Giám sát ngân sách: Phải minh bạch hơn nữa

GD&TĐ - Ngân sách Nhà nước là tiền của dân, dùng để chi cho dân. “Nếu công khai, minh bạch hơn nữa về chi ngân sách Nhà nước thì sẽ giảm bớt những chi phí và phiền hà” - TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) - chia sẻ quan điểm với PV Báo GD&TĐ bên lề Tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát ngân sách Nhà nước - Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” (ngày 15/8/2018, tại Hà Nội).

Ngân sách Nhà nước là tiền của dân, chi cho dân phải công khai, minh bạch
Ngân sách Nhà nước là tiền của dân, chi cho dân phải công khai, minh bạch

Có phạm vi cần giám sát vẫn bỏ trống?

Chia sẻ góc nhìn về hoạt động giám sát chi ngân sách của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thẳng thắn cho rằng, hoạt động giám sát ở cấp cơ sở cũng đã phát huy được hiệu quả. Còn ở các cấp cao hơn thì chủ yếu vẫn giám sát thông qua dự hội nghị, hội đồng nhân dân, thông qua báo cáo…

“Khung pháp lý đã có sự hoàn thiện. Hoạt động giám sát của MTTQ có rất nhiều ưu điểm. Tuy Luật MTTQ đã quy định quyền giám sát và phản biện, nhưng trong thực tế triển khai việc giám sát ngân sách còn rất hạn chế” - ông Lê Đăng Doanh nhận định - “Hoạt động giám sát của MTTQ trong thực tế vẫn mang nặng tính hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao. Giám sát phần nhiều mới thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát.

Chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa và giám sát hầu như mới chủ yếu ở cấp cơ sở. Chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động giám sát theo chuyên đề, cũng như chưa đầu tư thời gian nghiên cứu thực tế, tài liệu, thông tin, nên báo cáo kết quận giám sát còn chung chung, hiệu lực hiệu quả không cao. Phạm vi đối tượng cần giám sát trong thực tế của MTTQ còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, thậm chí bị bỏ trống”.

“Cần xem xét những vấn đề cuộc sống đang đặt ra, mà lỗ hổng giám sát vẫn rất lớn”- TS Lê Đăng Doanh nêu - “Hiện nay có những thắc mắc về đầu tư các dự án BT, BOT như thế nào? Đã có giám sát đối với đầu tư các dự án này chưa? Đã mời các chuyên gia tham gia giám sát ra sao”.

Trả lời PV Báo GD&TĐ hôm 15/8, TS Lê Đăng Doanh khẳng định: “Việc mời các chuyên gia theo chuyên ngành tham gia vào giám sát các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước có thể coi là một hình thức xã hội hóa. Chúng ta vẫn nói đến xã hội hóa cụ thể là dân đóng tiền bao nhiêu vào ngân sách, còn việc xã hội hóa nhân lực trong tham gia giám sát ngân sách thì còn ít”.

Trong khi đó, với giám sát ngân sách thì việc mời các chuyên gia lĩnh vực, các chuyên gia ở các viện nghiên cứu, các giảng viên đại học chuyên ngành, hay đại diện của các công ty kiểm toán, công ty tư vấn… tham gia vào giám sát với tư cách công dân vẫn còn ít. “Đó là những người có hiểu biết, có chuyên môn. Họ nhìn vào báo cáo chi ngân sách là họ biết được” - chuyên gia kinh tế này nhận xét.

Cần công khai và minh bạch hơn

Ông Phan Văn Vượng (Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thẳng thắn cho rằng: “Vấn đề công khai, minh bạch ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế ở nhiều lĩnh vực. Công khai về ngân sách cũng còn ở mức độ nhất định. Còn việc giám sát ngân sách Nhà nước thì mới có hai hệ thống giám sát thường xuyên, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Thông qua các kỳ họp, các cơ quan sử dụng ngân sách, quản lý ngân sách có trách nhiệm báo cáo tại kỳ họp về dự toán ngân sách, sử dụng ngân sách và quyết toán ngân sách. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước giám sát, kiểm soát việc thực hiện ngân sách. Còn MTTQ với vai trò giám sát thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua đại diện. Về chủ trương tham gia giám sát ngân sách của MTTQ thì đã có, thể chế cũng tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc vào cuộc của MTTQ cũng còn ở mức độ nhất định”.

Cũng theo ông Phan Văn Vượng, công khai ngân sách của Việt Nam đang ở “top” cuối so với các nước trong khu vực.

Về thực thi vấn đề công khai, minh bạch về ngân sách, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chúng ta nói công khai, nhưng công khai nội dung gì, chi tiết như thế nào thì khoảng cách của Việt Nam so với thế giới trong vấn đề này còn xa lắm. Việt Nam không nên dừng lại ở những gì đạt được trong công khai ngân sách, mà phải cố gắng làm sao thật sự thực hiện được điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tiền của ngân sách là tiền của dân, phải chi cho dân…”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát ở địa phương; tính từ năm 2014, MTTQ các cấp ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ trì giám sát 107.592 cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ sở y tế tư nhân; phối hợp thực hiện và giám sát tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện đưa người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; việc cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ