Biến động ở các bảng xếp hạng
Có rất nhiều tiêu chí để xác định chất lượng của một trường đại học. Đó có thể là số lượng sinh viên tuyển sinh, chất lượng cử nhân đầu ra hay đội ngũ giảng viên, giáo sư, nghiên cứu viên. Tuy nhiên, để nhanh chóng xác định chất lượng cũng như thứ hạng của các trường đại học thì các chuyên gia trong ngành lẫn các sinh viên vẫn sử dụng các bảng đánh giá, xếp hạng các trường đại học uy tín như QS hay Times Higher Education. Dù trên thực tế còn nhiều tranh cãi xoay quanh các bảng xếp hạng này về phương pháp, cách thức đo lường nhưng xét trên tổng thể nó vẫn là tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho các sinh viên khi cần lựa chọn ngôi trường mà mình theo học.
Vẫn được thông báo công khai như các năm trước nhưng bảng xếp hạng hàng đầu QS năm nay lại gây nhiều sự chú ý khi cho thấy rất nhiều sự biến động trong thứ tự xếp hạng của các trường, đặc biệt ở những trường ở nhóm giữa. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện ồ ạt của những ngôi trường từ châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Theo đó, ở nhóm 20 thì ngoài sự trở lại của Đại học Quốc gia Úc, các thứ hạng còn lại không có nhiều thay đổi với 3 cái tên dẫn đầu là Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford và Đại học Harvard. Thế nhưng ở top 100 lại có sự xuất hiện của những ngôi trường đến từ châu Á, nổi bật nhất là Đại học Triết Giang và Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hai ngôi trường tăng hơn 75 bậc chỉ trong vòng 5 năm. Với sự xuất hiện của hai ngôi trường này, Trung Quốc hiện đã có 6 ngôi trường trong top 100.
Ở top 100 cũng chứng kiến sự biến mất của những trường đại học đến từ các cường quốc giáo dục như hai trường của Mỹ, hai trường của Anh và một trường của các quốc gia châu Âu khác như Phần Lan, Đức, Thụy Điển. Sự thất thế của giáo dục phương Tây cũng được thể hiện ở top 200 khi hai trường đại học của các cường quốc giáo dục như Canada, Hà Lan, Anh, Mỹ lần lượt “biến mất”. Ở những nhóm dưới, từ thứ hạng 400 đến 500 thì có gần 10 trường đại học của Mỹ và các quốc gia châu Âu rớt đến 50 hạng và lọt khỏi top 500.
Đáng ngạc nhiên khi thay thế các vị trí này là các trường đại học của châu Á như Đại học Bombay, Ấn Độ, tăng 40 hạng từ 219 lên 179, và các trường đại học của Hàn Quốc và Hồng Kông (TQ).
Không chỉ các quốc gia có tiềm lực mạnh về giáo dục từ nhiều năm trước khi Singapore, Ấn Độ hay Trung Quốc, mà ngay cả các quốc gia mới phát triển mạnh giáo dục trong một vài năm trở lại đây như Malaysia, Thái Lan cũng đã có những trường đại học bứt phá để nằm trong top 400 hay 500 sau khi tăng từ 40 đến 50 bậc trong suốt 3-4 năm qua.
Như vậy trong trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học thế giới năm nay thì châu Á có hơn 250 đại diện, trong đó ở thứ hạng từ 500 đến 1.000 có đến 119 trường đại học thuộc các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Điều đáng nói là đa số những trường này đều chỉ mới xuất hiện trong một vài năm gần đây và có tốc độ gia tăng thứ hạng rất nhanh. “Ở các nhóm hạng từ 500 đến 1.000 hay từ 401 đến 500 dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của các trường từ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Và việc các trường này lọt vào top 400 chỉ là vấn đề thời gian với tốc độ tăng trưởng như hiện nay”, trích báo cáo công bố bảng xếp hạng các trường đại học QS.
Sự chuyển đổi
Bên cạnh sự chuyển biến các thứ hạng giữa các quốc gia thì bảng đánh giá các trường đại học QS cũng cho thấy sự chuyển biến trọng tâm giáo dục ở giai đoạn hiện tại, khi mà phương Tây không còn là khu vực tập trung giáo dục duy nhất trên thế giới như trong nhiều thập kỷ qua mà đã chuyển hướng sang các khu vực khác, mà rõ ràng nhất là khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Nếu như trong bảng xếp hạng QS năm 2010, ở top 400 chỉ có hơn 40 quốc gia có đại diện xuất hiện trong bảng xếp hạng thì đến năm 2017, con số này đã lên đến 50. Tương tự, so với năm 2010 thì số trường đại học xuất hiện trong top 400 năm 2017 của các quốc gia Nam Mỹ và Tây Âu đã giảm đi 23 trường, trong khi con số này của các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương đã tăng lên 8 so với năm 2010. Không chỉ gia tăng về số lượng mà thứ hạng của các trường đại học của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Hồng Kông (TQ) cũng đã gia tăng đáng kể để tiếp cận những top 100 hay 200. Trong khi đó, các trường đại học tại Anh hay Mỹ dù vẫn đang thống trị bảng xếp hạng nhưng thứ hạng đã có chiều hướng sụt giảm đi đáng kể so với 10 năm trước.
Sự chuyển biến này bắt nguồn từ khoảng 2-3 năm về trước, khi mà nền kinh tế thế giới cũng bắt đầu có những sự chuyển dịch đáng kể. Các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ, Đức với vị thế dẫn đầu của mình bắt đầu có những thay đổi để xóa bỏ hiện trạng được gọi là phát triển bão hòa trong giáo dục.
Trong khi đó những quốc gia châu Á, sau một khoảng thời gian loay hoay tìm định hướng phát triển giáo dục đã kịp tiếp nhận các xu thế giáo dục mới của thế giới để tạo ra sức phát triển vượt trội. Bên cạnh đó, khi mà các quốc gia châu Á dần nhận ra tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế thì các khoản đầu tư cũng nâng cao, tạo những bước đà phát triển mạnh mẽ. Điển hình nhất cho mô hình này là Trung Quốc và Ấn Độ, khi ngân sách của hai quốc gia này dành cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác nghiên cứu là rất lớn.
Cuối cùng nhưng có vai trò rất quan trọng, đó chính là sự phát triển mạnh mẽ của những tầng lớp siêu giàu tại châu Á kết hợp với xu hướng quốc tế hóa giáo dục. Trước đó, như một nét truyền thống văn hóa, người châu Á luôn có tư tưởng cho con em du học sang các quốc gia phương Tây để có một nền giáo dục chất lượng.
Tư tưởng này càng bùng nổ khi thu nhập của các gia đình tại một số quốc gia châu Á được tăng cao nhờ tốc độ phát triển kinh tế nổi bật, đặc biệt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Tất cả những yếu tố này giúp cho châu Á sở hữu những ngôi trường đại học chất lượng cao, đội ngũ giảng dạy, quản lý có chuyên môn và được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu thế giới, từ đó từng bước khẳng định tiềm lực của giáo dục châu lục so với phương Tây.
Bên cạnh đó, theo xu hướng đầu tư kinh tế hiện nay, khi mà các quốc gia phương Tây chọn những đối tác đầu tư đến từ Trung Đông, Đông Nam Á hay khu vực Ả rập để hợp tác các dự án trong tương lai, giáo dục cũng nằm trong xu hướng đó. Một thực trạng hiện tại là các trường đại học, các tổ chức giáo dục quốc tế luôn sang châu Á và tìm đến các quốc gia mà họ cho là tiềm năng để phát triển giáo dục trong tương lai để đầu tư phát triển.
Đó cũng chính là lý do vì sao những trung tâm phức hợp giáo dục lớn và quan trọng hàng đầu thế giới sẽ được đặt tại các quốc gia châu Á như Singapore, UAE và Trung Quốc. Điều này một lần nữa lý giải cho nguyên nhân vì sao các trường đại học hàng đầu tại Mỹ hay châu Âu tụt hạng một cách nhanh chóng trong những bảng đánh giá và không có dấu hiệu khôi phục lại vị trí mà mình từng vươn đến trong quá khứ.
Trong khi đó các trường đại học tại châu Á, nhờ vào kế hoạch hợp tác, lại cho thấy những cú bứt phá vô cùng ngoạn mục và có xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới. “Những kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở nước ngoài của những trường đại học phương Tây dù đang mang lại những lợi ích về danh tiếng, lợi nhuận và tiềm năng nghiên cứu cho trường nhưng cũng đã tạo ra những bước đà phát triển cho giáo dục tại khu vực châu Á, khu vực trọng tâm giáo dục mới đang được các cường quốc giáo dục, các trường đại học hàng đầu thế giới đầu tư, hợp tác phát triển”, Angel Calderon, cố vấn cao cấp tại Đại học RMIT, Úc, nhận định.
Từ những năm 2010, giáo dục đại học châu Á bắt đầu phát triển và tạo ra nhiều thành tích ấn tượng không chỉ trong các kỳ thi đánh giá chất lượng quốc tế mà ở những công trình nghiên cứu khoa học hay học thuật. Khi xu hướng toàn cầu hóa được đẩy mạnh cùng với tình hình kinh tế châu Á có nhiều khởi sắc sẽ tạo ra những bước đẩy mạnh mẽ giúp giáo dục châu Á không chỉ là nguồn cung du học sinh cho thị trường giáo dục phương Tây mà đang từng bước trở thành một thế lực mới trong bản đồ giáo dục toàn cầu.