Vật nuôi có khả năng truyền Covid-19 sang người?

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua tiếp xúc, giọt bắn và không khí.

Vật nuôi thường không có triệu chứng hoặc tình trạng nhẹ khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa.
Vật nuôi thường không có triệu chứng hoặc tình trạng nhẹ khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, trường hợp gia đình có vật nuôi, cần lưu ý người nhiễm không nên tiếp xúc với vật nuôi.

Ngoài ra, người cùng nhà với người nhiễm Covid-19 cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Đồng thời, gia đình được khuyến cáo không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) - cho biết, đến nay, chưa có bài báo khoa học nào cho thấy chó, mèo có thể trở thành vật trung gian lây bệnh Covid-19 cho người. Tuy nhiên, ngược lại đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, con người có thể lây bệnh cho vật nuôi. Song, tỷ lệ chó, mèo lây Covid-19 từ chủ thường thấp. Hầu hết chúng không có triệu chứng hoặc bệnh rất nhẹ.

“Tại Pháp, một nghiên cứu trên 9 con mèo và 12 con chó có chủ là những người mắc bệnh Covid-19, qua xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng thể cho thấy, không có con nào bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Một nghiên cứu khác trên 22 con mèo và 11 con chó chỉ tìm thấy một con mèo (4,5%) dương tính với virus bằng RT-PCR”, TS Vũ dẫn chứng.

Trong một nghiên cứu lớn hơn ở Texas (Mỹ), khảo sát trên 76 con chó và mèo từ 39 hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 cho thấy, 2 con mèo và một con chó dương tính với Covid-19. Ngoài ra, có 7 con mèo và 7 con chó tạo được kháng thể trung hòa virus. TS Vũ chia sẻ, kháng thể ở mèo có khả năng trung hòa mạnh hơn chó.

Các nhà khoa học cũng tìm virus trên lông của các con vật này. Kết quả cho thấy, một số vật nuôi có RNA của virus. Song, khi nuôi cấy, các nhà khoa học không thu được virus sống. Điều này cho thấy, có thể thói quen liếm lông của động vật đã làm dính một số RNA của virus. Tuy nhiên, đây không phải virus sống. Do đó, nhóm nghiên cứu kết luận, lông động vật không phải nguồn lây nhiễm virus.

“Tóm lại, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy chó, mèo có thể là vật trung gian lây nhiễm bệnh Covid-19 cho người. Tuy nhiên, vật nuôi cũng có một tỷ lệ nhỏ có thể mắc Covid-19 từ người. Dù chưa có bằng chứng khoa học cho thấy chúng có thể lây sang người, nhưng để thận trọng, nên cách ly vật nuôi trong giai đoạn chúng bị bệnh”, TS Vũ nhấn mạnh.

Chuyên gia này chia sẻ, khi mắc Covid-19, hầu hết vật nuôi không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gặp các triệu chứng nặng hơn như sốt, ho, khó thở, uể oải, hắt xì, sổ mũi, mắt kèm nhèm, ói, tiêu chảy… Do đó, TS Vũ khuyến cáo, mọi người nên cho vật nuôi ở một góc riêng, tránh tiếp xúc với những người trong nhà có nguy cơ cao mắc Covid-19, tránh tiếp xúc với vật nuôi khác.

Đồng thời, hạn chế ôm ấp, hôn vật nuôi hoặc cho chúng ngủ chung giường. Mang găng tay và khẩu trang khi dọn dẹp phân hoặc nước tiểu. Sau đó, cho vào một túi kín trước khi bỏ vào thùng rác.

Lưu ý luôn rửa tay bằng xà phòng và nước ngay sau khi dọn dẹp vệ sinh cho vật nuôi. TS Vũ cho biết, vật nuôi có thể dừng cách ly khi không có triệu chứng bệnh sau 3 ngày (không sử dụng thuốc) và từ sau 14 ngày, kể từ lần thử dương tính đầu tiên hoặc xét nghiệm cho âm tính.

“Cần thận trong giảm lây nhiễm lên vật nuôi khi chúng ta bị bệnh. Nên cách ly và chăm sóc đúng cách khi chúng bị nhiễm Covid-19. Dù chúng rất hiếm khi nhiễm và nếu bị, rất ít khi nặng”, TS Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.