Sức mạnh của lối sống chân thật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Chị đi làm về đã trưa trật, thấy nhà cửa bề bộn, bếp núc vẫn nguội tanh, trong khi đó, cô con gái lớn vẫn ngồi mải mê với chiếc điện thoại cầm trên tay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thấy chị, con mới vội vàng đứng dậy xắn tay lo việc. Sau bữa cơm trưa muộn, con đến bên, lặng nhìn chị, giọng chân thành: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con biết lỗi của con rồi. Từ nay, con sẽ không như thế nữa!”. Chị nở nụ cười, ân cần nhìn con, lòng rộn vui vì con gái đã thành thật nhận ra lỗi lầm.

Chân thật là thật thà, ngay thẳng; là chân thành, không giả dối, không sống hai mặt. Chân thật với mình, chân thật với người. Sự chân thật thể hiện qua từng suy nghĩ, lời nói; qua cách hành xử, cách bày tỏ cảm xúc, sự tử tế, đặc biệt là ở tấm lòng, tình cảm chân thành với mọi người.

Người ta bảo những điều chân thật từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Thế nên, dù cuộc đời có vần vũ, đổi thay, tấm lòng chân thật sẽ mãi được trân trọng, là lối sống cao quý, là sức mạnh diệu kỳ giúp con người hướng đến những giá trị chân thiện mĩ đích thực.

Có thể khẳng định, chân thật cũng là một loại sức mạnh. Nó cho thấy lòng tự trọng bên trong phẩm giá của con người. Người sống chân thật luôn biết rõ những điểm mạnh - yếu của chính mình; biết phát huy, khắc phục, sửa chữa để hoàn thiện bản thân và đạt đến thành công, hạnh phúc. Người sống chân thật luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản; giúp họ đánh bại mọi sự dối trá, lừa lọc để tâm hồn trở nên thanh khiết, sáng trong.

Chân thật là biểu hiện của người sống có đạo đức, tận tâm. Người sống chân thật luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho gia đình, người thân, bạn bè... Họ được mọi người yêu mến, tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng, có được nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển bản thân. Lối sống chân thật sẽ giúp gắn kết mối quan hệ giữa người với người, đẩy lùi những cái xấu, cái ác; đề cao những yêu thương, sự tử tế trong xã hội.

Chân thật là lối sống văn minh. Người sống chân thật sẽ không màng đến của cải vật chất, những cám dỗ xa hoa, hay tính toán hơn thua, được mất ở đời. Họ dũng cảm và có lập trường.

Họ an nhiên, tự tại với cuộc sống đã chọn lựa: Vui cười, buồn khóc, yêu ghét rõ ràng. Dù ai đó có nói lời ngon ngọt, vuốt ve, mơn trớn; dù ai đó có ghen ghét, dọa nạt,… người sống chân thật vẫn luôn kiên định với thái độ sống tích cực của mình.

Nhiều người thường nói câu: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt”. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, người lựa chọn lối sống chân thật không có nghĩa là họ chấp nhận mọi thiệt thòi, cũng không phải họ sợ mình thua thiệt, mất mát so với người khác.

Sống chân thật ở đây cũng không phải là có sao nói vậy, là nói rõ ràng trắng đen. Chân thật ở đây là cách sống khéo léo nhưng thật lòng, được mọi người xung quanh cảm mến, tôn trọng.

Tuy nhiên, trong xã hội, cũng còn rất nhiều người vẫn nương mình theo lối sống giả tạo, lừa lọc, dối trá. Họ tìm cách vu oan, giáng họa; gieo rắc cái xấu, cái ác; ăn không nói có,… nhằm làm mất thể diện, danh dự, lợi ích của người khác. Họ chọn cách sống thông minh nhưng đó là sự thông minh lọc lõi, ích kỷ nhằm thu vén danh lợi về mình, chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Vẫn biết rằng, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cần thiết phải dùng những lời nói dối vì một mục đích tốt đẹp nào đó: Bác sĩ nói dối tình trạng bệnh tật giúp bệnh nhân lạc quan, cha mẹ nói dối vì muốn dành sự yêu thương tốt đẹp cho con…

Thế nhưng, nếu chọn cách sống giả dối, con người chẳng khác nào đang tự chuốc lấy nỗi lo âu, bất an cho chính mình. Lâu ngày, họ tự đánh mất niềm tin vào bản thân cũng như cuộc sống, và những gì họ nhận lại sẽ là sự thất bại, cô độc, bất hạnh.

Thiết nghĩ, một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Thực hành lối sống chân thật là cách mỗi người bắc nhịp cầu nối mình với mọi người, với xã hội một cách bền vững. Hãy cứ sống chân thật, chắc chắn bạn sẽ nhận về một cuộc đời ý nghĩa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.