Syria: Giáo dục cứu vãn tương lai trẻ em

GD&TĐ - Trong khi xung đột, bạo lực và di tản đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, trẻ em vẫn kiên định với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn ở Trường Shuhada Miskan, nằm trong trại tị nạn Yazi Bagh ở vùng Tây Bắc Azaz của Syria.

Các em HS Trường Shuhada Miskan vẫn kiên định học tập trong điều kiện khắc nghiệt, với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Daily Sabah
Các em HS Trường Shuhada Miskan vẫn kiên định học tập trong điều kiện khắc nghiệt, với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Daily Sabah

Lớp học trong trại tị nạn

Trao đổi với phóng viên của Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency (AA), cô Iman Mustafa Zaydan - một giáo viên tại Trường Shuhada Miskan, nơi có khoảng 350 HS đang theo học với lớp học là các container và những túp lều tạm - cho biết HS của cô vẫn yêu thích học tập, bất chấp mọi rủi ro.

“Thời tiết ở đây, vào mùa hè rất nóng và bụi bặm; mùa đông thì rất lạnh và lầy lội. Hầu như không có chút cơ sở hạ tầng tối thiểu nào trong trường; HS buộc phải băng qua khoảng sân bụi mù hoặc lội qua bùn lầy để vào lớp học. Các em không có không gian để vui chơi sau mỗi giờ học”, cô Zaydan nói.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cung cấp sự ủng hộ nhân đạo, chính trị và quân sự cho phe đối lập ôn hòa của Syria, ngay sau khi các cuộc biểu tình chống chế độ bắt đầu vào năm 2011 và duy trì vai trò đồng minh ổn định kể từ đó. Nhưng ảnh hưởng của Ankara chỉ thực sự rõ ràng hơn vào năm 2016, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) phát động chiến dịch lá chắn Euphrates, chống lại phiến quân Daesh dọc biên giới ở miền Bắc Syria.

Sau thành công của chiến dịch này, các thị trấn phía Bắc Syria, bao gồm Jarablus, al-Rai, al-Bab, Dabiq và Azaz được giải phóng hoàn toàn khỏi các phiến quân Daesh. Vào tháng 1/2018, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khởi động Chiến dịch Cành Ô liu, đẩy lùi lực lượng của tổ chức PKK, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) chi nhánh Syria, tại khu vực phía Đông Bắc tỉnh Afrin.

Phía Bắc của Syria, đặc biệt là các thị trấn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn đã thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, sau hai hoạt động quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Hàng triệu người chạy trốn khỏi các khu vực xung đột khác đã đi về phía Bắc để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Dù tính mạng được bảo đảm hơn, nhưng họ vẫn phải sống trong các túp lều tạm hoặc trong các tòa nhà xuống cấp, hầu hết phụ thuộc vào viện trợ để tồn tại. Xung đột, bạo lực và di tản dẫn đến sự bất thường trong cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc tiếp cận GD của trẻ.

Niềm tin vào tương lai

Maryam, 9 tuổi, một trong những HS của cô Zaydan, nói rằng em rất thích dành thời gian ở trường. “Mặc dù trường học rất lầy lội, nhưng em thực sự thích đi học và yêu các giáo viên của mình. Em đang hưởng thời gian tuyệt vời ở nơi này” - Maryam chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng giáo viên chính là thần tượng của mình. “Em cũng muốn trở thành một giáo viên khi lớn lên” - cô bé nói, với một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt xinh xắn.

Các trường học đã được cải tạo và một bệnh viện đang được xây dựng ở Azaz. Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp người dân địa phương xây dựng các cơ sở dầu ô liu - cây trồng chủ lực ở đây, nơi nông nghiệp là nguồn thu nhập chính. Một bưu điện đã được mở trong khu vực, do Tổ chức Bưu chính và Điện báo (PTT) Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Nhờ những nỗ lực này, cho đến nay, hơn 260.000 người Syria vốn di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ đã trở về Azaz để xây dựng lại cuộc sống.

Nói về những trở ngại khác mà trẻ em đang phải đối mặt, cô Zaydan cho biết HS không thể tiếp tục việc học bài, cũng như không ai giúp đỡ các em làm bài tập khi rời trường học. “Lý do là các em không có không gian cá nhân trong trại tị nạn” - cô nói - “Trong khi các gia đình cố gắng cung cấp và cải thiện những điều kiện sống cơ bản, trẻ em vẫn phải tự mình xoay xở với việc học”.

Cô Zaydan cũng chia sẻ, phần lớn trẻ em ở đây thiếu tài nguyên học tập như sách, bút, túi hoặc bất kỳ phương tiện cần thiết nào để các em tích cực tham gia vào lớp học. Một vấn đề khác là khoảng cách tuổi tác giữa HS ở các lớp khác nhau. Chẳng hạn, lớp của cô Zaydan phụ trách là lớp Hai, với 27 HS, độ tuổi từ 8 - 12. “Sự chênh lệch độ tuổi này do nhiều em không được tiếp cận GD trong một thời gian dài, hoặc bất kỳ điều gì ngăn cản việc học hành của các em trước đó”, cô nói thêm. Tuy vậy, cô Zaydan cũng cho biết HS của mình vẫn tràn đầy hy vọng khi nói đến giấc mơ tương lai. “Một số HS rất thông minh, nhưng các em không có sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo một nền GD tốt hơn và tương lai tươi sáng hơn”, cô Zaydan tâm tư.

Hy vọng vào chờ đợi

Cũng trong cuộc trò chuyện với phóng viên của AA, nhà giáo kỳ cựu Ramadan Abdallah Taame, người đã dành 40 năm cuộc đời phục vụ nền GD Syria, cho biết trẻ em đã bị “cách ly khỏi GD” kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

“Chúng tôi đang cố gắng dạy càng nhiều trẻ em càng tốt, bởi vì những đứa trẻ này là tương lai của chúng tôi. Thế nhưng, mọi điều kiện rất khắc nghiệt, với cả giáo viên lẫn HS. Gia đình các em cũng không thể làm gì nhiều cho con cái mình, nhưng bọn trẻ vẫn đến trường, chấp nhận sự khó khăn để được học chữ”, ông Taame nói. Theo ông, cũng vì điều kiện sống khắc nghiệt nên không có sự giao tiếp tốt giữa gia đình HS và ban giám hiệu nhà trường.

“Vì phải loay hoay kiếm từng mẩu bánh mì để sống qua ngày, các bậc cha mẹ thường bỏ bê việc học tập của con trẻ. Vất vả nhất là những người phụ nữ, họ vừa lao động kiếm sống, vừa cố gắng chăm sóc con cái, giữ cho chúng sạch sẽ, ấm áp và được no bụng trong những bữa ăn. Họ không có thời gian chú ý đến việc GD con. Chúng khỏe mạnh đã là tốt lắm rồi” - ông Taame nói thêm - “Gánh nặng của các bậc cha mẹ sống trong điều kiện khắc nghiệt ở trại tị nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai con cái họ”.

Theo Daily Sabah

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ