Tuổi thơ gian nan và ước mơ là cô giáo
Không gian lặng đi, gương mặt cô giáo Nguyễn Thị Hằng chợt chìm về quá khứ.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một miền quê nghèo xã Phồn Xương Yên Thế, tuổi thơ của cô là những tháng ngày tóc khét nắng mò cua bắt ốc. 12 tuổi, cô đã phải mang nỗi đau khi người mẹ vô cùng kính yêu mắc trọng bệnh qua đời.
Đôi vai gầy của người cha lại gánh mưa, gánh nắng nuôi 6 anh chị em khôn lớn. Nhưng rồi tạo hóa thật trớ trêu 6 năm sau, cha lại về suối vàng cùng với mẹ để lại 6 người con khi ấy anh cả của cô mới 22 tuổi còn cô đang học trường Sư phạm 10+3 Bắc Giang.
Nuốt nước mắt vào trong lòng, anh chị em rau cháo nuôi nhau lên người, và tháng 9 năm 1983, ước mơ cháy bỏng ấp ủ bao năm của cô đã thành sự thật, niềm vui vỡ òa khi cô được đứng trên bục giảng.
Lặng lẽ như con ong làm mật cho đời
Ra trường công tác năm 1983, sau nhiều năm đạt GV dạy giỏi cấp huyện,cấp tỉnh, năm 1993 một niềm vui lớn đến với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng là chị được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1994, chị được điều về dạy đội tuyển HS giỏi văn của huyện tại trường chuyên Yên Thế.
Từ năm đó đến nay, kể cả khi mô hình trường chuyên của huyện không còn nữa thì chị vẫn tiếp tục bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi văn lớp 9 của huyện.
Còn nhớ năm 2010, đội tuyển có 8 em dự thi cấp tỉnh thì cả 8 em đều đạt giải trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3 và 2 giải khuyến khích và năm nào đội tuyển HS giỏi của chị dự thi cấp tỉnh đều có giải đứng đầu huyện Yên Thế.
Tôi hỏi chị một câu đầy tính nghề nghiệp:
- Đứng trước thực trạng nhiều HS không thích học văn, có học chỉ đối phó, là một GV dạy văn chị có suy nghĩ gì? Và có kinh nghiệm nào để các em hứng thú và học tốt môn văn?
Trầm ngâm một lúc, chị kể cho tôi nghe câu chuyện: “Những năm dạy học ở trường chuyên, tôi thường tới thăm khu nội trú của HS, một hôm nghe trong phòng của các em vọng ra tiếng khóc. Tôi tới nơi thì ra HS lớp 6 mới nhập học chưa quen xa nhà, một em nhà cách trường hơn một chục km cứ nằng nặc đòi về bằng được và cương quyết không học ở nơi đây nữa mặc dù lúc ấy trời đã sẩm tối.
Tôi ôm em vào lòng vỗ về: “ Em còn có mẹ, ngày trước bằng tuổi em cô có còn mẹ đâu mà cô vấn gắng gượng vươn lên để đến hôm nay là một GV”. Thế là trò khóc, cô cũng khóc.
Từ đó những ngày nghỉ, trò xa nhà thường đến nhà cô chơi có khi trò cùng ở lại ăn cơm với cô. Ngày Tết, cô và trò cùng làm các loại bánh của dân tộc rồi thưởng thức sản phẩm làm ra. Em HS Trần Thị Kim Liên đòi bỏ học trường chuyên ngày ấy nay đã là GV trường THPT Yên Thế.
Tôi nghiệm ra một điều bài học đầu tiên đối với các em là tình yêu thương, sự thấu hiểu cảm thông giữa cô và trò, đó là một trong những điều khơi gợi để các em hứng thú vào bài cô giảng.
Còn khi dạy, muốn các em học tốt môn Văn thì trước hết cô phải có lòng yêu nghề thực sự, yêu môn Văn thực sự thì mới truyền được ngọn lửa tình yêu ấy đến được học trò, còn trò phải nắm được kiến thức cơ bản mới học nâng cao, các em phải có “sổ tay văn học” để ghi chép tích lũy tư liệu phục vụ cho bài viết.
Tư liệu thu được qua nhiều kênh thông tin như sách tham khảo, tin truyền thanh truyền hình, những câu nói hay, những bài viết hay về một nhân vật bình thường nhưng đã làm được những việc phi thường trong thực tế đời sống hàng ngày.
Đặc biệt là kỹ năng làm bài, các em phải nắm được kỹ năng làm các dạng bài cụ thể. Và một điều hết sức quan trọng đối với GV dạy Văn là việc chấm bài cho HS.
Đây là công việc vất vả tốn nhiều công sức, GV phải sửa cho các em từng từ, từng câu đến cách diễn đạt sao cho sinh động sao cho bài văn của mình mang nét riêng cá nhân ẩn chứa giá trị nhân văn.
Năm 2002, chị theo học lớp Đại học Sư phạm Văn hệ tại chức, học được vài tháng thì tai nạn giao thông đã làm chị gãy một chân. Hàng tháng trời ròng rã chồng phải dậy sớm đưa vợ hơn hai chục cây số tới lớp học, hôm nào bận quá thì lại nhờ bạn bè của chị đưa đón. Hai tay hai nạng gỗ, chị đã chiến thắng bệnh tật để năm 2004, tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Tuổi cao, sức khỏe yếu tuy không dự thi GV dạy giỏi nhưng với cương vị là tổ trưởng tổ Khoa học Xã hội, chị đã đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chuyên môn cho các GV trong tổ như thăm lớp, dự giờ, rút kinh nghiệm cho mọi người, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý HS, kinh nghiệm GD HS cá biệt với GV chủ nhiệm, động viên GV nhất là GV trẻ tham gia dự thi GV giỏi.
Chính vì lẽ đó nên vài năm gần đây, tổ Khoa học Xã hội có 20 GV trừ 3 người là cán bộ quản lý và 4 GV có tuổi sắp về hưu thì 13 GV còn lại đều đạt GV dạy giỏi và GV chủ nhiệm giỏi cấp huyện cấp tỉnh.
Thành tích của chị và của tổ góp phần không nhỏ cho trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Năm 2007 trường được Chủ tịch tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Như con ong lặng lẽ làm mật cho đời, qua từng lời cô giảng các em thêm yêu cuộc sống hơn, yêu những gì vượt ra ngoài trang sách
Học Bác bằng chính những việc làm cụ thể
Trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để các em ngoan hơn, chăm học hơn khi đạo đức HS xuống cấp?”. Chị đã có ý tưởng xây dựng một tập san mang tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Tập san có 79 trang khổ lớn 40x60 cm biểu tượng cho 79 mùa xuân của Bác. Được Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, hàng tháng trời thầy và trò nhà trường sưu tầm tư liệu, tổ Khoa học Xã hội biên tập để đúng vào ngày 19/5/2007 tập san ra đời.
Tôi thực sự xúc động khi được chị cho xem tập san. 79 mùa xuân của Bác được tái hiện qua từng bức tranh, từng bài báo, tập san được sắp xếp theo từng chuyên trang như thời niên thiếu của Bác, Bác ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ với thiếu nhi Bác Hồ với Bắc Giang...
Tập san không những là tư liệu lịch sử quý giá mà còn là bài HS động GD đạo đức cho HS và cả GV học tập và làm theo đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Để khích lệ tinh thần học tập và rèn luyện của HS chị đã đề xuất một sáng kiến đó là phong trào thi đua “Hành trình điểm số theo chân Bác”. Phong trào được tổng kết vào cuối năm học.
Về đạo đức các em phải ngoan ngoãn, còn điểm số các em thi đua giành nhiều điểm tốt tương ứng với số km về quê Bác như: một điểm 8 ứng với 2 km, điểm 9 ứng với 3 km còn điểm 10 ứng với 5 km.
Hình thức khen thưởng cho các em đạt thành tích cao là những chuyến thăm quan vào cuối năm học đúng vào dịp sinh nhất Bác. Các em đã có những đợt thăm quan Lăng Bác, bảo tàng Hồ Chí Minh, An Toàn Khu Định Hóa Thái Nguyên...
Phong trào lan tỏa có sức sống cho tới tận hôm nay vừa tròn 10 năm vì được đông đảo các bậc phụ huynh HS cùng tham gia bởi mọi người đều có niềm tự hào về thành tích của con em mình.
Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi, tôi cũng đến lúc phải tạm biệt để chị chuẩn bị cho một giờ lên lớp. Hết năm học 2017-2018 này chị cũng về hưu, về với một tổ ấm hai con gái thành đạt đều là thạc sỹ công tác tại Hà Nội.
Con ong làm mật cho đời rồi đời cũng dành mật cho ong. Tôi nắm bàn tay chị mà sao bàn tay ấm áp lạ thường. Tôi có cảm giác mình đang được sưởi ấm bằng ngọn lửa yêu đời, yêu nghề từ trong trái tim chị và cảm giác này đâu phải chỉ có tôi.