Tác phẩm nổi tiếng của họa sư Nam Sơn sắp lên sàn đấu giá

GD&TĐ - 'Chân dung mẹ tôi' - một trong những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng nhất của danh họa Nam Sơn sẽ lên sàn đấu giá Art Research Paris vào ngày 30/3.

Các ngón tay thể hiện một cách thần tình, tinh tế len vào giữa những trang sách.
Các ngón tay thể hiện một cách thần tình, tinh tế len vào giữa những trang sách.

“Chân dung mẹ tôi” - một trong những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng nhất của danh họa Nam Sơn sẽ lên sàn đấu giá Art Research Paris vào ngày 30/3 tại Paris (Pháp).

Thông tin trên được nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết vào sáng 28/2. Ngay sau đó, giới mỹ thuật đã xôn xao bàn luận ở nhiều khía cạnh về một kiệt tác hội họa.

Tác phẩm đỉnh cao

Nam Sơn là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Nam Sơn là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

“Lần đầu tiên, một danh tác sơn dầu của họa sĩ Nam Sơn được đưa lên sàn đấu giá. Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam, “Chân dung mẹ tôi” xứng đáng được hiện diện trong những bộ sưu tập hoặc bảo tàng lớn nhất trên thế giới”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tác phẩm “Chân dung mẹ tôi” từng tham gia triển lãm thuộc địa Paris vào năm 1931.

Báo cáo tham gia triển lãm của Victor Tardieu ghi rằng: “Trong số các tác phẩm hội họa, chúng tôi sẽ nói đến trước hết bức “Chân dung mẹ tôi” của Nguyễn Nam Sơn, học trò đầu tiên của người sáng lập trường, trước đó là trợ lý và hiện là giáo sư của trường”.

Sau khi trưng bày tại Triển lãm Thuộc địa Paris 1931, “Chân dung mẹ tôi” tham dự triển lãm tại Salon Hội Nghệ sĩ Pháp năm 1932, trưng bày tại sảnh XXV tại Đại Cung Điện, được phân loại theo mục “Hội họa”, dưới số hiệu 1804 trong lưu trữ của Hội Nghệ sĩ Pháp, in trong vựng tập “Salon 1932”, trang 90, và minh họa trên trang 86.

Dưới sự chủ tọa của họa sĩ Denis Etcheverry, hội đồng giám khảo Salon 1932 đã họp mặt ngày 13/5/1932, “Chân dung mẹ tôi” xướng danh Huy chương Bạc 1.

Sau đó, tác phẩm thuộc bộ sưu tập cũ của ông Sambuc - Chủ tịch Société des Français d'Indochine (Hội người Pháp tại Đông Dương). Gia đình ông mua lại tác phẩm này vào ngày 21/2/1933 theo thư của Blanchard de la Brosse - Giám đốc Nha Đông Dương Kinh tế Cục, viết cho Victor Tardieu (Lưu trữ “Victor Tardieu”, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp).

“Chân dung mẹ tôi” được giới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Nguyễn Nam Sơn.

Họa sĩ Nam Sơn tự học sơn dầu rất sớm. Tại Hà Nội vào đầu thế kỷ 20, những cuộc đấu xảo được tổ chức, là những sự kiện làm nổi bật đời sống văn hóa và nghệ thuật xứ sở Đông Dương.

Nam Sơn tham gia triển lãm với những tấm tranh sơn dầu, như: Nhà nho xứ Bắc, Tĩnh vật… Ông cũng trở thành một trong những người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam.

Nhận thấy kỹ thuật vẽ sơn dầu tuy tự học nhưng có rất nhiều triển vọng nên trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Nam Sơn, Victor Tardieu đã quyết định chấp nhận hướng dẫn chàng trai trẻ đầy đam mê ấy vào con đường nghệ thuật.

Cuộc hạnh ngộ bất ngờ đó đã đưa hội họa Việt Nam - vốn dĩ có nhiều ảnh hưởng từ Trung Hoa, tạo bước ngoặt lịch sử cho nền móng nghệ thuật Việt Nam dẫn tới sự thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1924.

Sự đặc biệt của kiệt tác

Tác phẩm 'Chân dung mẹ tôi' vẽ năm 1930 - chất liệu sơn dầu, kích thước 170 x 103,5cm.

Tác phẩm 'Chân dung mẹ tôi' vẽ năm 1930 - chất liệu sơn dầu, kích thước 170 x 103,5cm.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết, bức tranh sơn dầu “Chân dung mẹ tôi” có kích thước 170 x 103,5cm, vẽ cụ Nguyễn Thị Lân - mẹ họa sĩ Nam Sơn, ngồi một cách uy nghi trên ghế.

Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Kim Khánh “Tiết hạnh khả phong” do vua Bảo Đại ban năm 1927, trên gối tay cầm quyển kinh.

“Nhìn chung, không có màu sắc rực rỡ, tất cả hiện lên nét dè dặt, chừng mực, trang nghiêm. Nền tranh màu vàng đất, với nhiều sắc thái, cho chúng ta cảm tưởng đó là một bức tranh đã cũ, cổ kính với thời gian.

Áo của bà được vẽ với nhiều sắc xanh khác nhau, trên cùng một gam màu, hiện rõ nét sơn dầu, phương pháp Tây phương, ảnh hưởng của hai người thầy của mình là Victor Tardieu và Jean-Pierre Laurens, nhưng bố cục của tranh hoàn toàn có nét Đông phương, theo phong cách tranh thờ”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho hay.

Ông Khôi cũng cho biết, trên tác phẩm này ở phía bên phải vế trên có dòng chữ 家慈近像 - Gia Từ Cận Tượng, viết theo chữ Hán cổ - nghĩa là “chân dung gần đây của mẹ tôi” (Cha gọi là “nghiêm” - 嚴, mẹ gọi là “từ” - 慈).

Bên trái tác phẩm ở phía dưới, ghi: 南子阮文壽拜畫 - Nam Tử Nguyễn Văn Thọ bái họa, nghĩa là “con trai Nguyễn Văn Thọ lạy phục xuống vẽ”. Lạy phục ở đây theo nghĩa cung kính.

Lẽ ra, “con trai” phải viết là 男子, nhưng ông có biệt hiệu là Nam Sơn (南山), hai chữ 南 và 男 đều đọc là “Nam”, hoặc ông quen tay viết chữ 南 trong biệt hiệu của mình, hoặc phải hiểu là “con trai hiệu là Nam, tên Nguyễn Văn Thọ, lạy phục xuống vẽ”.

Ở bên phải, phía dưới bức tranh có ghi “Nguyễn Nam Sơn, Hà Nội, 1930”. Phía sau tranh, trên thanh khung nằm ngang dán một nhãn bằng giấy, trên đó là những thông tin dành cho triển lãm năm 1932 do chính tay Victor Tardieu viết.

“Đặc biệt, cái bóng dưới người mẹ - được đặt trên bục gỗ của ghế ngồi. Độ dày màu trắng của đế giày chắc chắn thu hút ánh nhìn cúi xuống - phải chăng đây là sự khéo léo của tác giả, đảm bảo việc người ta sẽ không quên cúi đầu trước mẹ của ông”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi phân tích.

Là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật, nhưng tác phẩm của họa sư Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập. Để có một bộ sưu tập tranh Đông Dương hoàn hảo, bắt buộc ít nhất phải có một bức của Nam Sơn.

Theo thông tin từ nhà đấu giá, “Chân dung mẹ tôi” sẽ chính thức lên sàn - dự kiến vào hồi 15 giờ (21 giờ Việt Nam) ngày 30/3. Mặc dù các thông tin liên quan đến giá khởi điểm chưa được tiết lộ, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn - tác phẩm nổi tiếng này có thể bùng nổ về giá vì sự quan tâm rất lớn của các nhà sưu tập khắp thế giới.

Tranh Việt lên sàn đấu giá quốc tế là tín hiệu vui cho nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, sẽ là một nỗi buồn nếu những kiệt tác hội họa cứ mãi nằm trong bộ sưu tập hải ngoại. Bởi vậy, giới mỹ thuật luôn hi vọng sẽ có một nhà sưu tập Việt đủ tiềm lực và đam mê sở hữu kiệt tác của họa sư Nam Sơn - sau 90 năm xa hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ