Bước trượt dài của giáo dục Syria

GD&TĐ - Từng có nền giáo dục tương đồng với những quốc gia phát triển ở Đông Nam Á, giáo dục Syria đã trở thành vùng trũng nhất thế giới sau 5 năm nội chiến…

Lớp học trong một trại tị nạn dành cho trẻ Syria tại Libang
Lớp học trong một trại tị nạn dành cho trẻ Syria tại Libang

Thiệt thòi phận dân tị nạn

“Cháu định nghĩa thế nào là một người tị nạn?”. Câu trả lời của Maria, 16 tuổi, chạy tị nạn từ Aleppo, Syria, tới Libang năm 2012 là: “Đó là người không có tiền và mọi chi phí sinh hoạt đều nhờ vào trợ cấp.

Cháu chắc chắn người tị nạn không được sống trong một căn hộ riêng, học một trường tốt và mua sắm theo nhu cầu của mình”.
Maria là một trong khoảng 1,1 triệu người tị nạn Syria hiện đang sống tại Libang, theo thống kê chính thức của Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR).

Khoảng một nửa người tị nạn tại Libang dưới 18 tuổi, với khoảng 470.000 trẻ tị nạn trong độ tuổi tới trường. Hầu hết số này đều khó khăn để có thể thích nghi với chương trình giáo dục khác biệt.

Trước chiến tranh, hệ thống giáo dục Syria có thứ hạng ngang với những quốc gia như Malaysia và Thái Lan. Theo thống kê của UNESCO, 91% toàn bộ trẻ em Syria được đến trường, tỉ lệ cao hơn cả mức trung bình của các quốc gia Arab.

Hiện nay, tỉ lệ đi học trong 4,8 triệu trẻ em Syria trong độ tuổi đến trường, tính cả trẻ sống tại Syria hoặc các nước láng giềng, đã giảm mạnh chỉ còn ở mức 38%. Mức này thậm chí còn thấp hơn tỉ lệ của một trong những khu vực kém phát triển nhất thế giới là vùng hạ Sahara châu Phi.

Trường học đứng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng, đặt mạng sống của trẻ em và giáo viên trong mối đe doạ thường trực – đánh giá của tổ chức Save the Children, một tổ chức phi chính phủ của Anh. Hơn 18% trường học của Syria đã bị bắn phá, phá huỷ, sử dụng cho mục đích quân sự hoặc làm nơi trú tạm cho người tị nạn.

Tia sáng nơi đường hầm

Giấc mơ được đến trường dường như là điều xa xỉ với trẻ sống trong khu vực chiến tranh, nơi thiếu giáo viên, sách giáo khoa và trường học. Tuy nhiên tại Syria vẫn có những ngôi trường là hy vọng cho người tị nạn. Đó là những trường học được Cơ quan cứu trợ LHQ (UNRWA) lập nên.

“Giáo dục được phổ cập rộng rãi tại Syria trước năm 2011” – Wardeh, một phụ nữ trẻ ở tuổi 20 sống tại Damascus, nhớ lại – “Điều duy nhất tôi chê là nhà trường quá tập trung vào học thuộc lòng những kiến thức giáo điều trong sách”.

Wardeh là một người tị nạn Palestine tại Syria và được học trong một ngôi trường của UNRWA. “Các trường học của UNRWA tốt hơn nhiều các trường của Syria” – Wardeh giải thích – “Tôi học học từ lớp 1 đến lớp 9 tại trường UNRWA và sau đó tiếp tục học ở một trường phổ thông công lập Syria. Chất lượng giữa 2 loại trường khác hẳn nhau”.

Một số tổ chức Liên Hợp Quốc, tổ chức NGO và đối tác chính phủ đã khởi động chương trình "No Lost Generation" vào năm 2013. Các tổ chức này đầu tư vào giáo dục cho trẻ em Syria để trang bị cho các em kỹ năng và ý thức trách nhiệm công dân. Từ đó, các em có thể xây dựng lại xã hội bị tàn phá của mình.

Trong khi đó, quỹ Malala Fund, được thành lập bởi Malala Yousafzai - nữ sinh đoạt giải Nobel - hỗ trợ giáo dục cho 200 trẻ em gái tị nạn người Syria ở Libang và đẩy mạnh chương trình học tập thay thế không chính thức cho các bé gái Syria đang tị nạn ở Jordan.

Hậu quả sau 5 năm nội chiến

Gần 50% dân số Syria phải tản cư, tức 11 triệu trên tổng số 22,85 triệu dân. Hơn 3 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng. Số người cần cứu trợ nhân đạo tăng gần 1/3 trong năm 2014, từ 9,3 triệu lên 12,2 triệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.