Sức mua yếu, hàng loạt cơ sở kinh doanh tại TPHCM 'tháo chạy'

GD&TĐ - Nhiều cửa hàng, cửa hiệu có vị trí đắc địa tại trung tâm TPHCM đồng loạt trả mặt bằng, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng vì sức mua yếu.

Đường Nguyễn Trãi, Quận 1 rất ít khi có mặt bằng trống nhưng giờ có khá nhiều mặt bằng cho thuê.
Đường Nguyễn Trãi, Quận 1 rất ít khi có mặt bằng trống nhưng giờ có khá nhiều mặt bằng cho thuê.

Đầu tàu kinh tế đang chững lại?

Tăng trưởng quý I của TPHCM chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, nằm ở nhóm “đèn đỏ” của cả nước. Đánh giá về con số trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng hơn 65% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM được đóng góp lớn bởi khu vực dịch vụ.

Nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 16,2%. Điều này khiến giá trị gia tăng dịch vụ trong quý I của TPHCM không đạt yêu cầu.

Đặc biệt, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) ở hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết quý I/2023 cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh doanh sản xuất.

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn gồm: Thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%).

Thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của TPHCM cũng đang rất trầm lắng. Sức mua tại các chợ truyền thống không những giảm mạnh mà tại các trung tâm thương mại, nền tảng thương mại điện tử cũng đang có dấu hiệu không giữ được sức tăng trưởng như mọi năm. Sức mua thấp khiến cho tình trạng người thuê trả sạp hàng, ngừng kinh doanh ngày một nhiều.

Chị Nguyễn Thị Phương Anh, một tiểu thương tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza, Quận 5, cho biết, tình hình kinh doanh mấy tháng gần đây rất khó khăn, có lúc 3 ngày chị không bán được hàng, trong khi chi phí thuê mặt bằng không hề giảm, nên buộc phải trả và ngừng kinh doanh.

Tại các trung tâm thương mại, hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống khu vực trung tâm Quận 1, nhiều tiểu thương cũng trả mặt bằng vì thu không đủ bù chi. Bà Trần Ni Ni, chủ sạp kinh doanh bánh kẹo đồ lưu niệm tại chợ Bến Thành cho biết, cũng vừa dừng kinh doanh, đang có ý định sang nhượng lại sạp hàng để lấy một số vốn đầu tư và kinh doanh lĩnh vực khác.

Nhìn nhận sức mua và hoạt động của các hàng sạp trong chợ đang ở mức yếu, ông Ngô Văn Hà, Trưởng BQL chợ Bến Thành cho hay, hiện nay dù số lượng người bán đang tăng dần nhưng chỉ khoảng 500 sạp hoạt động (đạt gần 1/3 quy mô chợ).

Sự sụt giảm số hàng sạp là do đặc thù của chợ Bến Thành buôn bán cho du khách là chủ yếu. Hiện lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa nhiều và cao bằng những năm trước. Ngoài ra, việc lô cốt dựng nhiều ở các con đường xung quanh chợ kéo dài do xây dựng tuyến metro cũng góp phần khiến khách ngại vào chợ.

Chủ cho thuê quyết không giảm giá

Một mặt bằng kinh doanh tại đường Hai Bà Trưng đang treo biển cho thuê.

Một mặt bằng kinh doanh tại đường Hai Bà Trưng đang treo biển cho thuê.

Các tuyến phố Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hàm Nghi hay Hai Bà Trưng là nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất. Mặt bằng tại đây ít khi bị bỏ trống dù giá cho thuê đắt đỏ. Tuy nhiên, hai năm sau đại dịch Covid-19, mặt bằng kinh doanh khu vực này bỗng được “nhả” ra.

Bà Trần Lệ Thu, có mặt bằng cho thuê trên đường Lê Thánh Tôn (đối diện chợ Bến Thành) cho biết, hai tháng nay chủ kinh doanh không có khả năng thanh toán tiền thuê, nên bà buộc phải lấy lại mặt bằng.

“Mức giá cho thuê 2 năm trước tôi rao là 7.000 USD/tháng. Nhưng trong bối cảnh kinh tế đang tụt dốc như hiện nay, tôi quyết định hạ xuống còn 6.500 USD/tháng. Khách thuê cũ rao và sang nhượng mặt bằng 2 tháng nay nhưng không có khách. Vì đó, tôi cũng không kỳ vọng cho thuê được ngay”, bà Thu nói.

Là người vừa phải trả lại mặt bằng kinh doanh giày dép và đồ thời trang trên đường Nguyễn Trãi, anh Lê Thanh M. cho hay, sau 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, anh rất kỳ vọng về sự hồi phục.

Vì vậy, bao nhiêu vốn liếng, thậm chí vay mượn bạn bè, người thân anh dốc hết vào việc tân trang cửa hiệu với hy vọng đón trước làn sóng mua sắm từ du khách quốc tế. Tuy vậy, hơn một năm nay việc mua bán của cửa hàng sụt giảm theo từng quý.

“Tôi phải chuyển đổi hình thức kinh doanh trực tiếp sang online qua các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, sức mua của khách hàng chỉ đạt 30 - 40% so với thời điểm trước dịch.

Doanh thu sụt giảm khiến tôi không thể gánh nổi mức chi phí bình quân 9.000 USD/tháng (thuê mặt bằng 8.000 USD). Tính sơ hơn một năm tôi lỗ vài tỉ đồng”, anh M. nói.

Dù khách thuê kinh doanh mặt bằng các tuyến phố “kim cương” liên tục sang nhượng, trả lại mặt bằng, song giá thuê tại khu vực này không hề có dấu hiệu giảm. Nhiều mặt bằng thậm chí chấp nhận bỏ không nhiều tháng nhưng không chấp nhận giảm giá thuê 20 - 30% khi có khách.

Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh đánh giá, sở dĩ giá cho thuê cao mà chủ nhà không hạ vì trước đó họ mua nhà với giá 400 - 600 triệu đồng/m2, một căn 200 m2 có giá khoảng 80 - 120 tỉ đồng.

Nếu cho thuê khoảng 416 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng thu về khoảng 5%. Trong khi đó, chủ nhà trả lãi ngân hàng 15%/năm. Chỉ riêng tiền lãi ngân hàng khoảng 1,250 tỉ đồng một tháng, cho thuê vẫn gánh lỗ 834 triệu đồng/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ