngân sách Nhà nước - khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn), rằng: Việt Nam mới đạt 15 điểm về chỉ số công khai ngân sách (năm 2017), trong khi đó điểm trung bình của thế giới là 42 (ngay trong khu vực Đông Nam Á thì Philippines đạt 67 điểm, Indonesia đạt 64 điểm… Việt Nam xếp sau cả Campuchia đạt 20 điểm và chỉ đứng trước Myanmar đạt 7 điểm).

Trong khi đó những tài liệu được công khai thường không chi tiết. Chỉ số tài liệu được công khai về ngân sách đối với hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách đạt 33 điểm, đối với dự thảo dự toán ngân sách đạt 78 điểm, báo cáo quý thì đạt 33 điểm, còn báo cáo cuối năm đạt 38 điểm công khai. Trong khi điểm công khai được cho là đầy đủ phải đạt hơn 60 điểm.

Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phân tích: Hiện nay, đang có những khó khăn của người dân khi tham gia vào quy trình ngân sách. Trong đó có việc thiếu thông tin về ngân sách Nhà nước; Thiếu cơ chế hiệu quả để người dân được tham gia vào quy trình ngân sách; Thiếu các tài liệu ngân sách dạng đơn giản, dễ hiểu giúp người dân có thể hiểu rõ, chính xác về ngân sách Nhà nước.

Các tài liệu ngân sách Nhà nước còn chưa công khai kịp thời, chỉ có 9/63 (14,3%) số tỉnh công khai kịp thời Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh. Có 35/63 (55,6%) tỉnh công khai kịp thời Dự toán NSNN năm 2018 được HĐND tỉnh quyết định (đây là tài liệu được các tỉnh công khai kịp thời nhất trong số các tài liệu ngân sách được công khai). Trong khi đó, có 21/63 (33,3%) các tỉnh công khai kịp thời Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2017.

Thêm vào đó, khó khăn nữa khiến người dân không dễ dàng giám sát ngân sách đó là các tài liệu NSNN của một số tỉnh còn chưa sẵn có. Yêu cầu mật khẩu khi truy cập tài liệu ngân sách. Người dân cũng khó tiếp cận và tìm kiếm các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử của một số tỉnh. Các tài liệu ngân sách được công khai chủ yếu ở cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính tỉnh.

Khó khăn nữa là việc các tài liệu NSNN được công khai còn chưa đầy đủ. Ví dụ, chỉ có 27/63 tỉnh (42,9%) công khai dự thảo Dự toán NSNN năm 2018 trình HĐND tỉnh quyết định. Hay chỉ có 25/63 tỉnh (39,8%) công khai Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2017. Bên cạnh đó, các tỉnh vẫn chưa công khai đầy đủ bảng biểu kèm theo Dự toán NSNN. Chỉ có 2/63 (3,2%) số tỉnh công bố đầy đủ 13 bảng biểu kèm theo Dự thảo dự toán NSNN năm 2018 trình HĐND tỉnh.

Cũng theo CDI, thời gian qua vẫn thiếu cơ chế hiệu quả để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Đáng chú ý, mức độ tham gia của người dân trong quy trình ngân sách chỉ đạt 7 trên 100 điểm (OBI 2017). Không có hoặc thiếu thư mục hỏi đáp về ngân sách trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan tài chính. Cũng chưa có yêu cầu/lời mời người dân tham gia góp ý cho các tài liệu ngân sách.

Các chuyên gia kinh tế và chuyên gia nghiên cứu đề cập đến vấn đề hiện nay là người dân thiếu tài liệu ngân sách dạng đơn giản, dễ hiểu. Ngay trong tài liệu công khai có nhiều số liệu, thuật ngữ chuyên môn, tài liệu dài, khiến người dân khó có thể đọc, hiểu được các thông tin ngân sách. Do đó người dân cũng khó tham gia được vào quy trình ngân sách.

Trong khi đó, thiếu các tài liệu ngân sách dạng đơn giản. Chẳng hạn, Bộ Tài chính công khai Báo cáo ngân sách công dân từ năm 2015 - 2018 áp dụng cho Dự toán ngân sách nhà nước được quyết định. Tuy nhiên, chỉ có 2/63 tỉnh có công khai báo cáo ngân sách công dân (POBI 2017), là Hải Phòng và Bắc Ninh. Còn thông tin ngân sách được công khai chỉ có số tổng, thiếu số chi...

Còn một vấn đề khác khiến giám sát ngân sách khó khăn, đó là vẫn còn khoảng trống giữa quy định pháp luật về công khai NSNN và thực tiễn thực thi. CDI cho rằng, các cơ quan thực hiện ngân sách công khai chưa kịp thời, chưa đầy đủ và chưa sẵn có các tài liệu ngân sách theo như quy định của Điều 15 Luật NSNN. Người dân cũng chưa thực sự được tham gia hiệu quả vào giám sát NSNN theo như quy định của Điều 16 Luật NSNN. Quy định thời gian công khai Dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội, HĐND các cấp đã thu hẹp, gây khó khăn cho sự tham gia của người dân.

Một nhóm cộng đồng giám sát ngân sách tại miền núi phía Bắc
 Một nhóm cộng đồng giám sát ngân sách tại miền núi phía Bắc

 Hiện vẫn thiếu cơ chế hiệu quả để người dân được tham gia vào quy trình ngân sách. Thiếu các tài liệu ngân sách dạng đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân có thể hiểu rõ, chính xác về ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ