Bên cạnh đó, đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa cũng cần tăng cường dữ liệu cho thầy trò trong trường học. Điều này đặt ra vấn đề về lựa chọn sách tham khảo, tư liệu chất lượng.
Cô Trần Thị Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ
Cô Trần Thị Luyến. |
Để kiểm soát sách tham khảo, lựa chọn tư liệu chất lượng trong trường học cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong mỗi nhà trường. Trường THCS-THPT Ban Mai đã tổ chức thực hiện những giải pháp như sau:
Thứ nhất, tổ chức lựa chọn bộ sách phù hợp, đi kèm là lựa chọn danh mục tài liệu tham khảo theo lứa tuổi, đặc điểm học sinh, đáp ứng yêu cầu cần đạt ở từng bộ môn.
Thứ hai, kết hợp các trường trong hệ thống xây dựng danh mục đọc và kỹ thuật đọc xuyên suốt, từ tiểu học đến THCS, THPT hình thành thói quen đọc và lựa chọn danh mục đọc phù hợp, chính thống.
Thứ ba, bộ phận thư viện xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc để triển khai suốt năm học, có lồng ghép các cuộc thi do phòng/sở GD&ĐT và chính quyền địa phương tổ chức như: “Thiếu nhi với Bác Hồ”, “Đại sứ văn hóa đọc”, nhận xét sách hay… Đồng thời kết hợp bộ phận chuyên môn để xây dựng danh mục đọc chính thống, tổ chức báo cáo và mời phụ huynh tham gia.
Thứ tư, tổ chuyên môn tổ chức thực hiện, rà soát danh mục tài liệu tham khảo, đưa vào phiếu học tập trong từng tiết, môn học để học sinh có định hướng tham khảo rõ ràng; phát huy sự chủ động học tập ở học sinh.
Thứ năm, cuối năm học, các bộ phận, tổ chuyên môn đánh giá, rà soát và có đề xuất cải thiện cho năm học tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 về quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ được tiếp cận với Internet từ sớm và thành thạo sử dụng thiết bị công nghệ. Dù mang lại nhiều lợi ích như mở ra tài nguyên học tập phong phú, giúp trẻ dễ dàng kết nối, trao đổi với bạn bè, Internet cũng ẩn chứa nhiều mối lo ngại mà bố mẹ cần nhận biết để phòng tránh cho con.
Do đó, Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc điều chỉnh Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT, bổ sung quy định về dán nhãn sách, nội dung trên mạng cho từng độ tuổi. Đồng thời, tăng cường phối kết hợp chặt chẽ của phụ huynh; đồng hành, định hướng từ thầy cô trước các nội dung được cho là nhạy cảm, hiện tượng xã hội phức tạp để ngăn chặn, giúp trẻ phòng, tránh, đảm bảo nguồn tư liệu phù hợp lứa tuổi.
Cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Trang bị nhận thức về nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng
Cô Nguyễn Phương Hoa. |
Thực tế, việc cấm trẻ em, học sinh sử dụng Internet rất khó. Vì vậy, cần giúp các em hiểu đúng và làm chủ Internet, mạng xã hội.
Tôi cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả nhất là trang bị cho học sinh nhận thức về các nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng; từ đó giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, giúp đỡ, hỗ trợ của thầy, cô và phụ huynh…
Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh trên quy mô toàn trường. Nội dung và hình thức truyền thông cần sinh động, hấp dẫn và gần gũi. Theo đó, có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền thông hoặc thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ. Các trường cung cấp điện thoại đường dây nóng, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và địa chỉ liên hệ của cơ sở bảo trợ xã hội, đơn vị bảo vệ chăm sóc trẻ em hoặc các tổ chức tư vấn…
Giáo viên, phụ huynh không chỉ hướng dẫn thao tác, kỹ năng, mà cần chia sẻ với trẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ, các tình huống tiềm ẩn nguy cơ không lành mạnh trên môi trường mạng. Từ đó, giúp các em nhận thức về trách nhiệm của mình với an ninh mạng và ứng xử văn minh trên không gian mạng.
Cùng đó, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho giáo viên trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội. Trên cơ sở này, giáo viên sẽ hướng dẫn, định hướng học sinh khai thác sử dụng Internet có chủ đích, hiệu quả và an toàn.
Về phía cơ sở giáo dục, có thể tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội trong thực hiện lồng ghép chương trình bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Mặt khác, các trường có thể lồng ghép vào chương trình giáo dục một số kỹ năng cơ bản khi sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; phấn đấu mỗi năm học bố trí 1 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho học sinh và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet.
Cùng đó, hướng dẫn phụ huynh cách quản lý con khi tham gia mạng Internet. Có một số mẹo giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, chẳng hạn như: Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt; cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; che/tắt webcam khi không sử dụng.
Phụ huynh cần dành thời gian với trẻ trên mạng. Theo đó, có thể cùng trẻ khám phá các trang web, mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng; nói chuyện với trẻ về cách báo cáo những nội dung không phù hợp. Việc giao tiếp cởi mở sẽ giúp trẻ an toàn khi tiếp cận tài liệu trên không gian mạng.
Hãy nói với con rằng, nếu khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi khi trải nghiệm trên mạng có thể trò chuyện với bố mẹ. Phụ huynh cần chú ý một số dấu hiệu phiền muộn ở trẻ như: Thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến. Từ đó có giải pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thái Bình): Giáo viên, tổ chuyên môn có vai trò quan trọng
Ông Nguyễn Viết Huy. |
Quy định về nội dung xuất bản phẩm, đặc biệt dành cho trẻ em được nêu trong Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông; quy định về sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục được nêu trong Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, để hạn chế việc sử dụng các xuất bản phẩm có chất lượng chưa tốt trong nhà trường cần lựa chọn nguồn sách tham khảo, tư liệu có chất lượng; sử dụng hiệu quả nguồn sách tham khảo, tư liệu đó trong dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Đối với giáo viên và tổ chuyên môn: Nghiên cứu, lựa chọn, thống nhất đề xuất với nhà trường các tài liệu tham khảo có chất lượng, đảm bảo chính xác về lịch sử, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc; phù hợp thuần phong, mỹ tục Việt Nam, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực học sinh.
Khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá cần chắt lọc những nội dung tương đương thể loại, kiểu văn bản học sinh đã được học trong chương trình, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực theo Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn.
Đối với thủ trưởng cơ sở giáo dục: Cần nắm chắc tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018; chỉ đạo tổ chuyên môn làm tốt công tác lựa chọn và sử dụng hiệu quả tài liệu tham khảo trong dạy học, kiểm tra, đánh giá; bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan quản lý cấp trên trong công tác ra đề kiểm tra đảm bảo quy định (xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra). Chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng ngữ liệu mở, thường xuyên cập nhật, chuẩn hóa và được thẩm định để sử dụng trong kiểm tra, đánh giá tại cơ sở giáo dục.
Có ý kiến cho rằng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cần thêm quy định về dán nhãn sách, nội dung trên mạng xã hội cho từng độ tuổi… Thực tế, yêu cầu về thông tin ghi trên xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) đã được quy định tại Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, nhãn dán không bắt buộc mà chỉ là hình thức khuyến cáo, trợ giúp người đọc chọn sách và được các nhà xuất bản thực hiện. Đối với các xuất bản phẩm được giới thiệu trong cơ sở giáo dục, giáo viên cần nghiên cứu kỹ để giới thiệu cho nhà trường và học sinh các tài liệu có chất lượng, phù hợp khả năng nhận thức và chương trình môn học, đặc biệt các nội dung được cho là nhạy cảm. Cung cấp kịp thời đến phụ huynh các thông tin về xuất bản phẩm tham khảo để cùng phối hợp, đồng hành với học sinh trong quá trình sử dụng.
TS Cao Xuân Liễu - Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục): Tạo “vắc-xin” phòng ngừa cho trẻ
TS Cao Xuân Liễu. |
Trẻ em cần được tiếp cận các tài liệu trên không gian mạng an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, phụ huynh không thể “sàng lọc” cho trẻ mãi.
Cách tốt nhất là tạo ra “vắc-xin” phòng ngừa tác động tiêu cực, để trẻ có thể “miễn dịch” với những “virus” gây hại. Muốn vậy, cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ về những tác hại của các thông tin không tốt; đồng thời trang bị cho các em kỹ năng phòng tránh cám dỗ trước những thông tin tiêu cực trôi nổi trên không gian mạng.
Hiện, Thông tư 21/2014/ TT-BGDĐT khá rõ ràng, bao trùm các nội dung liên quan đến quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm, tham khảo trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, với sự phát triển về công nghệ cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, tâm lý lứa tuổi hiện nay, Thông tư cần có những điều chỉnh để không bị lỗi thời.
Dán nhãn sách, thông tin trên mạng xã hội là việc nên và cần thiết làm để học sinh cũng như phụ huynh có thể kiểm soát; đồng thời hỗ trợ các em trong việc tìm kiếm, định hướng và phân loại nội dung tiếp cận, truy cập. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhiều hơn là cách thức và công cụ kiểm duyệt. Làm sao để các em không thể tiếp cận thông tin, tài liệu độc hại (tài liệu bị dán nhãn mác không phù hợp). Để làm được điều này, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Song trên hết, nhà trường, thầy, cô giáo, phụ huynh và các lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát học sinh tiếp cận các tài liệu trên Internet. Cần giáo dục các em biết phân loại các thông tin được dán nhãn, song cách làm cần cẩn trọng, khéo léo vì nếu không tinh tế có thể gây nên tò mò, hiếu kỳ. Vô hình trung sẽ kích thích các em tìm tòi thông tin nhạy cảm đó bằng mọi cách.
Đặc biệt, gia đình không nên đứng ngoài cuộc trong việc định hướng các thông tin phù hợp cho con cái. Phụ huynh có thể trao đổi, phối hợp với giáo viên về tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Qua đó, giúp các em tiếp thu thông tin đơn giản, nhẹ nhàng hơn và hiệu quả; trên hết là trong sáng, an toàn và lành mạnh.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sửa đổi Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT “Quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên”; đồng thời bổ sung quy định về dán nhãn sách, nội dung trên mạng xã hội cho từng độ tuổi… - Cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội)