Sưởi ấm cho trò mùa giá rét

GD&TĐ - Không chỉ tăng cường các biện pháp phòng chống rét, nhiều trường học còn kêu gọi nguồn xã hội hóa hỗ trợ "sưởi ấm" cho trò...

Học sinh Trường Mầm non Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) được giáo viên đốt lửa sưởi ấm bên ngoài lớp học.
Học sinh Trường Mầm non Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) được giáo viên đốt lửa sưởi ấm bên ngoài lớp học.

Nhiều phương án… chống rét

Với độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, xã vùng cao Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) những ngày này mây mù bao phủ, nền nhiệt giảm sâu, cộng với sương mù gây rét buốt đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của thầy và trò.

Từ đầu năm học, Trường PTDTBT Tiểu học Dào San chủ động sửa chữa, che rèm phòng học, nhằm tránh gió lạnh lùa vào. Học sinh bán trú được giáo viên thường xuyên nhắc nhở mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra chăn ấm và thức ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm, nóng.

“Ngoài phối hợp phụ huynh chống rét cho trò, nhà trường còn có kế hoạch ứng phó khi thời tiết, nhiệt độ xuống thấp; giáo viên phải chủ động sưởi ấm cho học sinh trong lớp học”, cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San cho biết.

Dù mùa Đông năm nay đến muộn song ở Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) cái rét “cắt da cắt thịt” đã ùa về gần tháng nay. Đây cũng là khu vực có thời tiết khắc nghiệt hơn so với các xã vùng thấp trong tỉnh. Lạnh nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối, về đêm.

Năm học này, Trường Mầm non Sin Suối Hồ có 11 điểm trường, 20 nhóm lớp với 438 trẻ. Tại điểm trường Sì Cha Chải, có 1 lớp ghép 3 độ tuổi với 26 trẻ. Ngay từ sáng sớm, cô Lù Thị Quây - giáo viên điểm trường đã đốt lửa để sưởi ấm cho trẻ sau khi phụ huynh đưa con em tới lớp và chuẩn bị chăn ấm để đắp.

Cô Quây chia sẻ: “Gần 1 tuần nay, thời tiết lạnh hơn. Chúng tôi đã chủ động nhắc nhở phụ huynh mặc thêm áo ấm, đi tất cho trẻ trước khi đến lớp. Do thời tiết lạnh, giáo viên phải đốt lửa để sưởi ấm. Lửa được đốt ở không gian thoáng để khói không ảnh hưởng đến sức khỏe của các em”.

Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời tại xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) chỉ khoảng 10 - 11 độ C. Từ sáng sớm, sương mù bao quanh Trường Mầm Non Quảng Chu. Tuy nhiệt độ xuống thấp nhưng do chủ động các biện pháp phòng tránh nên nhà trường vẫn duy trì ổn định sĩ số các lớp học.

Năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Quảng Chu có 216 trẻ/12 nhóm lớp. Cô Nguyễn Thị Huế - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Chu, chia sẻ: Nhà trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ (điểm trường Đồng Luông và Bản Nhuần), trẻ chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông.

Từ đầu năm học, nhà trường rà soát, kiểm tra tu sửa cơ sở vật chất lớp học đảm bảo kín, tránh gió lùa, nhất là những ngày mưa rét. Tất cả phòng học được trường trang bị đầy đủ rèm cửa, chăn ấm, chủ động nguồn nước ấm để vệ sinh cho trẻ.

Tại tỉnh Thái Nguyên, các trường học cũng chủ động đảm bảo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để giữ ấm cho học sinh. Cán bộ y tế học đường chuẩn bị thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh cho học trò thường mắc vào mùa Đông.

Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Thịnh (Định Hoá, Thái Nguyên): Năm học 2024 - 2025, trường có 224 trẻ với 10 lớp. Nhà trường đã theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để chủ động về phương án phòng, chống rét bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt, học tập cho trẻ khi đến lớp; tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và gia đình quan tâm giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc quần áo ấm, mang tất chân, găng tay, khăn quàng cổ...

suoi-am-cho-tro-2-4905.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) chăm sóc, đảm bảo giữ ấm khi trẻ nghỉ trưa tại trường.

Điều chỉnh khung thời gian học

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Trung Bộ rét đậm, vùng núi cao rét hại dưới 10 độ C. Để việc dạy và học diễn ra bình thường trong điều kiện giá lạnh, các trường học đã chủ động thay đổi khung thời gian học đảm bảo sức khỏe cho thầy và trò.

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hiện có 72 trường học các cấp, với tổng số 24.000 học sinh. Đây là địa bàn vùng núi biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An với tỷ lệ hộ nghèo cao. Bởi vậy, công tác chống rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh cũng khó khăn hơn.

Thầy Nguyễn Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Na Ngoi 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) cho biết, trường có 6 điểm trường, là nơi học tập của hơn 360 học sinh đồng bào Mông và Khơ Mú. Những ngày qua, thời tiết về đêm và sáng sớm ở địa phương xuống còn 6 - 7 độ C, trưa nhích dần 15 - 18 độ C. Nhà trường đã nhắc nhở phụ huynh mặc đủ ấm, đi tất, đội mũ cho trẻ trước khi đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường sửa sang lại cơ sở vật chất, che chắn gió lạnh ở phòng học, dãy nhà nội trú. Đối với học sinh ở bán trú, những hôm trời lạnh, nhà trường cho các em thức dậy muộn hơn, dời lịch vào học từ 7 giờ sang 8 giờ để thời tiết ấm lên.

Thay vì tổ chức chào cờ đầu tuần vào lúc 7 giờ 30 phút, Trường Tiểu học & THCS Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã chuyển lên 9 giờ. Trong sáng 16/12, hơn 520 học sinh toàn trường được nghe và ký cam kết tuyên truyền về phòng chống pháo và các vật liệu nổ trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.

Theo lý giải của thầy Hiệu trưởng Trần Đức Dân, do nhiệt độ xuống thấp, sáng nay khu vực Sơn Hồng xuất hiện sương mù. Vì vậy, nhà trường chuyển thời gian chào cờ muộn hơn. “Trường không bắt buộc học sinh mặc áo đồng phục khi thời tiết rét đậm. Buổi sáng, nhà trường vào học lúc 7 giờ 15 phút, muộn hơn 15 phút và buổi chiều sẽ bắt đầu vào 13 giờ sớm hơn 15 phút để học sinh nhà xa đi về đỡ lạnh và tối trời”, thầy Dân cho hay.

Tương tự, Trường Mầm non Hương Liên (huyện Hương Khê) cũng có nhiều phương án chống rét cho học trò. Đối với điểm chính, nhà trường mở cửa đón trẻ muộn hơn 30 phút so với trước đó; mặt khác điều chỉnh thực đơn phù hợp như tăng cường các loại rau xanh nhiều vitamin, đảm bảo cho trẻ ăn nóng, ngủ ấm, vệ sinh, lau mặt, rửa tay bằng nước ấm.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, sở yêu cầu các trường thường xuyên theo dõi thông tin nhiệt độ ngoài trời của từng khu vực trong những ngày trời rét đậm, rét hại. Căn cứ vào tình hình thời tiết, các trường có thể cho học sinh nghỉ học, hoặc điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm.

Bên cạnh đó, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục, không để em nào đến muộn phải chờ ở ngoài cổng trường. Bố trí hợp lý các giờ học thể dục, giáo dục quốc phòng, hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời trong ngày rét đậm, rét hại…

suoi-am-cho-tro-1.jpg
Đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú của học sinh người Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Ấm hơn khi đến trường

Để kịp thời góp phần xua tan cái lạnh vùng cao khi mùa Đông đến, các trường học, điểm trường đã kết nối nhiều nguồn xã hội hóa hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực cho học trò khó khăn.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Na Ngoi 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) vào mùa Đông không đủ áo quần ấm để mặc. Vì thế, nhà trường phải huy động thêm nguồn xã hội hóa, cũng như mua thêm áo khoác, chăn bông để phát cho học sinh những ngày giá rét. “Ngoài ra, để đảm bảo bữa ăn cho các em, nhà trường mua khay đựng cơm bằng inox có nắp đậy giúp giữ ấm được đồ ăn lâu hơn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm”, thầy Nguyễn Thế Hanh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Từ những “Vắt xôi sáng”, tỷ lệ chuyên cần của học sinh dân tộc Chứt tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng tăng lên rõ rệt. Thông tin từ cô Đinh Thị Thanh Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên, vào mùa rét, để động viên trẻ dân tộc Chứt đi học vất vả thì giáo viên, bộ đội biên phòng vào tận nhà để đón nhưng các em thường dậy muộn hoặc không chịu đi học.

Kể từ năm học 20221 - 2022, ngành Giáo dục huyện Hương Khê đã kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm bữa ăn sáng cho trẻ dân tộc Chứt nên tỷ lệ chuyên cần đã chuyển biến. “Được ăn ngon, no, các em rất hào hứng khi đến trường. Trong sáng 16/12, thời tiết lạnh đột ngột nhưng trẻ dân tộc vẫn đi học đủ”, cô Hòa phấn khởi nói.

Cũng từ những “Vắt xôi sáng”, dù thời tiết chuyển lạnh nhưng 18 học sinh dân tộc Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Khê) vẫn đến trường đầy đủ. Ngoài ra, từ đầu năm học nhà trường đã kêu gọi các nguồn tài trợ thêm 10 chăn ấm phục vụ cho 18 học sinh người Chứt ở bán trú tại trường.

“Được sự quan tâm của ngành Giáo dục huyện và các đơn vị, nhà hảo tâm, học sinh đã có thêm chăn ấm tránh cái giá rét của mùa Đông. Sự hỗ trợ này rất ý nghĩa, không chỉ tăng cường thể chất cho học sinh mà còn động viên các em đi học chuyên cần, viết tiếp ước mơ con chữ”, thầy Hoàng Khánh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên bộc bạch.

“Chúng tôi đã có văn bản gửi đến các nhà trường để chỉ đạo các đơn vị thực hiện nội dung phòng chống rét cho học sinh. Theo đó, phòng yêu cầu các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ việc chống rét. Trong thời gian nhiệt độ xuống thấp, các thầy, cô giáo có thể đốt lửa sưởi trong lớp học mầm non, tiểu học và khi nhiệt độ xuống thấp quá thì sẽ cho học sinh nghỉ học”, ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ (Lai Châu) thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh trứng ung được một tài khoản mạng đăng tải trên TikTok. Ảnh chụp màn hình

Hệ lụy từ ăn 'trứng thối'

GD&TĐ - Không ít người dùng TikTok đăng tải video mukbang trứng ung, thối và cho biết, món ăn này ngon và bổ dưỡng.