(GD&TĐ) - 5 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng Trường học thân thiện - Học sinh tích cực - một chu trình tìm ra sự thay đổi căn bản trong GD - ĐT theo định hướng của Bộ GD&ĐT. Tại Vĩnh Long, những giá trị sống, kĩ năng sống đang xuất hiện tần suất nhiều hơn trong học sinh, làm thân thiện các mối quan hệ trong mỗi nhà trường...
Giải pháp sáng tạo
Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã cụ thể hoá 5 nội dung trong Phong trào thi đua trường học thân thiện - học sinh tích cực (THTT - HSTC) thành 9 tiêu chí, nhân rộng và lồng ghép Lễ tri ân - trưởng thành vào Lễ tổng kết năm học cho học sinh lớp Lá, học sinh lớp 5 và học sinh lớp 9.
Ngày hội dân gian, ngày hội sáng tạo - kĩ thuật, ngày hội Bản đồ tư duy, An toàn giao thông không những giúp giáo viên mà còn giúp học sinh hình thành kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp hiệu quả.
Trong công tác quản lý, Sở cũng đã đưa ra giải pháp sáng tạo với kinh nghiệm “Đổi mới quản lý thông qua đổi mới cách kiểm tra nhân rộng kết quả trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ngoài ra, Sở còn phối hợp tổ chức thành công Tuần làm chiến sĩ cho học sinh THCS và THPT. Đây hoạt động mới của năm 2011 và năm 2012.
Để nâng cao dạy học hiệu quả, nét sáng tạo còn thể hiện qua việc Ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy và học trong các trường trung học. Ngày hội Bản đồ tư duy trong học sinh hay Diễn đàn Kết nối sáng tạo - Chia sẻ thông tin trong giáo viên cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong năm 2012.
Hưởng ứng năm An toàn giao thông 2012, phong trào thi đua XD THTT, HSTC của tỉnh còn xây dựng mô hình Ngày hội An toàn giao thông dành cho các trường trung học. Các em không những được tổ chức kí kết thực hiện Văn hoá giao thông công khai và ấn tượng mà còn tham gia nhiều hoạt động như lái xe an toàn, vẽ tranh về ATGT, tìm hiểu Văn hoá giao thông qua hoạt động Rung chuông vàng.
Phương pháp Bàn tay nặn bột cũng đã triển khai cho các trường Tiểu học trong tỉnh.
Đến năm 2013, một hoạt động tạo ra hiệu ứng trong tất cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là Ngày hội hoạt động sân trường dành cho các trường trung học toàn tỉnh. Đã có 67 trường tham gia Hội thi Ngày hội hoạt động sân trường bằng đĩa Video clip. Ngày hội sân trường nhân dịp Xuân về bằng nhiều hoạt động trải nghiệm vùng thôn dã và Ngày hội Em yêu trường em giúp các em thực hành theo nhóm, vận dụng những cách học mới diễn ra ngoài trời dành cho các trường Tiểu học cũng là những thành công đáng kể.
Hiệu quả thiết thực
Đến nay đã có 100% trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh Vĩnh Long triển khai các mô hình cụ thể của phong trào xây dựng THTT - HSTC. Tỉnh đã vinh dự nhận 10 Bằng khen của Bộ GD&ĐT và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Kỷ yếu sáng kiến kinh nghiệm của Bộ GD&ĐT đã đăng giới thiệu nhân rộng 5 sáng kiến kinh nghiệm của Vĩnh Long (3 năm liên tục). Được chọn báo cáo điển hình tại Câu lạc bộ Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh phía Nam tổ chức tại Nha Trang; báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai phong trào thi đua XDTHTT,HSTC tổ chức tại Hải Dương.
Niềm vui được nhân lên khi Vĩnh Long 6 lần đón tiếp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về giao lưu học hỏi các hoạt động mới, cụ thể về phong trào thi đua XDTHTT - HSTC. Ngoài ra, còn có các đoàn Cán bộ quản lí, giáo viên tỉnh Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Nam Định cũng đến chia sẻ kinh nghiệm.
Những con số thống kê xếp loại tăng theo thời gian cũng đã thể hiện hiệu quả thiết thực của phong trào: Năm học đầu tiên thực hiện có 45 trường đạt loại xuất sắc và 100 trường đạt loại tốt. Năm học 2012 - 2013 là năm thứ năm thực hiện có 290 trường đạt loại xuất sắc, 159 trường đạt loại tốt, 46 trường đạt loại khá và còn 3 trường trung bình.
Sau 5 năm thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chủ biên là TS.Trần Đình Châu, Vụ trưởng - Giám đốc dự án Phát triển Giáo dụcTHCS 2 các sáng kiến kinh nghiệm về phong trào thi đua XD THTT, HSTC của Vĩnh Long đã được đăng tải trong sách ”Xây dựng mô hình trườngTHCS tổ chức các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học”
Các chuyển biến được ghi nhận sau 5 năm thực hiện
Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Long, đầu tiên phải nói đến việc hình thành tính tự quản trong học sinh: tự trang trí lớp học, sân trường, xây dựng tiểu phẩm, hội thảo,… Sự “vươn lên” về cảnh quanh sư phạm của tất cả loại hình trường học và nhiều hoạt động tập thể của các trường từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX đã được xác lập.
Cùng đó, môi trường giao tiếp thân thiện, hiệu quả được cải thiện, nâng lên một mức cao hơn thể hiện qua việc giáo viên thân thiện hơn với học sinh, học sinh thân thiện với nhau hơn. Môi trường học đường thân thiện với học sinh xuất hiện ngày càng nhiều.
Đã xuất hiện nhiều cách dạy mới, hiệu quả như bản đồ tư duy, dạy theo nhóm, ứng dụng CNTT. Sự thay đổi ở từng học sinh trong từng tiết học đã tạo cơ hội cho học sinh tự thể hiện mình. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc được thực hiện nhiều hơn, rõ hơn khi các em đến các di tích lịch sử văn hoá, chơi trò chơi dân gian, hát bài hát dân ca xuất hiện thường xuyên hơn trong trường học.
Sự hợp tác, tương tác giữa giáo viên và học sinh trong mỗi giờ học và từng hoạt động ngày càng rõ dần. Đối với học sinh, nét tích cực được hình thành qua việc dám thể hiện điều suy nghĩ. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm nhiều hơn. Và đã có nhiều cách giải quyết nguyện vọng của học sinh từ Hiệu trưởng, Cán bộ Đoàn.
5 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng Trường học thân thiện - Học sinh tích cực - một chu trình tìm ra sự thay đổi căn bản trong GD - ĐT theo định hướng của Bộ GD&ĐT. Tại Vĩnh Long, những giá trị sống, kĩ năng sống đang xuất hiện tần suất nhiều hơn trong học sinh, làm thân thiện các mối quan hệ trong mỗi nhà trường...
Được biết, phong trào thi đua XD THTT - HSTC của Vĩnh Long được bình chọn là một trong những tỉnh thành phố có thành tích toàn diện điển hình toàn quốc và được giới thiệu trong Hội nghị tổng kết năm học, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua XD THTT, HSTC do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 8/2013.
Trần Hoàng Tuý
(Sở GD&ĐT Vĩnh Long)