Sức lan tỏa của cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“

GD&TĐ - Sáng nay (5/2), tại TP Đà Nẵng diễn ra Lễ tổng kết cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự buổi lễ; cùng dự  có Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam - Vũ Văn Hùng cùng hàng nghìn đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT, CBQL, GV, HS đến từ các địa phương trong cả nước. 

Ban Tổ chức trao giải cho các HS đạt giải nhất, nhì, ba.
Ban Tổ chức trao giải cho các HS đạt giải nhất, nhì, ba.

Cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức rộng rãi cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở 62 tỉnh thành trong cả nước.

Sau hơn 4 tháng phát động và triển khai đã tạo hiệu ứng tích cực, từ góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm của HS đến đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục, nâng cao hiệu quả GD lịch sử. 

Quy trình tổ chức công phu, nghiêm túc

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành cuộc thi, nhiều Sở, trường đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi trang trọng, ý nghĩa, tuyên truyền thu hút đông đảo HS tham gia từ cấp trường đến cấp Sở. Một số HS Lào đang học tại Việt Nam cũng có bài dự thi. 

Công tác chấm thi và trao tặng các giải thưởng cho các tập thể và cá nhân HS có bài dự thi đạt điểm số cao đã được tiến hành nghiêm túc, qua đó động viên HS, tạo không khí hào hứng, phấn khởi đối với việc tìm hiểu lịch sử nước nhà và lịch sử quê hương: Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên dương, khen thưởng và cấp giấy chứng nhận cho 245 HS đạt giải cấp TP; Sở GD&ĐT Quảng Ninh khen thưởng 91 HS, 15 tập thể; các Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Bình…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Giám khảo Cuộc thi gồm các nhà khoa học của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bộ GDĐT và Trường ĐHSP Hà Nội. Công tác chấm thi được thực hiện kỹ càng, khách quan, công bằng nhằm chọn được những bài thi xứng đáng để trao giải, quy trình hết sức chặt chẽ với 2 vòng chấm.  

Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn ra những bài thi tốt nhất của cuộc thi để trao giải cá nhân, đồng thời khen thưởng các Sở GD&ĐT, các trường THCS, THPT tổ chức tốt cuộc thi, có nhiều HS tham gia cuộc thi và nhiều bài dự thi chất lượng tốt. 

Kết quả: Trong 300 bài thi (trên tổng số 2.170 bài dự thi) lọt vào vòng chung khảo, có 2 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 10 giải nhì, 30 giải ba, 60 giải khuyến khích; 24 tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức cuộc thi nhận thưởng tại lễ trao giải.

Em Ngô Thị Phương Linh - HS trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) - phát biểu cảm nghĩ tại Lễ tổng kết.
 Em Ngô Thị Phương Linh - HS trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) - phát biểu cảm nghĩ tại Lễ tổng kết. 

Ấn tượng từ đề thi và bài dự thi 

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi - đánh giá cao về đề thi cũng như chất lượng bài làm của các em học sinh: “4/5 câu hỏi là câu hỏi mở, có tác dụng kích thích hứng thú tìm hiểu và thức tỉnh tình yêu đối với truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước trong GV, HS. Đã đến lúc phải thay đổi, cần khơi gợi, động viên các em nói điều mình yêu thích, cảm nhận theo cách của mình. 

Tôi thực sự xúc động ở câu hỏi thứ 5, sau khi yêu cầu học sinh nêu ý nghĩa của 2 câu thơ: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” thì Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu: “Theo anh(chị), cần phải làm gì để HS yêu thích môn Lịch sử”. Có thể nói, Bộ đã rất tâm huyết, thực sự cầu thị, lắng nghe để luôn tìm hướng đi tốt nhất trong cải thiện thực trạng dạy học lịch sử trong nhà trường phổ thông. 

Điều làm tôi hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng là qua bài làm, các em học sinh thể hiện tình yêu đất nước khá sâu đậm. Có thể nói cuộc thi đã khá thành công và tạo một “cú hích” góp phần làm chuyển biến chất lượng dạy và học lịch sử.

Theo Ban Giám khảo cuộc thi, hầu hết các bài thi đều đảm bảo đúng thể lệ, được đánh máy hoặc viết tay rất sạch đẹp. Đặc biệt, có bài thi của một học sinh khiếm thị là em Nguyễn Đăng Khoa, lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hải Phòng), được viết bằng chữ nổi và có cả phiên bản chữ viết thông thường. 

Không thỏa mãn với 5 trang giấy bài viết, hầu hết các bài dự thi đều có tranh ảnh, tư liệu, video minh họa. Phần phụ lục của nhiều bài được đầu tư rất công phu, như cả 35 bài dự thi của tỉnh Quảng Ninh đều từ 200 trang đến gần 400 trang minh họa bằng tranh ảnh và nhiều thể loại tư liệu khác. 

Các bài thi của nhiều tỉnh, thành phố khác cũng rất công phu như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…, với những tư liệu phong phú về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của quê hương, dân tộc, những hình ảnh, tư liệu độc đáo về di sản của quê hương. 

Hầu hết các bài dự thi đều thể hiện kiến thức lịch sử khá chắc chắn, cách viết, cách diễn đạt trong sáng. Đặc biệt, có nhiều bài các em còn thể hiện mong muốn có SGK, tài liệu học tập tốt hơn, đẹp hơn, có nhiều tranh ảnh, thầy cô dạy hay hơn…

Trong vai trò Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vui mừng về chất lượng cũng như thành công của cuộc thi ở nhiều mặt, đặc biệt là khơi dậy hứng thú yêu thích, tự hào với truyền thống lịch sử dân tộc trong học sinh.

Đồng thời, Thứ trưởng ghi nhận sự phối hợp hết sức quan trọng giữa Bộ GD&ĐT với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, NXBGD Việt Nam cùng các đơn vị giáo dục trong cả nước. 

"Sức lan tỏa của cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” chắc chắn không chỉ ở các cấp học trong nhà trường mà còn tới gia đình, ông bà, cha mẹ của các em HS, để dân ta không chỉ biết sử ta mà còn phải có ý thức lưu giữ truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.