WHO kêu gọi tăng cường ứng phó bệnh lao

GD&TĐ - Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay (24/3) có chủ đề “Đồng hồ đã điểm”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên dưới đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào cuối năm 2019, trên toàn thế giới, nhiều quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao đã không đạt được các mục tiêu quan trọng năm 2020 của Chiến lược chấm dứt bệnh lao.

Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc lao đang giảm, nhưng không đủ nhanh để đạt đến mục tiêu năm 2020 là giảm 20% từ năm 2015 - 2020. Từ năm 2015 đến năm 2019 giảm tổng cộng là 9% (từ 142 đến 130 ca mới trên 100.000 dân), bao gồm mức giảm 2,3% từ năm 2018 đến năm 2019.

Số ca tử vong do lao hàng năm đang giảm trên toàn cầu, nhưng không đủ mạnh để đạt đến mục tiêu năm 2020 là giảm 35% (2015- 2020), mức giảm từ năm 2015 đến năm 2019 là 14%, chưa đến một nửa so với mục tiêu đề ra.

Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay có chủ đề “Đồng hồ đã điểm”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên dưới đây, nhằm đưa thế giới đi đúng hướng, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022 và xa hơn nữa là phù hợp với những nỗ lực tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân:

Duy trì cam kết từ các lãnh đạo cấp cao nhằm vận động nguồn kinh phí bền vững trong nước dành cho bệnh lao.

Khẳng định lại cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc 2018 về bệnh lao, vạch ra tiến trình và các bước tiếp theo, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc tổ chức cuộc họp cấp cao tiếp theo về bệnh lao vào năm 2023.

Thúc đẩy tiếp cận trách nhiệm đa ngành nhằm chấm dứt bệnh lao.

Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân thông qua tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, để đảm bảo tất cả những người mắc lao đều được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng, với giá cả phải chăng và giải quyết những thách thức chưa được báo cáo.

Mở rộng hoạt động phát hiện chủ động kết hợp với điều trị dự phòng lao.

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội, cộng đồng và những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao.

Tăng cường nghiên cứu về lao để thúc đẩy những đột phá về công nghệ và tiếp thu nhanh chóng các sáng kiến nhằm đảm bảo công tác dự phòng và chăm sóc bệnh lao được bảo vệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các mối đe doạ khẩn cấp khác.

Rút ra những bài học trong việc đối phó với dịch COVID-19 thành công để áp dụng trong công cuộc chấm dứt bệnh lao.

Năm 2020, trong báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về bệnh lao kêu gọi các quốc gia thực hiện 10 ưu tiên cùng các khuyến nghị cần thiết nhằm đạt được mục tiêu, giảm thiệt hại về con người và xã hội do bệnh lao gây ra.

10 nội dung bao gồm:

- Huy động sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao để giảm thiểu tử vong do lao và thúc đẩy hành động đa ngành để chấm dứt bệnh lao.

- Tăng cường tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu trong đó bao gồm ngườn nhân lực y tế.

- Nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân để đảm bảo tất cả mọi người có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng với giá cả phải chăng.

- Khắc phục tình trạng lao kháng thuốc để thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc và điều trị bệnh lao.

- Mở rộng việc cung cấp điều trị dự phòng cho lao.

- Thúc đẩy nhân quyền, chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

- Đảm bảo sự tham gia của xã hội dân sự, cộng đồng và những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao.

- Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu để thúc đẩy đột phá công nghệ và tiếp thu nhanh chóng các đổi mới.

- Đảm bảo công tác phòng chống lao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp và các nguy cơ khác.

- Yêu cầu WHO tiếp tục thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu tham gia vào công cuộc chống lao, làm việc chặt chẽ với các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác, bao gồm cả việc chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng về bao phủ sức khỏe toàn dân cũng sẽ được tổ chức vào năm 2023.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG – WHO Report 2020 Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu hàng năm, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.

Trong chiến lược chấm dứt bệnh lao The End TB Strategy đã được ban hành, TCYTTG đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%.

Như vậy, tốc độ giảm mới mắc sẽ cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.

Vì sao ngày 24 tháng 3 là Ngày Thế giới phòng chống lao?

Vào ngày 24 Tháng 3 năm 1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao. Tại thời điểm đó, bệnh lao đã phổ biến ở châu Âu và Mỹ mà cứ 7 người là có một người chết vì nó. Nhờ việc phát hiện ra nguyên nhân của căn bệnh này đã có thể phát triển một liệu pháp chống lại căn bệnh.

Từ đó, ngày 24 tháng 3 trở thành Ngày Thế giới phòng chống lao hay Ngày Lao Thế giới (tiếng Anh: World Tuberculosis Day) để nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh lao.

Trong năm 2019, (Báo cáo WHO năm 2020) trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người mới bị mắc lao, và khoảng 1,4 triệu người chết vì căn bệnh này, chủ yếu là ở các nước đang phát triển.

Trong năm 1982, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày công bố sự phát hiện vi khuẩn ở trên, Hiệp hội chống Lao và Bệnh phổi Quốc tế (International Union Against Tuberculosis and Lung Disease - IUATLD) gợi ý ngày 24 tháng 3 là Ngày Thế giới phòng chống lao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.