Tài nguyên số - Điểm tựa của chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Nguồn tài nguyên số hỗ trợ cho dạy học trực tuyến được xem như điểm tựa giúp các nhà trường, giáo viên nâng cao chất lượng dạy học, chủ động thích ứng với chuyển đổi số.

Tài nguyên số hỗ trợ cho dạy học trực tuyến/trực tiếp. Ảnh: Đức Trí
Tài nguyên số hỗ trợ cho dạy học trực tuyến/trực tiếp. Ảnh: Đức Trí

Mặt khác, tài nguyên số cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả giáo dục thời đại 4.0.

Hữu ích và cần thiết

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Đây là bước chuyển đổi không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên khi nhiều năm qua quen với dạy học trực tiếp.

Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả tốt nhất, Bộ GD&ĐT, các tổ chức và cộng đồng giáo viên đã xây dựng và cung cấp nguồn tài nguyên số. Trong đó bao gồm các bài giảng điện tử, bài giảng minh hoạ, tài liệu, video giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng một số phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến; công cụ số hỗ trợ dạy học; kinh nghiệm sử dụng và triển khai... Nguồn tài nguyên phong phú đã đáp ứng nhu cầu khai thác, tham khảo của đội ngũ giáo viên trong công tác giảng dạy.

Sau quá trình khai thác, cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Tổ trưởng khối 3, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: Kho học liệu số hiện nay có nguồn tài nguyên, dữ liệu phong phú. Việc khai thác thuận lợi cho giáo viên, đặc biệt với người trẻ sẽ phát huy được hết ưu thế công nghệ thông tin để tận dụng những nền tảng hay, phù hợp cho bài giảng trực tuyến.

Tuy nhiên cô Loan cho rằng, việc khai thác các tài nguyên số mất khá nhiều thời gian, cùng đó để xây dựng bài giảng trực tuyến, mỗi giáo viên có ý tưởng riêng nên muốn hiệu quả phải linh hoạt theo yêu cầu của học sinh trên lớp. “Có nền tảng có thể lấy trọn vẹn, nhưng có nền tảng chỉ để tham khảo hoặc lấy được đôi chút để kết hợp các tài nguyên khác trong kho học liệu mới có thể xây dựng nên bài giảng trực tuyến theo yêu cầu riêng…”, cô Loan bày tỏ.

Dưới góc độ quản lý, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng đánh giá kho học liệu số mà Bộ GD&DT xây dựng có nguồn tài nguyên phong phú, tiện ích cho giáo viên trong việc dạy học, đặc biệt dạy học trực tuyến.

“Ngay cả khi tại Vĩnh Phúc, dạy học trực tiếp đang diễn ra thì giáo viên vẫn có thể khai thác tài nguyên đó để bổ trợ cho bài giảng trong bối cảnh phải ứng dụng công nghệ số vào dạy học khá nhiều. Việc khai thác tài nguyên số hợp lý, phù hợp giúp thầy cô “nhàn” hơn trong quá trình soạn giáo án và năng suất, hiệu quả giáo dục lại cao hơn…”, thầy Mạnh trao đổi.

Thầy Mạnh cũng cho biết, nhà trường không “ép” giáo viên khai thác tài nguyên số nhưng luôn khuyến khích và có định hướng trong việc khai thác, sử dụng. Mỗi tổ chuyên môn có thể thông qua và gửi các đường link phù hợp hoặc nội dung có thể khai thác đến từng giáo viên để tham khảo...

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường xuyên tải từ tài nguyên số các “trò chơi mà học” để đưa vào tiết dạy trực tuyến. Điều đó giúp cho bài giảng thêm phong phú, các em được giải trí nhưng vẫn học hiệu quả. Mặt khác, cô Phương cũng tham khảo quy trình hướng dẫn viết âm và một số bài giảng ở các môn học khác.

Theo TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bài giảng số và xây dựng kho học liệu số có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến thế nào hoặc được kiểm soát hoàn toàn thì việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục số vẫn hết sức cần thiết.

Nền tảng số phong phú hỗ trợ nâng cao hiệu quả cho bài giảng. Ảnh: Đức Trí
Nền tảng số phong phú hỗ trợ nâng cao hiệu quả cho bài giảng. Ảnh: Đức Trí

Để tài nguyên số phát huy hiệu quả

Ở góc độ người khai thác kho học liệu số, cô Nguyễn Thị Lan Phương bày tỏ: Kho học liệu khá phong phú song vẫn cần bổ sung để thuận tiện, hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình khai thác, sử dụng.

Có thể tăng cường các hướng dẫn liên quan đến hoạt động viết cho học sinh lớp 1 khi học trực tuyến. Hoặc với bộ SGK “Cùng học và phát triển năng lực” vẫn được dạy ở lớp 1 nhưng lên lớp 2 sáp nhập cần tăng cường các phần mềm học liệu để giáo viên khai thác, tránh tình trạng nghèo nàn tài nguyên số với bộ sách sử dụng ở diện hẹp hơn…

Để tài nguyên số phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ hữu ích trong quá trình dạy học, thầy Đào Chí Mạnh bày tỏ mong muốn có những hướng dẫn bài bản hơn (ví dụ như ở tập 1 SGK A, B có thể sử dụng, tham khảo những nội dung nào trong tài nguyên…); Khi tài nguyên số càng thân thiện, dễ sử dụng thì giáo viên càng được hỗ trợ, nhuần nhuyễn trong quá trình soạn và triển khai giáo án trên lớp.

Đưa ra lưu ý khi xây dựng bài giảng và kho học liệu số, TS Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh: Không đơn giản là việc số hóa (scan) những cuốn sách giáo khoa hay giáo trình có sẵn, cần hướng tới xây dựng các lớp học số dưới dạng khóa học đại chúng mở (Massive Online Open Courses – MOOCs) trên cơ sở tích hợp nhiều nguồn học liệu số khác nhau.

Lớp học số cần đáp ứng đủ các khâu, quy trình dạy học như giảng dạy số/trực tuyến, kiểm tra đánh giá, hoạt động tương tác trực tuyến… Do đó, khi xây dựng nguồn học liệu số phải đảm bảo sự phong phú, kết hợp được đầy đủ loại hình thông tin số để phát huy hiệu quả dạy học và cuốn hút HS nghiên cứu, học tập…

Tải các nền tảng trong kho học liệu số đều phải có sự chọn lọc kĩ càng, phù hợp, thiết thực… chứ không nhất nhất “bê” nguyên cả bài. Nhiều tài nguyên có thể ứng dụng được cả trực tuyến lẫn trực tiếp, GV có thể tham khảo và khai thác để hành trình dạy học thêm hiệu quả, thuận lợi… - cô Phương bày tỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ