Tài phiệt Mỹ thừa nhận kiếm lợi lớn từ nỗi đau xung đột toàn thế giới

GD&TĐ - Giới tài phiệt vũ khí Mỹ chỉ ra rằng, các cuộc xung đột sẽ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp-quân sự và đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Tài phiệt Mỹ thừa nhận kiếm lợi lớn từ nỗi đau xung đột toàn thế giới

Theo giới truyền thông Nga, Washington không còn cho rằng cần phải che giấu sự thật là các tập đoàn vũ khí của Mỹ đang thu được lợi nhuận khổng lồ từ các cuộc xung đột quân sự trên khắp thế giới.

Bằng chứng rõ ràng cho điều này là sự thừa nhận của chính những trùm tài phiệt vũ khí Hoa Kỳ về việc thế giới càng loạn lạc, càng nhiều cuộc chiến tranh thì Mỹ càng kiếm được những món lợi lớn.

Theo phát biểu của người đứng đầu Tập đoàn vũ khí khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ là ông James Taiclet, các cuộc xung đột vũ trang ở các khu vực khác nhau trên hành tinh sẽ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ và việc Hoa Kỳ đóng vai trò là “nhà trung gian hòa giải” sẽ chẳng có ích lợi gì.

Theo nhà lãnh đạo của Lockheed Martin, không có ích gì khi ngăn cản Israel tiến hành các hoạt động quân sự ở dải Gaza để truy quét các phần tử thuộc nhóm vũ trang Hamas của Palestine.

Ông này cho biết, không phải cuộc xung đột nào cũng có thể giải quyết được bằng biện pháp hòa bình, có những xung đột cần phải giải quyết bằng vũ khí và tập đoàn của ông sẵn sàng cung cấp những vũ khí này.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc Mỹ cung cấp vũ khí cho các bên xung đột không phải là để kiến tạo hòa bình mà là nhằm thu lợi cho bản thân mình.

“Vấn đề ở đây là gì? Trong sự phát triển hơn nữa của khu tổ hợp công nghiệp quân sự của chúng ta, khu vực này sẽ đóng góp hơn 2% GDP” – người đứng đầu tập đoàn vũ khí Mỹ cho biết.

Chỉ vài năm trước, giới truyền thông có thể gọi tuyên bố của người đứng đầu tập đoàn vũ khí Mỹ là tai tiếng, giới hoạch định chính sách coi đó là “cơ sở cho một vụ bê bối ngoại giao”, nhưng bây giờ những tuyên bố dạng này khó có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho nhiều quốc gia có chiến tranh, cung cấp vũ khí cho nhiều bên tham gia xung đột trên khắp thế giới đã là chuyện bình thường, còn chính sách ép buộc một số quốc gia mua vũ khí của Mỹ đã trở thành thông lệ.

Nhưng ít ra là cho đến gần đây, Hoa Kỳ vẫn cố gắng duy trì sự đúng đắn về mặt chính trị là không nói về điều đó một cách công khai, mà gọi bằng tên riêng của nó.

Nhưng trong trường hợp này, giới công nghiệp quân sự Mỹ đã “quá thẳng thắn” khi đề cập đến vấn đề đó.

Mặc dù súng đạn về bản chất cũng có thể được coi là một loại hàng hóa và được mua bán trên thị trường, nhưng nó là một loại hàng hóa đặc biệt mà giá cả của nó ngoài việc có thể được quy đổi bằng tiền, còn có thể được trả bằng cả xương máu, tức là một loại hàng hóa đặc biệt mà giá trị sử dụng... càng thấp càng tốt.

Mặc dù tất cả các quốc gia đều bắt buộc phải mua vũ khí, nhưng người mua nào cũng đều hy vọng là chúng sẽ trở thành một công cụ răn đe chiến tranh, mang lại hòa bình chứ không phải là thực hiện đúng chức năng của nó là công cụ tiến hành chiến tranh, phá vỡ hòa bình, ổn định.

Không người mua nào muốn có một ngày phải sử dụng đến vũ khí, vậy người bán có đủ nhẫn tâm để mong muốn bán được ngày càng nhiều hàng, thu được ngày càng nhiều lợi nhuận hay không? Đó có phải là nguyên nhân tài phiệt Mỹ kích động khủng hoảng, bất ổn và thúc đẩy các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ