Trường vùng cao Lào Cai với muôn cách giữ ấm cho trò

Trường Mầm Non Sử Pán giữ ấm cho trẻ bằng lò sưởi.
Trường Mầm Non Sử Pán giữ ấm cho trẻ bằng lò sưởi.

Từ nguồn xã hội hoá và nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hỗ trợ trang bị đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em, các trường vùng cao Lào Cai đã linh hoạt phòng chống rét cho trò trong những ngày nhiệt độ giảm sâu.

Giữ ấm cho trò

Rét đậm, rét hại kéo dài là một trong những thách thức đối với giáo dục vùng cao Lào Cai. Mỗi khi mùa đông đến, các trường học lại chủ động, linh hoạt trong chăm lo sức khỏe, giữ ấm cho học sinh.

Trải xốp, đệm, đắp chăn bông trong các lớp học kiêm phòng ngủ kín gió là biện pháp giúp 200 trẻ của Trường mầm non xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai) có giấc ngủ trưa ấm áp, ngon lành.

Giữ ấm cho trẻ trong giấc ngủ tại Trường Mầm non Tả Gia Khâu (Mường Khương)

Giữ ấm cho trẻ trong giấc ngủ tại Trường Mầm non Tả Gia Khâu (Mường Khương)

Theo, cô Lê Thị Diệu, giáo viên Trường Mầm non Tả Gia Khâu chia sẻ: Vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, giáo viên sẽ chủ động tăng cường đèn sưởi cho lớp mình phụ trách.

“Chúng tôi bật quạt sưởi để cho các cháu được giữ ấm hơn trong lúc ngủ. Các cô sẽ ngủ cùng các cháu để đảm bảo sự an toàn. Ổ cắm điện cũng phải thiết kế phù hợp với học sinh mẫu giáo”, cô giáo Diệu nói.

Phòng GD&ĐT huyện Mường Khương cũng luôn luôn bám sát, chỉ đạo các đơn vị trường chủ động trong công tác phòng chống rét cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh bán trú. Bảo đảm đầy đủ quần áo và chỗ ngủ ấm áp cho học sinh.

Toàn huyện Mường Khương hiện có trên 20 nghìn học sinh, trong đó, gần 1/4 là học sinh bán trú. Ngoài hệ thống trường chính, một bộ phận học sinh của huyện vẫn đang theo học tại gần 80 điểm trường lẻ.

Không chỉ tập trung giữ ấm cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Mường Khương cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường dinh dưỡng và kĩ năng phòng, chống bệnh theo mùa cho các em để đủ sức khỏe, năng lượng học tập.

Giữ ấm cho trẻ tại Trường Mầm non Sử Pán, thị xã Sa Pa.

Giữ ấm cho trẻ tại Trường Mầm non Sử Pán, thị xã Sa Pa.

Những ngày gần đây, nhiệt độ tại thị xã Sa Pa giảm sâu, vùng núi rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và đặc biệt là các em học sinh. Để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, các nhà trường đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo giữ ấm.

Trường Mầm non Sử Pán hiện có 2 điểm trường lẻ và 1 điểm trung tâm với 370 trẻ. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa thông tin: “Nắm bắt được tình hình rét đậm, rét hại xảy ra, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động các giải pháp giữ ấm cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên thường xuyên liên lạc tới phụ huynh để nắm bắt kịp thời lý do các em nghỉ học và tình hình sức khỏe học sinh. Cùng với đó, đắp chăn ấm, bật lò sưởi giúp trẻ được đủ ấm”.

Còn thầy Phạm Kim Luận, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Nhà trường hiện có 185 học sinh, trong đó có 74 em thuộc diện bán trú. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới phụ huynh để quan tâm, mua sắm quần áo ấm cho học sinh. Về phía nhà trường, chúng tôi hạn chế tối đa cho các em hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp. Cùng với đó, kiểm tra tu sửa lại cơ sở vật chất, đóng kín cửa, bật điện để tăng nhiệt độ trong phòng”.

Nhờ sự chủ động, nỗ lực của các đơn vị, công tác phòng, chống rét cho trò vùng cao Lào Cai đã đi vào nền nếp. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần của học sinh những ngày giá rét vẫn duy trì ở mức cao.

Tích cực xã hội hóa

Ngay từ đầu mùa lạnh, các cơ sở giáo dục trong huyện Mường Khương đều đã tự chủ động phương án chống rét cho học sinh, bao gồm cả việc xã hội hóa bằng những việc làm thiết thực của phụ huynh trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Học sinh trường Tiểu học Nậm Sài được sưởi ấm trong lớp học.

Học sinh trường Tiểu học Nậm Sài được sưởi ấm trong lớp học.

“Phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường, bằng việc mang củi đến. Sau đó, nhà trường sẽ đốt các chậu than ở bên ngoài cho các cháu sưởi ấm trong những ngày giá rét. Chúng tôi thiết kế riêng một chiếc đế giống như cái kiềng rồi để chậu lên để không làm hỏng nền gạch lát”, cô Đỗ Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương nói.

Thầy Đoàn Tuấn Long, Phó Hiệu trưởng trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Nhà trường phối hợp với các mạnh thường quân, các nhà từ thiện và gia đình học sinh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể để đảm bảo sức khoẻ cho các em. Việc ăn ở bán trú cũng được khép kín từ khu vực ăn, có bình nước nóng để phục vụ sinh hoạt cá nhân".

Năm học này, Trường THCS Hàm Rồng có 620 học sinh. Từ đầu mùa đông đến nay, nhà trường đã tiếp nhận 2 đoàn từ thiện đến trao chăn màn, đệm và bình nước nóng để phục vụ việc giữ ấm cho học sinh.

Quần áo, chăn ấm được trao tặng cho Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

Quần áo, chăn ấm được trao tặng cho Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

“Học sinh của trường cũng tương đối đông, lượng quà nhận được từ xã hội hoá cũng chưa được nhiều. Vì thế, chúng tôi chỉ xin những đồ thật cần thiết bổ sung thêm cho các em trong những đợt rét đậm rét hại này” – thầy Long cho biết.

Thầy Phạm Kim Luận chia sẻ: “Chúng tôi cũng đẩy mạnh xã hội hoá quạt sưởi, ưu tiên dành cho các cháu từ lớp 1 đến lớp 3 để các cháu sưởi ấm. Khi nhiệt độ xuống thấp, chúng tôi chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra công tác sưởi ấm cho học sinh”.

Những ngày tới, thời tiết được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại có thể kéo dài. Chính vì thế, các trường vùng cao Lào Cai đang có nhiều cách phòng, chống rét hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi nền nhiệt giảm sâu.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa cho biết: “Bên cạnh công tác xã hội hoá, các trường cũng làm tờ trình để mua sắm bổ sung trang thiết bị như lò sưởi, chăn ấm để đảm bảo đủ cơ sở vật chất phòng chống rét cho học sinh. Đồng thời, bổ sung chất dinh dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ cho các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.