Cơm ấm nước sôi giúp trò vùng cao vượt qua giá rét

GD&TĐ - Mùa đông đến, giáo viên ở Lai Châu lại tất bật tìm cách chống rét cho trò. 

Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin lấy nước ấm về sinh hoạt cá nhân.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin lấy nước ấm về sinh hoạt cá nhân.

Những bữa cơm nóng hổi hay như nồi nước sôi góp phần giúp cho các em vượt qua giá lạnh của tiết trời vùng cao.

Lo cơm ấm, nước sôi

Những ngày đầu tháng 12, thời tiết ở vùng cao Sìn Hồ xuống thấp. Trung tâm huyện và các xã vùng cao Sìn Hồ đều bị mây mù phủ kín. Càng về chiều, tiết trời càng lạnh buốt. Có những thời điểm, nhiệt độ xuống sát ngưỡng 00c. Do vậy, ngày mùa đông, thầy, cô giáo vùng cao Sìn Hồ lại tất bật với công việc chống rét cho học sinh.

Chúng tôi đến Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin khi học sinh đã kết thúc tiết học buổi sáng. Từng tốp học sinh đến nhà bếp để lấy nước ấm về vệ sinh cá nhân trước khi vào ăn bữa trưa. Năm học này, trường có 409 học sinh, trong đó trên 200 em ở lại bán trú.

Theo cô Hoàng Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, từ đầu tháng 11, huyện Sìn Hồ bắt đầu trở lạnh, nhiệt độ xuống thấp ngay từ những đợt rét đầu mùa. Thấu hiểu nỗi lo của phụ huynh khi cho con em đến lớp, nhà trường đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống rét cho học sinh.

“Đối với các em không ở bán trú, chúng tôi thường xuyên liên hệ với phụ huynh để nhắc nhở mặc đủ ấm cho trò khi đến lớp và hạn chế sinh hoạt ngoài trời. Còn đối với các em ở bán trú, nhà trường đã gia cố phòng ở, quây lại bạt để khỏi bị gió lùa vào. Cùng với đó, nhà trường đun thêm nước nóng để các em sử dụng cho sinh hoạt cá nhân như rửa mặt, tắm” – cô Oanh chia sẻ.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tả Ngảo có 8 điểm trường với 699 học sinh. Đa số người dân ở đây là hộ nghèo nên gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị quần áo ấm cho con em. Đây cũng là trăn trở lớn nhất của thầy, cô trong trường mỗi khi mùa đông đến.

Thầy Phó Hiệu trưởng Lê Văn Vượng chia sẻ: “Bên cạnh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, chúng tôi luôn tìm giải pháp để bảo đảm khẩu phần ăn cho các em ăn, ở bán trú. Theo đó, nhà trường yêu cầu tổ cấp dưỡng chuẩn bị cho học sinh bữa ăn nóng, ngon và đầy đủ chất”.

“Ban giám hiệu đã phân lịch trực cho giáo viên để quan tâm nơi ăn chốn ngủ của học sinh. Đồng thời, chủ động rà soát, kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, ở bán trú bị hư hỏng và hạn chế hoạt động vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp” - thầy Vượng cho biết thêm.

Theo thầy Vượng, khẩu phần ăn được tăng thêm dầu mỡ để giúp giữ ấm cơ thể. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên thay đổi món giúp các em ăn ngon miệng, đủ dinh dưỡng.

Năm học 2022 - 2023, huyện vùng cao Sìn Hồ có 63 trường, với 1.038 nhóm lớp và hơn 25.600 học sinh ở các cấp. Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện - cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, phòng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động học sinh mặc ấm đến lớp. Đối với trường tổ chức bán trú yêu cầu rà soát, lên phương án sửa chữa, bảo đảm an toàn, kín gió để giữ ấm cho học sinh.

“Đối với các phòng ở bán trú chưa được kiên cố hóa, các trường phải mua thêm bạt để chắn gió, giữ ấm cho học sinh. Ở cấp mầm non, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động tuyên truyền cho phụ huynh khi gửi con đến trường phải đem theo đủ áo ấm” – bà Giang nói.

Cũng theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi đột ngột, phòng đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm và vận dụng sáng tạo các phương án chống rét cho học sinh.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin căng bạt cho phòng ở bán trú.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin căng bạt cho phòng ở bán trú.

Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết

Ngay từ ngày đầu tháng 12, khi miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh tràn về, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã ra công văn yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và thông báo, hướng dẫn kịp thời đến nhân dân để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, sương muối có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, cho biết: “Năm học này, toàn huyện có 48 trường với trên 23 nghìn học sinh. Sau khi nhận được thông tin có đợt rét đậm, rét hại, dưới chỉ đạo của sở GD&ĐT và UBND huyện, chúng tôi đã quán triệt tới các trường thường xuyên nắm bắt, theo dõi diễn biến thời tiết. Đồng thời, căn cứ vào đó để có giải pháp chủ động phòng chống rét cho học sinh”.

Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) hiện có 21 lớp với 462 học sinh. Trong đó có 196 học sinh bán trú. Nhà trường có 1 điểm trung tâm và 4 điểm bản.

“Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các bản tin, ứng dụng điện thoại và nhiệt kế ngoài trời. Từ đó, chủ động điều chỉnh các hoạt động dạy học phù hợp và cho học sinh nghỉ học theo quy định nếu nhiệt độ xuống thấp”, cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Để giữ ấm cho học sinh trước thời tiết khắc nghiệt, nhiều trường đã chủ động thay đổi khung giờ học phù hợp với tình hình và diễn biến thời tiết ở địa phương. Thầy Nguyễn Bá Việt, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ma Li Pho, thông tin: “Thời tiết có chuyển rét, nhà trường chuyển thời gian học buổi sáng vào lúc 7 giờ 30 phút, muộn hơn 30 phút so với ngày thường. Còn buổi chiều, do trời tối nhanh nên các em sẽ nghỉ học từ 4 giờ 30 phút để bảo đảm thời gian sinh hoạt, ăn uống”.

Tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phăng Sô Lin (Sìn Hồ), thời gian học buổi sáng bắt đầu vào lúc 8 giờ. “Đến thời điểm này, nhiệt độ vẫn bảo đảm để cho học sinh đến lớp. Thế nên, các trường vẫn tổ chức dạy học theo kế hoạch, sĩ số các lớp vẫn được duy trì. Tuy nhiên, chúng tôi lùi thời gian vào học để bảo đảm an toàn hơn cho học sinh” – cô Hoàng Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.