Một nghiên cứu mang tính đột phá đã chỉ ra rằng, con người đã sống trong rừng nhiệt đới cách đây khoảng 150.000 năm, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, cho thấy, rừng nhiệt đới có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa ban đầu của con người.
Nghiên cứu do một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện đã quay trở lại địa điểm khảo cổ Bete I ở Bờ Biển Nga, nơi các công cụ bằng đá đã được phát hiện trước đó.
Những công cụ này, bao gồm cả cuốc và các dụng cụ nhỏ hơn, ban đầu được phát hiện vào những năm 1980 nhưng không thể xác định chính xác niên đại vào thời điểm đó do hạn chế về công nghệ, và việc các công cụ này cuối cùng đã bị mất trong Nội chiến Bờ Biển Ngà lần thứ hai vào năm 2011.
Tầm quan trọng của địa điểm này nằm ở thực tế là rừng nhiệt đới từ lâu đã được coi là trở ngại đối với nơi cư trú ban đầu của con người.
Thảm thực vật dày đặc và điều kiện ẩm ướt được cho là quá thách thức đối với sự sống còn của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, con người đã sống trong rừng nhiệt đới sớm hơn nhiều so với dự kiến, có khả năng là một địa điểm quan trọng cho quá trình tiến hóa của con người.
Khu vực Bete I đã được khai quật bởi một đoàn thám hiểm chung của Bờ Biển Ngà và Liên Xô do Giáo sư Yode Guede từ Đại học Felix Houphouet-Boigny dẫn đầu, với các nghiên cứu sâu hơn do Ben Arous và các đồng nghiệp của bà thực hiện. Khu vực nơi các công cụ được tìm thấy sau đó đã được phân tích bằng các phương pháp hiện đại không có trong các cuộc khai quật ban đầu.
James Blinkhorn, một nhà khảo cổ học tại Viện Địa nhân học Max Planck (MPI-GEA), lưu ý: "Với sự giúp đỡ của Giáo sư Guede, chúng tôi đã di dời được các di tích ban đầu, và có thể điều tra lại nó bằng các phương pháp hiện đại mà không có cách đây ba mươi đến bốn mươi năm".
Sau khi phân tích các hạt thạch anh tại địa điểm này, nhóm nghiên cứu xác định rằng, các công cụ này được lắng đọng cách đây khoảng 150.000 năm.
Phân tích bổ sung về phấn hoa, sáp lá và tàn tích thực vật tìm thấy trong các mẫu đất cho thấy rằng, tại thời điểm sử dụng các công cụ, khu vực này có rừng rậm rạp và phù hợp với rừng mưa nhiệt đới Tây Phi hiện đại. Mức độ phấn hoa cỏ thấp chỉ ra thêm rằng, khu vực này không phải là một dải rừng hẹp mà là một khu rừng rậm rạp.
Phát hiện này đặt ra những câu hỏi quan trọng về bối cảnh môi trường mà con người thời kỳ đầu đã sống và thích nghi.
Người ta tin rằng, con người thời kỳ đầu tiến hóa ở đồng cỏ châu Phi và dần thích nghi với các môi trường khác, bao gồm thảo nguyên và vùng bán khô hạn. Tuy nhiên, bằng chứng từ nghiên cứu này cho thấy con người đã sống trong các hệ sinh thái đa dạng sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, ngay cả trong rừng nhiệt đới.
Nhóm nghiên cứu cũng suy đoán rằng, các nhóm người đầu tiên sống trong rừng nhiệt đới có thể không thường xuyên gặp những nhóm thích nghi với các hệ sinh thái khác, chẳng hạn như thảo nguyên, dẫn đến các con đường tiến hóa riêng biệt.
Những sự thích nghi với các môi trường đa dạng này có thể ảnh hưởng đến tương tác của con người và dòng gen, định hình thêm quá trình tiến hóa của con người. Nghiên cứu mở ra những hướng nghiên cứu mới về cách con người thời kỳ đầu tác động đến môi trường của họ, và cách những môi trường sống này định hình sự phát triển của các loài.
"Khám phá thú vị này là phát hiện đầu tiên trong một danh sách dài, vì vẫn còn nhiều địa điểm khác ở Bờ Biển Ngà đang chờ được điều tra để nghiên cứu sự hiện diện của con người gắn liền với rừng mưa nhiệt đới", Giáo sư Guede nhấn mạnh ý nghĩa rộng hơn của khám phá này.