Xu thế tất yếu

GD&TĐ - Tự chủ đại học không còn xa lạ và được nhìn nhận là phương thức quản trị đại học tiên tiến, nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đây là xu thế tất yếu của xã hội phát triển.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, tại Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) - từ chính sách đến thực tiễn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới GDĐH theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mang tính lịch sử. 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, 23 trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%. Tăng thu hút thí sinh đại học (tỉ lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%). Số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc. Đặc biệt, số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, đóng góp 45% toàn quốc. Mặc dù ngân sách Nhà nước cấp giảm 2,1 lần nhưng tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần. Quan trọng nhất là có sự thay đổi lớn về nhận thức trong toàn hệ thống.

Hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã có hiệu lực; hy vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, từng bước hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tế cho thấy, thế giới đã nhìn nhận mô hình đại học tự chủ là phương thức quản trị đại học tiên tiến, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo và là xu thế tất yếu của xã hội phát triển. Ở Việt Nam, thời gian qua, vấn đề tự chủ trong GDĐH có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống GDĐH Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý Nhà nước chặt chẽ về mọi mặt, nay các trường dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Sự chuyển biến này không chỉ đến từ những đòi hỏi khách quan, mà còn được thúc đẩy bởi các quy định trong nhiều văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Bộ GD&ĐT. 

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, GDĐH không chỉ với chức năng sản xuất tri thức, mà đã thoát ra khỏi “tháp ngà tri thức” để trở thành một ngành - lĩnh vực sản xuất dịch vụ, đào tạo nhân lực, cung cấp công nghệ - kỹ thuật tiên tiến; cung cấp “đầu vào” cho mọi lĩnh vực và hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý Nhà nước... GDĐH liên quan và tác động hai chiều, trực tiếp đến hoạt động và phát triển của tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Những xu thế phát triển khách quan này, đã, đang đưa đến quá trình “điều chỉnh” và phát triển cơ chế tự chủ đại học theo hướng: Mô hình tự chủ hoàn toàn tiếp thu những yếu tố phù hợp và hiệu quả của sự quản lý Nhà nước, gia tăng hơn sự can thiệp của Nhà nước; ngược lại mô hình Nhà nước quản lý tuyệt đối giảm dần sự can thiệp trực tiếp, tiếp thu những yếu tố phù hợp để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học. Cả hai xu hướng đó đưa đến mô hình tự chủ đại học hợp lý và hiệu quả hơn, trong đó Nhà nước chủ yếu đóng vai trò quản lý “giám sát - hướng dẫn”. Điều này đặt ra những nhận thức và yêu cầu mới về bản chất và nội dung khách quan của cơ chế tự chủ đại học. 

Tuy nhiên, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta mới thực hiện đổi mới tự chủ đại học được một bước; trước mắt là một quá trình dài. Quan trọng là chúng ta đã xác định đúng hướng, phải tiếp tục thực hiện, bởi tự chủ là xu thế tất yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ