Sướng quá hóa lười... đẻ

GD&TĐ - Chuyện phụ nữ bây giờ ngại sinh con hoặc chỉ sinh một con độc nhất là chuyện không còn lạ và là chuyện tất yếu của xã hội hiện đại.

Sướng quá hóa lười... đẻ

Lập gia đình được hơn 3 năm nhưng vẫn chưa sinh em bé, chị Nguyễn Thu Hương - nhân viên văn phòng ở TPHCM cho biết: Cuộc sống của hai vợ chồng đang ổn định, không chịu nhiều áp lực “phải đẻ” từ gia đình nên chúng tôi quyết định chờ thêm một thời gian nữa. Khi có thành viên mới trong gia đình, cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ bị đảo lộn nên cả hai vợ chồng đều rất ngại.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Vân Trang cho biết: Tôi đã sinh một cháu gái năm nay đã học lớp 10. Ngày nào tôi cũng đi làm từ sáng đến tối, công việc bận rộn nên tạm thời chưa nghĩ đến chuyện sinh thêm con. Hơn nữa để đẻ thêm một đứa bé là lại phát sinh thêm rất nhiều thứ. Có lẽ hai vợ chồng chỉ dừng lại một cháu để nuôi dạy cho tốt.

Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở TPHCM là 1,48, rất thấp so với ngưỡng bình thường, đưa TPHCM nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ số sinh thấp nhất trong cả nước.

Lý giải về thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ hiện đại đang có xu hướng trì hoãn sinh con. Theo số liệu của Tổng cục Dân số, năm 1999, mức sinh cao nhất ở phụ nữ lứa tuổi 20-24. Sau 10 năm, mức sinh cao nhất đã chuyển sang nhóm tuổi muộn hơn (25-29 tuổi) và kết thúc sinh khá sớm, trước 35 tuổi.

Nhiều cặp vợ chồng tại các thành phố hiện nay chỉ sinh một con. Đó là điều đáng lo ngại bởi tỷ lệ sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số: Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi nhóm dân cư trên 65 tuổi ngày càng tăng.

Nguyên nhân khiến phụ nữ không muốn sinh con thì có nhiều, trong đó bao gồm: Áp lực nuôi dạy con cái quá lớn, vấn đề về tài chính hạn hẹp, vấn đề công việc, thời gian. Một số phụ nữ hiện đại lại muốn dành nhiều thời gian để tận hưởng và chăm sóc chính bản thân nhiều hơn nên họ chọn cuộc sống chỉ có hai vợ chồng.

Hiện nay để nuôi một đứa con học hành đến nơi đến chốn ở các thành phố lớn không hề đơn giản, với nhiều nhu cầu về dinh dưỡng cao hơn, con được học hành chất lượng tốt hơn, hưởng mức sống cao hơn đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy áp lực và ngại sinh thêm con.

Thêm vào đó, khi người phụ nữ hiện đại ngày càng có vai trò quan trọng bên ngoài xã hội, đồng nghĩa với việc họ phải gánh trên vai trách nhiệm với gia đình và công việc.

Trong khi đó, xã hội mới chỉ tạo một phần điều kiện để họ phát huy vai trò ở bên ngoài, còn việc giảm gánh nặng ở gia đình vẫn còn bỏ ngỏ. Chưa kể, cuộc sống đô thị khiến nhiều phụ nữ có thu nhập ở mức trung bình không dám sinh thêm con vì phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là bị mất việc làm.

Để có thể cải thiện được vấn đề này ở các đô thị, giúp người phụ nữ tự tin trong chuyện sinh con và nuôi dạy con cái, ngoài các chế độ chính sách, còn cần rất nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng cũng như trong chính từng gia đình.

Việc lười sinh gây ra nhiều hệ lụy

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học- Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, việc lười sinh sẽ tạo ra không ít hệ lụy. Đó là tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt nguồn lao động. Tỉ lệ người già ở nước ta ngày càng tăng lên, hiện nay của chúng ta khoảng 10%.

Kinh nghiệm ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cho thấy khi mà mức sinh đã đạt đến mức thay thế (tức là mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con) họ lại chậm thay đổi chính sách nên mức sinh xuống quá thấp.

Ở Hàn Quốc bình quân có năm mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1,1 con. Bây giờ những nước này đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản 33% là người cao tuổi, hay là thiếu lao động cho nên phải nhập khẩu lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ