Không phải cứ tìm là thấy
Thời gian gần đây, Bảo tàng Hà Nội trở thành tâm điểm dư luận bởi khánh thành 10 năm vẫn không thể mở cửa đón khách tham quan do chưa hoàn thành phần trưng bày nội thất. Ngoài các lý do khách quan, dư luận cho rằng Bảo tàng Hà Nội vắng khách là do hiện vật trưng bày quá nghèo nàn.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, chia sẻ: “Bảo tàng có đến 70.000 hiện vật, con số đó tuy chưa nhiều nhưng không thể coi là nghèo nàn. Đó là thành quả trong nhiều năm ròng tuyên truyền, vận động, gõ cửa từng nhà”.
Theo ông Đà, việc sưu tầm hiện vật vô cùng khó khăn, không phải cứ “ra quân là thắng, đọc “thần chú vừng ơi” nhưng cửa đâu có mở”. Mới đây nhất, cán bộ Bảo tàng Hà Nội đã về đền thờ Mẫu Cửu xã Ninh Sở (Thường Tín) để sưu tầm kiệu bát cống. “Mặc dù chiếc kiệu đó đã hỏng, đã cất vào kho rồi. Bảo tàng chỉ xin cái kiệu hỏng đó để chuyển về bảo tàng và hứa ghi nhận bằng khen, chứng nhận của UBND TP Hà Nội đã đóng góp vào di sản thành phố. Tuy nhiên, ngồi với các cụ đến chiều tối thì đại diện thôn làng lại không đồng ý”, ông Đà bộc bạch.
Mấy năm trước, Bảo tàng Hà Nội suýt có được các hiện vật vô cùng quý giá của một danh nhân sau bao nhiêu lần thuyết phục, dân vận. Tuy nhiên, gia đình danh nhân muốn bảo tàng chi ra một khoản kinh phí khá lớn thì mới hoàn thành các thủ tục chuyển giao, hiến tặng. Số tiền lớn nằm ngoài khả năng của Bảo tàng Hà Nội nên việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến danh nhân hoàn thành thất bại.
Khó khăn trong sưu tầm hiện vật không chỉ xảy ra với Bảo tàng Hà Nội, theo tìm hiểu hầu hết các bảo tàng công lập khác đều gặp vấn đề tương tự. Nhiều người sở hữu hiện vật không chịu hiến tặng, chuyển giao vì nghi ngờ cán bộ bảo tàng dù họ có đầy đủ giấy tờ của ngành văn hóa, có cả đoàn thẩm tra và chính quyền địa phương xác nhận.
Đặc biệt trong việc sưu tầm hiện vật cho bảo tàng, các cán bộ luôn phải đối mặt với vấn đề tiền bạc. Người sở hữu hiện vật luôn quan tâm đến việc mua bán hơn là hiến tặng. Thậm chí, một số người còn yêu cầu thủ tục ghi là hiến tặng kèm bằng khen, giấy chứng nhận trong khi thực tế là mua bán.
Ngay cả việc mua bán hiện vật cũng không hề đơn giản. Cán bộ bảo tàng bỏ công sức đi sưu tầm, phát hiện hiện vật, sau khi thỏa thuận thời gian giá cả, cán bộ về cơ quan làm thủ tục rồi quay lại để tiếp nhận thì chủ nhân đã bán hiện vật cho người khác. Hỏi ra mới biết, khi cán bộ bảo tàng ra khỏi ngõ thì những đại gia đồ cổ vào mua với giá cao gấp hàng chục lần giá bảo tàng đã thỏa thuận.
Câu chuyện đó cho thấy vấn đề sưu tầm hiện vật bảo tàng hiện nay không chỉ đơn thuần là việc phát hiện, vận động chủ nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng mà là sự cạnh tranh quyết liệt bằng vật chất. Ai nhanh hơn, nhiều tiền hơn thì hiện vật sẽ thuộc về người đó.
Cần đầu tư thỏa đáng cho văn hóa
Một chuyên gia ngành bảo tàng xin giấu tên, cho biết: Việc mua hiện vật với đầy đủ các chứng từ theo quy định là một vấn đề không đơn giản khi tiến hành công tác sưu tầm. Hiện vật được hiến tặng vào bảo tàng thường là gắn liền và phục vụ cho các chuyên đề cách mạng thời kháng chiến, nếu bảo tàng nhận thì cũng có chút ít bồi dưỡng cho người hiến tặng.
Thông thường, người hiến tặng chỉ chuyển giao cho bảo tàng những hiện vật ít có giá trị kinh tế. Những hiện vật có giá trị, người sở hữu thường bán với giá cao và nếu không thỏa thuận được với bảo tàng thì họ sẽ bán cho tư nhân. Nền kinh tế thị trường đã tạo ra cho người giữ hiện vật quan tâm đến lợi ích kinh tế hơn là ý nghĩa lịch sử của chính bản thân hiện vật, từ đó cán bộ bảo tàng không dễ gì đem hiện vật về đúng vị trí của nó.
Vị chuyên gia cũng tiết lộ, ở Hà Nội hiện có nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển lịch sử của Thủ đô và của cả nước, nhưng đã bị phát tán ra khỏi thành phố. Muốn sưu tầm lại những hiện vật này, cần có sự phối hợp giữa Bộ VH-TT&DL, bảo tàng Trung ương và các bảo tàng địa phương trên cả nước. Điều quan trọng nhất là phải có sự đầu tư thỏa đáng mới có thể sở hữu được những hiện vật có giá trị về khoa học lịch sử của Thủ đô.
Trong khi các bảo tàng công lập gặp nhiều khó khăn khi sưu tầm hiện vật, thì bảo tàng tư nhân lại vô cùng thuận lợi. Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường cho rằng, thủ tục nhanh gọn, giá cả hợp lý là điều tiên quyết cho thành – bại trong quá trình sưu tầm hiện vật.
“Nếu ngành văn hóa không đầu tư thỏa đáng thì bảo tàng công lập không có mấy hiện vật giá trị. Trong khi các bảo tàng tư nhân vô cùng phong phú, đa dạng thì ở các bảo tàng công lập số nhiều là kỷ vật – hiện vật thời chiến do các gia đình, cựu chiến binh… hiến tặng”, ông Bình cho biết.
TS Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Bảo tàng Tiền tệ Việt Nam lại cho rằng, bảo tàng là nơi trưng bày sản phẩm văn hóa. Hiện vật là cơ sở cho toàn bộ hoạt động của bảo tàng, nhưng việc trưng bày còn phải đi kèm với câu chuyện của hiện vật. Đối với bảo tàng công lập, cái khó trong sưu tầm hiện vật chính là kinh phí và thủ tục. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng và giảm bớt các thủ tục rườm rà để hiện vật nhanh chóng về đúng vị trí của nó.
“Người sở hữu hiện vật thường tự tìm đến bảo tàng tư nhân như là địa chỉ tin cậy trong việc chuyển giao, hiến tặng. Còn bảo tàng công lập thì cán bộ phải tự đi tìm, thuyết phục và rất đau đầu trong việc thương lượng kinh phí, kết quả đa số là thất bại. Nguyên nhân kinh phí chuyển giao hạn hẹp khiến nhiều hiện vật quý giá bị “vuột” mất, nên bảo tàng nghèo nàn hiện vật là điều đương nhiên”. - Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường.