Ông bầu Võ Quốc Thắng không giấu diếm tham vọng sẽ đưa SV-League bay cao, bay xa trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Bầu Thắng cũng không ngần ngại chia sẻ trong thời kỳ làm Chủ tịch VPF với những lần sang Nhật Bản, Hàn Quốc học hỏi mô hình bóng đá sinh viên đã ấp ủ ý tưởng tổ chức SV-League và đứa con tinh thần của ông cùng 7 cộng sự sắp sửa chào đời.
Bóng đá sinh viên nhìn từ Đông Á
Hơn 10 năm trước, những đội bóng sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc là khách mời thường xuyên của làng bóng Việt Nam, từ cúp quốc tế TP.HCM, các giải tập huấn của tuyển quốc gia, U-23, cho đến bây giờ là BTV Cup, giải quốc tế U-21 báo Thanh Niên,... Điều đáng kinh ngạc là cẩu thủ sinh viên Hàn, Nhật có trình độ không thua kém các đội tuyển Việt Nam, nếu không muốn nói nhỉnh hơn về tầm vóc, tư duy kỹ, chiến thuật. Ấn tượng của giới hâm mộ về những đội bạn đến từ Đông Á thắng nhiều hơn thua với một phong cách thi đấu chững chạc, fairplay.
Người Nhật, Hàn từ lâu đã xây dựng một hệ thống các giải sinh viên rất chuyên nghiệp, với nguồn cầu thủ từ bóng đá học đường xuyên suốt từ cấp tiểu học lên đến trung học.
Giải vô địch các trường Đại học ở Hàn Quốc có gần 80 đội bóng trải dài ở những vùng, miền trên cả nước. Họ thành lập cả Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Đại học Hàn Quốc, chịu sự quản lý của LĐBĐ quốc gia với mô hình và cách thức hoạt động theo chuẩn chuyên nghiệp.
Có rất nhiều cầu thủ đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp xuất thân từ sinh viên, theo dòng chảy từ các cấp học với sự cọ xát song song với nhiều giải bóng đá trẻ tổ chức quanh năm. Giải bóng đá sinh viên Hàn Quốc (University-League) khai sinh cách đây 12 năm, ban đầu chỉ có 10 đội cho đến nay là 76 đội thi đấu tương tự K-League. Sau đó, 16 đội mạnh nhất sẽ tập trung chơi một giải đấu cúp để các tuyển trạch viên chọn lựa ra một đội hình tuyển sinh viên mạnh nhất đá giải sinh viên thế giới.
Tương tự, giải vô địch sinh viên Nhật Bản có đầy đủ các trường đại học tham gia không chỉ dành cho nam mà còn cho nữ sinh viên. Số lượng cầu thủ học đường ở Nhật ngày càng tăng, dù bóng chày mới là môn quốc hồn quốc túy của họ trong hệ thống giáo dục thể chất nhà trường.
Điều thú vị của bóng đá học đường Nhật trong vài năm gần đây, các nhà tổ chức cho phép đội bóng của trường học đá giải chung với những lứa trẻ ăn tập bóng đá chuyên nghiệp. Năm ngoái, có đến 7 đội bóng trung học lọt vào vòng hai cúp quốc gia Nhật, hay nhà vô địch U-18 không hẳn đến từ các học viện bóng đá. Đây chính là nguồn cầu thủ chất lượng cho giải bóng đá sinh viên Nhật Bản và ngày càng phát triển lớn mạnh.
Sinh viên Việt Nam cũng có SV-League
HLV Park Hang-seo đưa quân tuyển Việt Nam tập huấn tại quê nhà Hàn Quốc cũng đá với các CLB hạng thấp, hoặc với một số đội bóng sinh viên. Các tiền nhiệm của ông Park mỗi lần sang Hàn, Nhật cũng thế. Có một điểm chung của cầu thủ Việt Nam khi sang tập luyện, sinh hoạt ở môi trường bóng đá sinh viên của họ đều tấm tắc khen ngợi cơ sở vật chất, chế độ phục hồi, công tác y tế,... đều trên cả tuyệt vời.
Năm 2020 nghĩa là sau 8 năm bóng đá Việt Nam xây dựng mô hình chuyên nghiệp theo tiêu chí của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), vẫn còn 4/14 đội bóng của V-League không đạt chuẩn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức ở nhiều CLB là rào cản chính, bên cạnh việc thả lỏng khâu đào tạo trẻ.
CLB Than Quảng Ninh từng bị truất quyền đá sân nhà Cẩm Phả ở giải AFC Cup mà phải lặn lội chạy lên Hà Nội thuê sân Mỹ Đình. Hay mới năm ngoái, nhà vô địch V-League Hà Nội bị gạt khỏi cuộc chơi của bóng đá châu Á, chỉ vì không có đội U-17 đá giải trẻ quốc gia. Trong quá khứ có nhiều đội không dám vô địch V-League, cúp quốc gia hay chịu nộp phạt để trốn dự giải quốc tế, vì thua kém đẳng cấp so với các đối thủ đã đành, cũng là tránh cho việc kiểm tra chặt chẽ về điều kiện sân bãi, nơi lưu trú,... không đạt tiêu chuẩn.
Ở những cấp độ giải đấu thấp hơn, tình trạng tặc lưỡi cho qua các điều kiện tối thiểu và thậm chí là móc ngoặc, tiêu cực trong bóng đá vẫn còn tồn tại dai dẳng. Nhiều ông bầu bỏ bóng đá như bầu Long, bầu Thụy, bầu Trường,... vì ngao ngán, một vài ông bầu khác để đội “đá cho vui” như bầu Đức, hay như bầu Thắng chưa hẹn ngày trở lại V-League.
Ngẫu nhiên hai ông bầu đình đám của làng bóng Việt này lại chung tay cùng với 6 ông bầu khác còn ngại ngùng chơi bóng đá chuyên nghiệp tổ chức giải sinh viên SV-League. Sân chơi khởi động chỉ với 8 đội bóng mạnh của TP.HCM, Cần Thơ nhưng nó không dừng lại ở đó. Bầu Thắng hứa hẹn trong tương lai sẽ đồng tổ chức 8 đội trường đại học ở phía Bắc, 8 đội miền Trung – Tây Nguyên đá giải League tương tự phía Nam.
Sau đó, ban tổ chức sẽ chọn hai đội nhất, hai đội nhì của ba miền, cùng hai đội hạng ba có thành tích tốt nhất chơi một giải cúp, giống với cách thức tổ chức của giải sinh viên Hàn Quốc.
Hy vọng tâm huyết của các ông bầu cùng sự xuất hiện của SV-League 2020 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng ở làng bóng Việt về việc gầy dựng phong trào và góp phần nâng chất bóng đá học đường như các cường quốc Đông Á.