Học sinh bỏ lớp, giảng viên bỏ trường
Bộ Giáo dục Syria gần đây đã đưa ra nhiều chỉ thị nhằm phạt nặng những học sinh đã làm giả bằng cấp nhưng trên thực tế, những chỉ thị này chỉ “để làm cảnh”.
Số liệu thực về lượng người làm giả bằng cấp vẫn chưa được công bố và nhu cầu làm giả giấy tờ không chỉ bắt nguồn từ ý đồ gian lận, mà do sự thất lạc những giấy tờ đó trong chiến tranh trong khi sinh viên cần những giấy tờ này để tiếp tục đi học hay xin việc.
Hơn 100.000 học sinh vẫn đang tìm kiếm những lựa chọn khác thay vì theo học ở Syria, và hàng ngàn sinh viên khác đang nộp đơn vào các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Li-băng.
Các nhân viên Bộ Giáo dục Syria cho biết, giấy tờ giả không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề tệ hơn là ngân sách eo hẹp, tìm giảng viên có năng lực và cập nhật giáo trình dạy học - trong khi sinh viên mới ra trường thiếu trầm trọng cơ hội làm việc.
Ở một số trường đại học của Syria, không đến 10% sinh viên tiếp tục đến lớp. Nhiều người lựa chọn theo học ở các cơ sở không yêu cầu học viên phải đến lớp để có thể tìm thêm việc kiếm sống. Các cơ sở này phần đông đào tạo ngành khoa học, xã hội và nhân văn, những ngành không thể đảm bảo một công việc trong hiện tại hoặc tương lai sau chiến tranh, khi mà người ta cần những công nhân lành nghề để tái xây dựng đất nước.
Không chỉ có sinh viên không đến lớp, những giáo sư hàng đầu phần lớn đã rời bỏ các trường đại học. Ít nhất là 30% đã rời bỏ vị trí, thậm chí một số trường tỉ lệ này là 70%. Để bù lấp, chính phủ đã điều động cả những giáo viên chỉ có bằng thạc sĩ và đôi khi là cả bằng cử nhân.
Viễn cảnh đen tối
Hậu quả là chất lượng đào tạo giảm sút. Ngay cả khi học sinh lấy được bằng thật thì vẫn bị coi là thiếu kiến thức để xin việc làm.
Trong một phỏng vấn với website Al-Fanar của Syria – trang web chuyên xử lý các vấn đề giáo dục ở các nước Ả Rập, một viên chức của chi nhánh Công ty Điện thoại Syriatel nói rằng trong hơn 200 ứng viên xin việc, chỉ có 4 người phù hợp.
Tình cảnh của những học sinh đi tị nạn cũng không khá hơn là bao. Ở Jordan, họ có thể đi học đại học, nhưng bắt buộc phải học lại những phần mà mình đã bỏ lỡ. Ở Li-băng, sinh viên không thể chính thức theo học một trường đại học vì Li-băng chỉ cho những người tị nạn này ở lại với giấy tờ “tạm trú”, thay vì tị nạn.
Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất có các chương trình đặc biệt cho học sinh Syria sống trong các trại tị nạn. Những học sinh này phải biết tiếng Thổ trước khi được nhận vào các trường đại học, và chính quyền đã điều giáo viên tới các trại tị nạn để dạy cho những ai muốn theo học.
Tuy nhiên, nhiều người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ không sinh sống ở các trại và không nhận được dịch vụ giáo dục của chính phủ nước này. Họ gần như không có cơ hội theo học cao hơn trừ khi họ di cư tới những quốc gia như Đức hay Thụy Điển – nơi hệ thống có tổ chức hơn nhiều và bao gồm các chương trình dự bị và giáo trình có thể đảm bảo đầu ra.
Trợ cấp chính phủ cho các trường đại học đã giảm tới 3/4 từ năm 2010 đến 2017, và lương trung bình của một giảng viên chỉ khoảng 150 USD/tháng.
Chi phí làm một đề án tốt nghiệp ngành kĩ sư và xây dựng từ 400 đến 1.000 USD, một khoản tiền tiền khổng lồ đối với sinh viên không có học bổng – dẫn đến việc nhiều người từ bỏ luôn đề án tốt nghiệp của mình.