“Nhịn” lễ hội

GD&TĐ - Từ xưa tới nay, với người Việt mùa xuân gắn liền với lễ hội và văn hóa tâm linh. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Còn bây giờ, giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì mùa xuân chẳng khác nào “mùa dịch” nên cũng là “mùa nhịn” - một điều nhịn chín điều lành.

Mà không nhịn sao được, khi con virus chết người đang hoành hành và ẩn nấp đâu đó, chỉ chờ dịp đông người như lúc lễ hội là tấn công sức khoẻ cộng đồng. Cho nên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. 

Chính phủ yêu cầu, đối với các hoạt động văn hóa, phải hạn chế tối đa hoặc dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người để giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh.

Ngay cả “Ngày thơ Việt Nam” tổ chức thường niên vào Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã phải ngừng, dù trước đó nhiều văn nghệ sĩ đã công phu chuẩn bị các tác phẩm trình diễn.  

Để cộng đồng được an toàn, đã hai mùa xuân thiếu vắng lễ hội. Nhưng ai cũng hiểu đó là những thiếu vắng cần thiết. Lễ hội của làng không tổ chức, người ta thấy thiếu đi một điều gì đó rất đỗi thân quen, thấy khuyết đi một niềm tin trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng trong cái thiếu vắng ấy, cũng là khoảng trống cần thiết để con người nhận thấy những mặt trái nhếch nhác, xộc xệch của lễ hội và niềm tin.

Nói chuyện với nhiều cụ già cả đời gắn bó với làng, thấy rằng ai cũng chỉnh tề với lễ hội làng mình. Nhưng khác với lớp trẻ, hội làng đến không phải để tìm niềm vui đơn thuần, mà các cụ coi đó là thời khắc tự vấn bản thân – điều làm được và chưa được trong chặng đường sống để làm người.

Thế nên, khi làng không tổ chức lễ hội các cụ cũng chẳng bỏ phí thời khắc tự vấn bản thể. Với những người sống bằng tâm tưởng, thì lời dạy của thầy Tăng Tử: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” chẳng khác nào một lễ hội trong lòng mình.

Nhà phê bình văn hóa Đỗ Lai Thuý có nói rằng, ngày xưa các cụ đi lễ hội là hành hương, thanh lọc tâm hồn cho phù hợp với điều thiêng liêng mà họ tin, nên đi lễ hội là gột rửa được lòng trần, gột rửa những tham lam, giận dữ, ích kỷ. Giờ quan niệm bị lệch đi, cái tâm thế đi hội đã khác, nên mới chen chúc, giẫm đạp, ẩu đả.

Hai mùa xuân thiếu vắng lễ hội, nhưng cũng là cơ hội để mỗi người nhìn lại những lộn xộn của lễ hội gần đây để mà dựng lại nền nếp về sau. Thiếu vắng lễ hội không có nghĩa phải thiếu vắng tâm linh, con người có thể gột rửa tâm hồn trước khi vái vọng thần thánh từ ngôi nhà mình đang ở.

Trong văn hóa người Việt, lễ hội như một nấc thang cao quý và quan trọng nhất. Thế nhưng, sẽ chẳng thần thánh nào quở trách khi điều kiện không cho phép. Người xưa cũng nói “Phật tự tâm”, nên thiển nghĩ trong tâm linh cái tâm cùng cách sống yêu thương, chính trực mới là yếu tố tiên quyết để có một cuộc sống thanh thản, bình an.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ