Anh là nhà sáng lập hàng loạt dự án thiện nguyện như “Ánh sáng núi rừng”, “Sức mạnh 2000”, hệ sinh thái “Nuôi em”, với tâm nguyện “tình nguyện suốt đời”.
Yêu thương đến từ đam mê tuổi trẻ
17 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Hoa Trung dành nhiều thời gian ngao du để quan sát, khám phá thế giới xung quanh. Gặp những hoàn cảnh khốn khó, những em nhỏ mồ côi, người già neo đơn, Trung mong muốn cống hiến để thấy cuộc đời mình hạnh phúc hơn, có ích hơn.
Năm 2009, Trung cùng nhóm bạn đi nhiều chuyến lên các trường miền núi tìm hiểu và rất ái ngại trước những khó khăn của thầy trò vùng cao. Nhóm của Trung bắt đầu lập ra các chương trình thiện nguyện, quyên góp sách, nhu yếu phẩm cho các em hay quyên tiền để làm nhà vệ sinh ở các trường học. Năm 2012, khi vừa bước qua tuổi 20,
Trung bắt đầu kêu gọi và quyên góp tiền để đạt mục tiêu xóa 20 điểm trường tranh tre, nứa lá. Cũng từ những chuyến đi thiện nguyện, Trung nhận thấy nhiều em nếu về nhà buổi trưa thì đa phần sẽ không quay lại học chiều. Nhóm của Trung bắt đầu xây dựng mô hình hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh nghèo.
Dự án Nuôi em là hình thức nhận đỡ đầu các em nhỏ ăn trưa để ở lại điểm trường và có thể học hành tốt hơn. Với số tiền không lớn, chỉ gần 1,5 triệu đồng/năm, nhà tài trợ có thể giúp cho một học sinh nghèo có thêm bữa ăn trưa, học hết ca chiều. Mỗi “anh/chị nuôi” có thể nhận “nuôi” nhiều bé, nhưng mỗi bé chỉ được nhận một suất hỗ trợ.
Những năm đầu tiên, dự án Nuôi em chỉ hỗ trợ được khoảng 50 em, rồi 80 em, rồi 88 em. Dần dà, câu chuyện lan truyền ra cộng đồng và được nhiều người hưởng ứng, vì cách làm minh bạch: Nhà tài trợ tham gia dự án được cập nhật thông tin, hình ảnh của em bé mà họ đỡ đầu, được đến thăm các em. Năm 2018, dự án hỗ trợ được 2.400 em. Năm 2019, con số này lên 12.000 và 20.000 vào năm 2020. Năm 2021, Nuôi em đặt mục tiêu hỗ trợ cho từ 30.000 - 40.000 em nhỏ.
Song song với dự án Nuôi em, Hoàng Hoa Trung triển khai dự án “Sức mạnh 2000”. Với ý tưởng quyên góp một khoản tiền rất nhỏ mỗi ngày, nhưng nhiều người cùng chung tay sẽ tạo nên sức mạnh phi thường. “Tích tiểu thành đại”, mục tiêu của dự án là xây dựng hơn 4.000 điểm trường khang trang tại các vùng khó khăn trên toàn quốc, mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục và chất lượng sống tốt hơn cho trẻ em tại các địa bàn khó khăn.
Lan tỏa phẩm chất người Việt ra thế giới
Nhóm của Trung chỉ có 10 thành viên chính thức, nhưng để quản lý một số lượng lớn hồ sơ các em nhỏ và mạng lưới người tình nguyện, nhóm huy động được một đội ngũ hơn 300 tình nguyện viên cùng tham gia. Ngoài ra, nhóm cũng sử dụng công nghệ, ví dụ để quản lý việc đưa thông tin của các bé đến nhà tài trợ thì dự án sử dụng chatbot của Facebook. Dự án cũng lập các group trên Facebook với thành viên là các nhà tài trợ, giáo viên các điểm trường để họ có thể tương tác trực tiếp, qua đó hỗ trợ học sinh tốt hơn.
Trung cho biết: “Chúng tôi biết kết nối các nguồn lực với nhau. Điển hình là Trung ương Đoàn là tổ chức luôn hỗ trợ chúng tôi về mặt pháp lý, kiểm toán hay khảo sát, vận hành. Chúng tôi chỉ cần xác định các điểm cần xây, vận động nhà tài trợ. Áp dụng rất nhiều biện pháp quản lý, phối hợp với địa phương một cách chặt chẽ, chính vì thế, chúng tôi chỉ có 10 người nhưng quản lý được hàng vạn hồ sơ. Chúng tôi cố gắng tinh giản bộ máy để với chỉ từng ấy con người, mỗi năm chúng tôi vẫn hỗ trợ được 2 - 3 vạn em nhỏ, xây được 400 - 500 điểm trường”.
Không chỉ mong muốn hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam, Hoàng Hoa Trung mong ước sẽ triển khai mô hình này tại một số nước nghèo. Trung thổ lộ: “Tôi đã chia sẻ mô hình Nuôi em ở Việt Nam với những người làm cùng trong lĩnh vực tình nguyện trên một số diễn đàn quốc tế. Rất nhiều người làm việc tại các tổ chức phi chính phủ cho rằng mô hình này rất thú vị và có thể nhân rộng thành công ở các nước trên thế giới.
Bản thân cách làm không hề khó, tuy nhiên cần khéo léo để cộng đồng tin tưởng. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình này ra châu Phi, vừa để giúp các em nhỏ ở châu Phi, vừa để người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế biết rằng ở Việt Nam đang có những nỗ lực nhân đạo đối với cộng đồng quốc tế. Tôi mong muốn cứ 10.000 em nhỏ Việt Nam được nuôi cơm thì chúng tôi sẽ nuôi 1.000 em nhỏ ở châu Phi; cứ 100 điểm trường được xây dựng được ở Việt Nam sẽ có 1 điểm trường được xây dựng ở châu Phi”.