Suốt đời tận tụy với cái duyên “nghề giáo”

GD&TĐ - Đó là tâm sự của nhà giáo Lê Văn Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Châu Trinh (huyện Núi Thành - Quảng Nam). Từ lúc là một thầy giáo trẻ yêu nghề, yêu khoa học đến lúc làm quản lý giáo dục, nhà giáo Lê Văn Huân luôn miệt mài, lặng lẽ tận tụy suốt đời vì sự nghiệp trồng người.

Thầy Huân ngồi ở sân trường trong buổi chia tay
Thầy Huân ngồi ở sân trường trong buổi chia tay

Miệt mài cống hiến

Năm 1985, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng, rời giảng đường, thầy xung phong về huyện Núi Thành, mặc dù đã được Phòng GD&ĐT bố trí về trường cấp 2 của xã nhà nhưng thầy đã tình nguyện lên xã miền núi Tam Mỹ để thay thế cho một cô giáo trẻ. Cùng với tình yêu nghề là đức tính cần cù, năng động. Đối với thầy mỗi tiết dạy là một niềm vui, mỗi khi đứng trước các em để giảng bài là một hạnh phúc. Chính vì thế mà tâm hồn, trí tuệ trong người thầy đã thăng hoa cùng với năm tháng.

Hiếm có người thầy nào, mới có dạy năm thứ hai chưa hết thời gian tập sự đã đạt được danh hiệu “Giáo viên giỏi huyện”, năm thứ ba được Sở GD&ĐT Quảng Nam Đà Nẵng điều tham gia lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT để làm báo cáo viên thay sách giáo khoa mới cho 4 huyện phía Nam của tỉnh. Rồi để từ đó cho mãi đến tận bây giờ, thầy liên tục đạt được các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp, được UBND tỉnh Quảng Nam, Trung ương Đoàn trao tặng nhiều bằng khen. Trong các thế hệ học trò của thầy nhiều em đã thành tài, thành nhân.

Điều gì đã giúp thầy thành công trên con đường “khai tâm mở trí” cho lớp trẻ. Phải khẳng định rằng, trước hết đó một tình yêu lớn trong thầy đối với sự nghiệp trồng người, tình yêu ấy đã đơm hoa, tỏa hương, kết trái, là điểm tựa vững chắc, là bệ phóng giúp thầy vượt qua bao gian khổ, khó khăn trong cuộc sống để say sưa, miệt mài nghiên cứu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ.

“Tôi nhớ những ngày ấy, mỗi khi tiết dạy đã qua, tôi ngồi ngẫm nghĩ lại những gì mình đã thực hiện quá trình tiết dạy trên lớp như thế nào. Để rồi dưới mỗi trang giáo án là những dòng ghi chép kinh nghiệm. Trong đó có những tồn tại, có những điều chưa hay, những điều còn mắc phải và có cả tên của các em học sinh chưa hiểu bài.

Từ đây, mình tự rút ra kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp giảng bài cho phù hợp với từng tiết dạy, từng lớp, từng đối tượng. Những năm đầu tiên đi dạy của tôi là những năm cuối cùng của thời “bao cấp” và cũng là những năm đầu huyện Núi Thành mới được thành lập nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, sách nghiên cứu rất hiếm. Các thầy cô giáo trong trường phải tiết kiệm từ những đồng lương “nho nhỏ, khiêm tốn” thuở ấy để mua từng quyển sách hay về giáo dục” - thầy Lê Văn Huân bồi hồi nhớ lại.

Tất cả vì tương lai của trò

Là một thầy giáo có trình độ chuyên môn vững vàng, tinh thông nghiệp vụ nhưng thầy Huân vẫn luôn khiêm tốn học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, tích cực tìm tòi đổi mới phương pháp, sáng tạo trong giảng dạy. Gần như, thầy đã dành trọn thời gian cho công việc này. Những giờ dạy của thầy luôn thu hút được học sinh tích cực tham gia học tập. Thầy luôn quan tâm tìm hiểu đặc điểm, hoàn cảnh của từng em học sinh trong lớp, giúp đỡ các em tận tình.

Trong 33 năm công tác, trong đó hơn 24 năm thầy là giáo viên cốt cán, mạng lưới chuyên môn của Phòng GD&ĐT, được các cấp quản lý đặt niềm tin hi vọng cử tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức để về bồi dưỡng lại cho đội ngũ thầy cô giáo ở địa phương. Ngoài công tác chuyên môn trong ngành thầy còn tham gia viết tin, bài cho nhiều tờ báo và tạp chí của ngành, của địa phương.

Trong 8 năm lại đây, với vai trò hiệu trưởng, thầy luôn nghĩ rằng muốn nâng cao chất lượng giáo dục trước tiên người thủ trưởng phải biết đổi mới công tác quản lý, điều hành để góp phần đổi mới trong dạy học, khơi nguồn sáng tạo, cảm hứng cho đội ngũ nhà giáo. Hiệu trưởng không chỉ là người đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ giáo viên, nhân viên hưng phấn trong công việc.

Thầy tâm niệm rằng, trong một hiệu trưởng trường phổ thông trong giai đoạn đổi mới hiện nay phải đảm bảo 4 tố chất, đó là: Nhà giáo, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà xã hội học. Nhất là trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay, hiệu trưởng phải nắm vững và giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản, đó là: Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo; biết tổ chức, quản lý chất lượng giáo dục; biết vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý, công nghệ thông tin để bồi dưỡng đội ngũ và điều hành quản lý.

Vì một môi trường sư phạm phát triển

Trong sinh hoạt chuyên môn, thầy luôn tôn trọng, kèm cặp giúp đỡ phát huy các thầy cô giáo trẻ để họ sớm tích lũy kinh nghiệm dạy học. Thầy hướng dẫn các tổ chuyên môn luôn chủ động lên kế hoạch và tham mưu với hiệu trưởng về các hoạt động giáo dục mà trọng tâm là việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. Đa dạng hóa các hình thức và nội dung sinh hoạt tổ.

Các nội dung sinh hoạt tổ thầy thường quan tâm nhất, đó là: Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu giảng dạy bài mới. Cho cả tổ tiến hành thảo luận thiết kế bài giảng, vận dụng phương pháp dạy học cho hợp lý, lồng ghép tích hợp liên môn các nội dung có liên quan đến bài học; hai là cùng nhau tìm hiểu, thảo luận, nghiên cứu cách giải các đề thi học sinh giỏi để từ đó rút ra cách dạy học, hướng dẫn học sinh cách làm bài; ba là tích cực sinh hoạt chuyên môn trên mạng Internet trường học kết nối.

Thầy bộc bạch: “Tôi rất may mắn là được tiếp thu, được bồi dưỡng về phương pháp dạy học mới khá sớm và từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhiều lần học tập và trực tiếp trao đổi với nhà giáo dục ở Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục, các thầy ở Bộ GD&ĐT. Đối với công tác quản lý thì không thể cứng nhắc, máy móc, rập khuôn mà phải luôn sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong mọi tình huống để phù hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng. Không tạo áp lực, gây ức chế, áp đặt suy nghĩ của bản thân khi dự giờ hoặc kiểm tra hoạt động sư phạm của đồng nghiệp, mà phải biết tranh luận, phản biện về các vấn đề dạy học để thấy cái hay nhằm phát huy, và cái hạn chế, cái bất cập để tìm phương án khắc phục.

Là một người thầy mình không nên tự mãn với những gì đã làm được mà luôn thích tìm tòi, học hỏi chuyên môn. Phải luôn tâm niệm một điều rằng còn rất nhiều điều mình chưa biết, chưa làm tốt trong nghề nghiệp”. Thầy tâm tư: Dạy học là một nghề cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng đôi khi gặp trắc trở, ta không cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Trước các em mình phải luôn lạc quan để tâm hồn, trí tuệ của mình luôn được trong sáng cùng với các em.

Trải qua 33 năm công tác trong ngành ở nhiều cương vị và cơ sở giáo dục khác nhau, với những cống hiến không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Lê Văn Huân đã được nhận rất nhiều tặng thưởng khác nhau. Thầy giáo Lê Văn Huân xứng đáng là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo mà bao thế hệ học trò và bạn bè đồng nghiệp gần xa luôn kính mến, ngưỡng mộ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ