Sức mạnh văn hóa

GD&TĐ - Năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Qua 75 năm, các thế hệ người Việt đã kế thừa, phát triển và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không ngừng sáng tạo nhu cầu văn hóa mới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, từng bước phát triển.

Ngày nay, thế giới đề cập nhiều đến thuật ngữ “sức mạnh mềm” của văn hóa. Bởi vậy, mọi quốc gia đều xây dựng chiến lược quảng bá văn hóa. Văn hóa trở thành ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng lớn mang tính sống – còn trong sự phát triển chung của một quốc gia.

Nhật Bản với tinh thần “võ sĩ đạo” cùng những phẩm chất độc đáo đã tạo ra một tinh thần văn hóa quật cường. Song hành giá trị mềm của nền võ học, họ tiếp tục tạo ra sắc thái hoa anh đào và trở thành lễ hội lớn nhất xứ sở, khiến cả thế giới biết tới.

Một đất nước bị chiến tranh và thiên tai tàn phá đến nỗi chỉ còn là đống gạch vụn, thế nhưng sức mạnh mềm của nền văn hóa đã khiến người dân Nhật Bản ngẩng cao đầu. Họ giành lại sự kính trọng không phải bằng súng đạn, mà bằng văn hóa, lòng tự tôn tuyệt đối.

Trở lại câu chuyện văn hóa Việt Nam, chúng ta không bắt chước nhưng có quyền tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Nhưng trước hết, bằng sức mạnh nội sinh, chúng ta có thể xây dựng sức mạnh mềm từ nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Nền văn hóa ấy phải là của người Việt, và do người Việt tạo ra. Những phong tục tập quán, lễ hội hay cách ứng xử là tiền đề và là nền móng của văn hóa cổ truyền. Cùng với đó, di sản vật thể hay phi vật thể đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc giữ vai trò là cầu nối phát huy giá trị văn hóa.

Có lẽ trước khi xây dựng nền văn hóa tiên tiến, chúng ta phải xác định gìn giữ văn hóa truyền thống – giống như bồi đắp nền móng vững chắc. Đây cũng là thực tế đáng lo hiện nay, khi giới trẻ ít hiểu biết và ít quan tâm đến văn hóa.

Thậm chí, rất nhiều bạn trẻ không biết ngôi đình của làng mình thờ ai, không biết đến khái niệm Thành hoàng làng, và chẳng rõ lễ hội tưởng nhớ điều gì. Ngay cả nét quê hương cũng chẳng quan tâm, thì liệu có khao khát tìm kiếm vốn văn hóa rộng lớn hơn không?

Không ai có quyền yêu cầu người khác phải biết cái này, phải hiểu cái kia. Cho nên, việc tuyên truyền sâu rộng đến lớp trẻ biết và hiểu về văn hóa truyền thống vẫn là việc khó.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là bỏ dở. Ngược lại, chúng ta cần có chiến lược cụ thể, khơi gợi niềm yêu thích văn hóa và các giá trị truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ