Suốt đời vì văn hóa dân tộc

Suốt đời vì văn hóa dân tộc

(GD&TĐ) - Là con trai trưởng của cố danh họa Tô Ngọc Vân, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh không chọn con đường hội họa mà lại chọn cho mình một lối đi riêng: nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian, gắn với núi rừng, với làng quê. Ông thành thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, và nói được một số ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tiếng Thái, tiếng Mường, cho đến tiếng của đồng bào Ba Na... Mặc dù đã bước sang tuổi 80, nhưng với ông chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, mọi thứ như chỉ mới bắt đầu. 

Lên rừng nghe hát dân ca

Sinh ra và lớn tại Hà Nội, 11 tuổi ông Thanh đã theo cha đi kháng chiến ở Việt Bắc. Sống cùng với đồng bào các dân tộc, cậu bé Thanh được tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống của họ, gắn bó thân thiết với họ. Từ một thiếu niên ở thị thành, ông dần quen với cuộc sống nơi rừng núi, biết lên nương trỉa ngô, vào rừng kiếm củi. Ông bị chinh phục bởi những câu hát, điệu múa và âm thanh của cây đàn tính mà các cô gái Tày vẫn thường hát mỗi khi bản làng vào mùa hội. Ông quyết tâm học bằng được tiếng Tày để có thể đọc những trang sách cổ ghi lại những tập tục văn hóa của người Tày, trong đó có cả những câu hát làm ông mê đắm. Càng đọc càng say, những câu hát, điệu nhạc đã ngấm vào ông từ khi nào không biết. Nhiều đêm ông ngủ quên bên bếp lửa, trong tay vẫn còn cầm tập văn tự vừa mượn được lúc chiều hôm. Đi đến nơi nào, ông cũng dành thời gian để học tiếng của dân tộc ấy, ông cho rằng: “ Tôi học tiếng để hiểu thêm về người dân tộc, để yêu thương gắn bó với họ hơn. Nói thật, chính cái chất phác, hồn nhiên của họ đã cuốn hút tôi”.

Năm 1956, trường Âm nhạc Việt Nam đầu tiên được thành lập, ông cùng với Huy Du, Tân Huyền, Hồng Đăng, Hoàng Việt… trở thành những sinh viên khóa đầu. Ra trường, ông theo chân đoàn công tác đi khắp vùng Tây Bắc học thêm tiếng Thái, tiếng Mường, để rồi lại bắt gặp những nền văn hóa mới, những chân trời mới. Ông kể rằng ông rất xúc động khi lần đầu tiên được đọc Sống Chụ Son Sao - Tiễn dặn người yêu, một truyện thơ cổ của dân tộc Thái bằng tiếng Thái. Cứ thế, mỗi một ngôn ngữ lại cho tiếp xúc với một nền văn hóa mới, mở ra trong ông những suy nghĩ mới về triết lý nhân sinh. Và ông lấy đó là kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình và theo đuổi con đường ấy cho đến tận ngày hôm nay.

GS-TS Tô Ngọc Thanh
GS-TS Tô Ngọc Thanh

Yêu và say mê văn hóa dân gian nên ông lăn xả vào những bản xa nhất của núi rừng Tây Bắc. Có một kỷ niệm đáng nhớ mà đến giờ mỗi lần nhắc lại, ông bảo rằng “tưởng như nó vừa xảy ra”. Đó là những ngày tháng mới ra trường, ông được điều về công tác tại Ty Văn hóa Sơn La. Tâm hồn phóng khoáng, lãng tử của chàng trai Hà Nội bắt gặp những điệu hát dân gian duyên dáng, những tình cảm ấm nồng nơi núi rừng đại ngàn… giống như một cánh chim tự do được thỏa sức, say sưa cảm nhận những tinh hoa của nhiều nền văn hóa, có lúc quên cả những hiểm nguy rình rập.

Ngày đó núi rừng Tây Bắc còn nhiều hổ, để đảm bảo an toàn cho mọi người nên có quy định bất thành văn trong dân chúng: đi đường rừng phải đông người và tránh buổi chiều tà lúc hổ đi kiếm ăn. Mặc dù đã được nhắc và cũng luôn ghi nhớ, nhưng lần ấy do đang dở công việc tìm hiểu, ghi chép một lễ hội của người Thái ở Châu Yên, sự sốt sắng yêu nghề đã làm anh cán bộ văn hóa trẻ Tô Ngọc Thanh quên cả nguy hiểm, cứ một mình rảo bước trên con đường mòn ven rừng. Vừa qua một khúc quanh, ngẩng lên bỗng toàn thân anh sởn gai ốc: cách chừng dăm mét, chú hổ vằn to bằng con bò mộng đứng cách anh có đúng một tầm vồ. Bỗng trong khoảnh khắc đứng tim ấy, một khúc gỗ mục to trên cây cao tự dưng rớt “bụp” xuống mặt đường ngay trước đầu con hổ. Giật bắn, phản xạ bản năng làm con hổ quất đuôi nhẩy vào bụi rậm, mất tăm. Hú vía!

Chọn âm nhạc dân gian làm nghiệp, đồng nghĩa với việc ông phải thường xuyên xa nhà và luôn phải làm việc ở môi trường khác biệt. Ông bảo rằng âm nhạc dân gian không giống với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, nó không có sách vở, không trường lớp nào dạy mà được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Do đó, nếu không đi thực tế, không ghi chép, không sống trong không gian dành riêng cho nó thì mới chỉ là người quan sát mà thôi.

Với ông, đó là âm nhạc cuộc sống chứ không phải là âm nhạc của sân khấu nên buộc người đến với nó phải xuất phát từ cái tâm của mình và ông cho rằng để đến được, cũng còn tùy vào chữ “duyên” nữa.

Bởi thế, nên ông có rất nhiều bài viết, cũng như những công trình nghiên cứu về nhiều thể loại, từ hát ru con đồng bằng Bắc Bộ đến những khúc hát chèo thuyền của các dân tộc chọn sông nước làm nhà. 

GS-TS Tô Ngọc Thanh (trái) và nghệ nhân Lữ Hữu Thí đang gõ thử âm thanh của bộ biên chung
GS-TS Tô Ngọc Thanh (trái) và nghệ nhân Lữ Hữu Thí đang gõ thử âm thanh của bộ biên chung

Gìn giữ di sản văn hóa của cha ông

Đi nhiều, lại thường phải đến những nơi xa xôi nên chuyện nhà cửa gia đình, ông giao lại cả cho người vợ hiền. Bà tên là Lê Trung Chinh, người Hà Nội, vốn là diễn viên của Đoàn văn công Tây Bắc. Sau một trận ốm, bà bị mất giọng không hát nữa mà chuyển qua làm công việc đánh máy, thủ quỹ. Vốn là đồng hương nên họ nhanh chóng thân nhau. Ngọn lửa của tình yêu được nhen nhúm âm thầm, trong trẻo, mà không bên nào dám ngỏ, phải đợi cơ quan chủ động tác thành. Thế rồi, một ngôi nhà sàn nho nhỏ của cuộc sống vợ chồng xa quê được dựng lên trước một cửa hang chân núi đá, gần chỗ làm việc.

Hơn 40 mươi năm làm bạn với ông, hiểu tính chồng, bà luôn tạo mọi điều kiện để ông yên tâm công tác... Đối với con cái, mặc dù trong tâm luôn mong con theo nghiệp mình nhưng ông cũng dành cho con quyền lựa chọn. Bởi ông hiểu một điều rằng với nghề nghiệp không nên ép buộc. Con trai và con gái ông không theo nghiệp nghiên cứu như ông, nhưng lại được thừa hưởng ở ông khả năng ngôn ngữ. Trong tâm ông luôn nhớ lời dặn năm nào của người cha danh họa: “Thôi con không vẽ được thì thôi, không nên cố. Vả lại, trong nghệ thuật, nếu không có năng khiếu thì không nên đứng vào làm gì cho chật chỗ của người khác”. Với ông, câu nói đó thật thấm thía, nó không chỉ là lời của người cha nói với con, mà còn là trách nhiệm với xã hội. Nó trở thành phương châm sống cả đời ông.

Với GS Tô Ngọc Thanh, cuộc đời là những chuyến đi. Ông đã đặt chân lên khắp núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc rồi Tây Nguyên, không nơi nào không có dấu chân ông. Đến nơi nào cũng vậy, việc đầu tiên là ông tìm hiểu đời sống văn hóa của nhân dân vùng đó, để rồi đêm đêm bên ngọn đèn, ông lật giở từng trang sử liệu nói về âm nhạc văn hóa dân gian, ghi chép lại rồi nghe trực tiếp từ dân. Ông có cách tiếp cận với văn hóa dân gian lạ lùng, độc đáo nhưng rất hiệu quả. Ông đã cùng đồng nghiệp của mình, vượt qua bao khó khăn để chứng minh, giới thiệu những giá trị văn hóa của Nhã nhạc cung đình Huế với thế giới, góp phần đưa Nhã nhạc cung đình Huế trở thành di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Đối với cồng chiêng Tây Nguyên, ông cũng phải mất cả năm trời lặn lội vào sâu trong các bản làng xa xôi để được trực tiếp nghe và so sánh tiếng chiêng từng vùng của Tây Nguyên. Những ngày tháng tiếp xúc với bà con dân tộc ở Tây Nguyên, ông học thêm được tiếng Ba Na. Ông bảo rằng: Văn hóa cồng chiêng của nước ta có nét riêng biệt so với các nơi khác. Ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan..., cồng chiêng trở thành âm nhạc chuyên nghiệp, và âm nhạc cung đình. Còn ở ta, cồng chiêng là sở hữu một cộng đồng người.

Ông tìm ra được điểm khác biệt rõ rệt của cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam với các nước khác, đó là nó bám lấy từng giai đoạn của đời người và những giai đoạn của cây trồng.

Ông ví rằng “đời người dài theo tiếng chiêng”. Đứa trẻ sinh ra người ta đánh chiêng trong lễ thổi tai, tức là đưa một tín hiệu văn hóa dân tộc vào trí óc non nớt của đứa trẻ để sau này lớn lên nó hiểu nó là ai, dân tộc nào. Và đến khi con người nằm xuống thì tiếng chiêng lại đưa con người về cõi vĩnh hằng. Cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh với thần thánh, giao hòa với đất trời, giao tiếp trong cộng đồng. Do đó, dân tộc Tây Nguyên trước khi chọn đất để gieo trồng thì đánh chiêng để đánh thức thần đất, và đến khi gặt lúa, đồng bào lại đánh chiêng mời mẹ lúa về cùng vui cơm mới. Đấy là những điểm mà ít quốc gia Đông Nam Á có được. 

GS Tô Ngọc Thanh (trái) tham dự hội nghị văn hóa dân gian tỉnh Lạng Sơn năm 2011
GS Tô Ngọc Thanh (trái) tham dự hội nghị văn hóa dân gian tỉnh Lạng Sơn năm 2011

Truyền lửa cho thế hệ sau

Là một trong những cây đại thụ về văn hóa dân gian, đã gặt hái nhiều thành công nhưng GS Tô Ngọc Thanh vẫn cảm thấy cuộc đời thật ngắn ngủi, bởi ông còn rất nhiều việc muốn mà chưa thực hiện được. Ông tiếc khi mình chưa học được tiếng Khmer , tiếng Chăm và chưa tìm hiểu nhiều về văn hóa Nam Bộ.

Cũng chính vì vậy nên ông luôn quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận, nối tiếp công việc gìn giữ di sản của tổ tiên. Hiện ông có khoảng 30 học trò, mỗi người nghiên cứu một lĩnh vực nhưng ông luôn khuyến khích họ nghiên cứu nhiều về văn hóa Nam Bộ như để bù vào điểm khuyết trong sự nghiệp của mình.

Ở tuổi 80, ông vẫn đang nhiệt tình làm việc, nhiệt tình cống hiến. ông khoe đang hoàn thành cuốn sách tổng kết quá trình làm việc của cả cuộc đời mình. Cuốn sách được viết theo những nghiên cứu thực tế của cả cuộc đời ông, nó tổng hợp tất cả kiến thức văn hóa dân gian mà cả cuộc đời ông góp nhặt và nghiên cứu.

Từ một chàng trai Hà Nội hào hoa trở thành một ông già dân tộc, tâm hồn luôn phong phú bởi được tiếp thu những bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình. Lúc này đây ở vào cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn đau đáu một niềm, mong một ngày nào đó, hội đồng âm nhạc quốc tế sẽ công nhận thêm một hàng âm thanh thứ 3 đó là hàng âm thanh của cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam.

Nguyễn An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ