Nguyên tắc an toàn khi ở chung cư
Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi sinh sống tại các tòa chung cư cao tầng, song ở đó lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt,... đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh...
Trẻ ở độ tuổi từ 3 -10 tuổi thường chưa ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình. Ở lứa tuổi này, trẻ thường ham chơi, hiếu động, đặc biệt là các bé trai thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá. Kể cả trong trường hợp có sự giám sát của người lớn thì cũng có thể chỉ vì vài phút lơ là sẽ không thể kiểm soát được tất cả các tình huống bất ngờ xảy đến.
Thực tế, sau rất nhiều bài học cảnh tỉnh, nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức hết được những nguy cơ tai nạn đối với trẻ nhỏ từ những ban công, cửa sổ không có thiết bị bảo vệ ở các căn hộ.
Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ khi ở chung cư, cha mẹ nên lưu ý:
- Căn hộ chung cư cần được thiết kế rào lan can đủ cao để đề phòng trường hợp trẻ em leo ra ngoài chơi.
Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh nên chủ động lắp lưới an toàn cho các lan can, ban công hoặc các loại cửa của căn hộ.
- Các bậc cha mẹ nên nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa bằng cách rà soát những đồ đạc, vật dụng, thiết bị trong nhà, loại bỏ những thứ có thể gây nguy hiểm cho con trẻ, để ngoài tầm với của trẻ.
Lưu ý không được để bàn, ghế, tủ... hay những thứ gì có thể để trẻ leo lên, té ngã, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
- Tuyệt đối không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình hoặc không có người lớn để mắt tới dù với bất kì lý do gì.
- Các kiến trúc sư cho rằng, lắp đặt lưới sắt an toàn cho ban công chung cư là việc nên làm, nhiều gia đình e ngại nó sẽ làm mất tính thẩm mỹ của căn nhà, tuy nhiên an toàn cho con người là trên hết.
Bạn có thể trang trí thêm bằng những giỏ hoa, cây xanh để không gian của ngôi nhà vừa đẹp hơn, vừa có thể đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
Cháu Trần Trường T. (3 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chó nhà cắn, được gia đình chuyển đến trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt nham nhở tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái, phải khâu 200 mũi. |
Đừng chủ quan với chó nhà
Gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm từ việc trẻ bị chó nhà tấn công gây thương tích nặng nề, thậm chí tử vong vì bị chó dại cắn. Nguyên nhân chính là sự lơ là, chủ quan của người lớn khi để trẻ tự do chơi đùa với động vật mà không có các biện pháp bảo vệ an toàn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong trường hợp không may bị chó tấn công, cần bình tĩnh và xử trí đúng cách:
- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.
- Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, không nên băng quá kín nếu không chảy máu.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày.
Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm văcxin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm văcxin.
Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Phải tiêm phòng dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.
Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm văcxin. Khi tiêm văcxin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại văcxin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.
Có thể đến Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm y tế dự phòng, Đội vệ sinh phòng dịch các quận huyện để tiêm phòng dại, riêng huyết thanh kháng dại chỉ đến Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mới có.
Lưu ý triệu chứng dại ở chó: Hung dữ khác thường; Nước dãi nhiều; Giọng sủa khàn; Liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết.
Triệu chứng dại của mèo giống của chó, nhưng mèo thích lánh vào chỗ tối, rất nguy hiểm.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng đầy đủ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, không thả chó nếu không có rọ mõm.
Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ. Không nên điều trị thuốc Nam khi bị chó, mèo dại cắn, vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.